Mặc dù mong muốn triển khai hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, không phải lúc nào các trường đại học cũng có thể thực hiện được dự định này vì nhiều lý do.

Các trường tinh hoa ít có nhu cầu mở rộng đào tạo ra ngoài biên giới quốc gia

Cơ sở của các hình thức liên kết là nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, thường xảy ra khi năng lực và trình độ của hai bên đối tác có sự tương đồng nhất định và không quá chênh lệch. Bởi vậy, một ngôi trường từ một nền giáo dục đại học chưa có tên trong các bảng xếp hạng đại học trên thế giới muốn hợp tác đào tạo với một trường nước ngoài sẽ gặp nhiều hạn chế trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp.

Việc tìm kiếm đối tác liên kết tổ chức đào tạo tại Việt Nam trong khoảng top 100-200 các bảng xếp hạng trên thế giới như THE, QS là khả thi đối với những trường thuộc top đầu trong nước. Trong khi đó, các trường nằm trong top 50 thế giới và các trường thuộc khối Ivy League của Mỹ hầu như không có nhu cầu mở rộng đào tạo ra ngoài biên giới quốc gia, hoặc nếu có, họ chọn đối tác có đẳng cấp thế giới, đảm bảo có đủ năng lực triển khai và hấp thụ các chuyển giao trong quá trình hợp tác, như trong trường hợp Yale-NUS College hay Cornell-Nanyang Institute of Hospitality Management. Vì vậy, việc các trường đại học của Việt Nam đặt vấn đề hợp tác đào tạo với các trường này tại Việt Nam với mong muốn logo của họ xuất hiện trên tấm bằng là ít khả thi.

Dù vậy, điều này không có nghĩa chúng ta không có cơ hội hợp tác với một số trường top đầu thế giới. Ngoài đào tạo, do năng lực quản lý, quản trị các trường đại học theo mô hình quản trị hiện đại còn thấp, một số trường đại học của Việt Nam còn có nhu cầu hợp tác phát triển nâng cao năng lực quản lý dưới dạng các hợp đồng tư vấn với những trường trong nhóm tinh hoa.

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) trong thư viện điện tử.
Ảnh: asianschool.edu.vn

Về bản chất, chúng ta có thể bỏ rất nhiều tiền để ‘mua’ một mô hình, một công nghệ quản lý, tổ chức. Hợp đồng tư vấn có thể bao gồm việc thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất, thiết lập hệ thống quản trị, vận hành trường. Hình thức hợp tác này giúp giải quyết bài toán thực tiễn trong việc thiết lập hệ thống, đặc biệt hữu ích trong trường hợp các trường mới thành lập, được đầu tư lớn và có mục tiêu trở thành người khổng lồ trong thời gian ngắn. Với sự tham gia của các tập đoàn lớn vào giáo dục đại học, nhu cầu này này là hiện hữu.

Song cần nhớ rằng các hình thức tư vấn như vậy không có tác động trực tiếp tới quá trình đào tạo hay cấp bằng, và các đối tác nước ngoài không trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy.

Một vài lưu ý cho người học

Hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học thường đi trực tiếp vào chương trình đào tạo các hệ từ cử nhân, đến thạc sỹ và tiến sỹ. Các mô hình cấp bằng kép, đồng cấp bằng, hay các mô hình chương trình 1+3, 2+2, hay 3+1 (tức là trong 4 năm đại học thì có x năm học ở trường trong nước rồi chuyển tiếp y năm học ở trường đối tác cấp bằng ở nước ngoài), được áp dụng nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu và ‘thị hiếu’ của người học, đồng thời được cho là đem lại lợi ích cao nhất cho người học.

Khi lựa chọn chương trình đào tạo do một trường đại học có yếu tố liên kết với nước ngoài, người học cần hiểu rõ bản chất của việc liên kết. Các trường đại học cũng có trách nhiệm phải cung cấp thông tin minh bạch về việc này như là một phần của trách nhiệm giải trình.

Nếu là trường hợp hợp tác quốc tế không phải trong hoạt động đào tạo, phụ huynh và người học không nên để tâm quá nhiều tới cái tên đối tác quốc tế của chương trình/trường họ dự định theo học. Điều họ cần quan tâm là bản chất, mục tiêu, chuẩn đầu ra, nội dung, cấu trúc, cách tổ chức thực hiện chương trình, và trên hết là giá trị của tấm bằng (thể hiện ở đơn vị cấp bằng), những năng lực, trải nghiệm họ đạt được sau chương trình trong tương quan với mức học phí họ phải trả trong suốt chương trình.

Một yếu tố nữa người học cần chú ý là khả năng chuyển tiếp tới các bậc đào tạo tiếp theo ở các trường đại học nước ngoài. Nói cách khác, đó là phạm vi được công nhận của tấm bằng họ được trao, bởi lẽ người học luôn cần xác định rõ tấm bằng đại học là mở đầu cho con đường phát triển sự nghiệp của bản thân.

Đặc biệt, cần lưu ý các thông tin mang tính chất PR như xếp hạng hay gắn sao sẽ không phải là thông tin tham khảo quan trọng cho một chương trình đào tạo.