Các nhà khoa học Anh phát hiện hợp chất perchlorate trong đất sao Hỏa có thể tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn chỉ trong vài phút.

hop-chat-de-doa-tieu-diet-moi-su-song-tren-sao-hoa

Bề mặt sao Hỏa có khả năng tiêu diệt mọi sinh vật sống. Ảnh: NASA.

Các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh, Anh, phát hiện vi sinh vật rất khó sống sót trên bề mặt sao Hỏa, do đất trên hành tinh đỏ chứa perchlorate, theo Science Alert. Perchlorate là hợp chất của clo làm cho nước trên bề mặt sao Hỏa tồn tại chủ yếu ở dạng lỏng và có vị mặn. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports hôm 6/7.

Khi các hợp chất perchlorate tiếp xúc với tia cực tím cường độ mạnh (UV), chúng có khả năng tiêu diệt bất kỳ dạng sống nào. Sao Hỏa có bầu khí quyển mỏng hơn Trái Đất nên rất nhiều loại tia này chiếu xuống bề mặt của nó. Dù perchlorate có tính chất ổn định ở nhiệt độ phòng, nhưng là chất oxy hóa mạnh gây tổn hại đến tế bào khi bị kích hoạt ở nhiệt độ cao.

"Những quan sát của chúng tôi cho thấy bề mặt sao Hỏa rất nguy hiểm với sinh vật sống do chứa nhiều tác nhân độc hại như chất oxy hóa, oxit sắt, perchlorate và tia cực tím", nhóm nghiên cứu cho biết.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đưa Bacillus subtilis, loại vi khuẩn xuất hiện phổ biến trên tàu vũ trụ, vào trong dung dịch magnesium perchlorate trên đĩa petri với nồng độ giống như môi trường trên sao Hỏa. Sau đó, họ cho chúng tiếp xúc với tia cực tím. Kết quả cho thấy, không có vi khuẩn sống sót sau thử nghiệm và chúng chết ngay chỉ sau 30 giây.

Các nhà khoa học cũng tiến hành một thí nghiệm khác. Trong đó họ để vi khuẩn B.subtilis sinh sống trong mẫu vật tương tự như đá sao Hỏa làm bằng silic. Điều kiện này giúp B.subtilis dễ dàng sống sót hơn nhưng hầu hết chúng vẫn chết. Do đó, sự sống trên sao Hỏa nếu tồn tại sẽ ở sâu dưới bề mặt hành tinh.

Nếu đất của sao Hỏa chứa perchlorate giết chết các vi khuẩn có nguồn gốc từ Trái Đất khi tiếp xúc với tàu vũ trụ, chúng ta sẽ không có khả năng làm lây nhiễm mầm sống cho hành tinh lân cận.