Không phải tự dưng mà trong cuộc chơi gọi vốn đầu tư từ các quỹ lớn mạo hiểm, hình ảnh các nhà đầu tư luôn được ví von như những động vật săn mồi thứ dữ như cá mập (Shark Tank), rồng (Dragon’s Den), hổ (Tigers of moneys), và cả sư tử (Leo’s Jaw).

Và thứ vũ khí mà không chỉ khởi nghiệp mới cần trong các cuộc làm việc với nhà đầu tư, chính là “đi đi” - nói vui của quá trình Due Diligence (Thẩm định doanh nghiệp).

“Đi đi” là đi cùng nhau

Mùa 1 của chương trình Thương vụ Bạc tỷ đã kết thúc với câu chuyện về nhiều Startup tiềm năng khi gọi được vốn từ các Shark. Tuy vậy thực tế cho thấy, chỉ có 7 trên 22 startup được hứa hẹn rót vốn trên truyền hình thật sự nhận được khoản đầu tư này. Còn lại các startup thất bại hầu hết do không đảm bảo được các điều kiện từ các Shark trong quá trình “đi đi”.

Một câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở chương trình Shark Tank Úc. Shark Steve Baxter tiết lộ rất ít các doanh nghiệp bước qua được giai đoạn Due Dililenge, 50 doanh nghiệp gọi vốn, 27 nhận được đề nghị đầu tư và chỉ 4 doanh nghiệp thật sự gọi vốn thành công.

Để lý giải về vấn đề này, Baxter thừa nhận sự thiếu minh bạch của Startup khi định giá công ty, “Các startup thường không có hoạt động tài chính và kế toán rõ ràng, họ không sử dụng phần mềm quản lý tài chính, hoặc nếu có thì khi trích xuất thông tin 2 lần, bạn nhận được 2 kết quả khác nhau, điều đó khiến bạn mất niềm tin khi đầu tư”. Thậm chí, Baxter đã dành gần 300,000 USD mỗi năm tuyển dụng 4 nhân viên làm việc toàn thời gian chỉ để thẩm định các startup.

Due diligence (Thẩm định doanh nghiệp) là quá trình nhà đầu tư xem xét, đánh giá lại thông tin, tình hình tài chính củastartupmục tiêu trước khi ra quyết định đầu tư như đã cam kết.

Phía sau cái ôm trên màn ảnh truyền hình là một núi việc cụ thể. Ảnh: Shark Tank VN

Quá trình rót vốn cho một startup có thể ràng buộc các nhà đầu tư trong vài năm, thậm chí nhiều nhà đầu tư mất đến 10 năm để nhận được số vốn ban đầu. Lý do chính là vì các startup vận hành trong điều kiện rủi ro cao, không chắc chắn, nên mất nhiều thời gian mới có thể bắt đầu có lợi nhuận. Chính vì vậy, việc thẩm định các doanh nghiệp có vai trò quan trọng để xác định sự thành công và hiệu quả của thương vụ đầu tư, tránh việc chọn nhầm các startup rủi ro lớn làm xấu đi bộ mặt các danh mục hiện có của nhà đầu tư.

Chưa kể đến việc nhiều founders thường làm cho startup của mình trở nên hấp dẫn hơn bằng cách giấu đi một vài số liệu gây ảnh hưởng xấu đến công ty của mình để thuyết phục các nhà đầu tư, nhưng khi sự thật được phơi bày, các nhà đầu tư dễ bị thất vọng một cách nhanh chóng. “Founder là nhân viên bán hàng lôi cuốn nhất mà tôi từng gặp. Khi nói đến tầm nhìn, năng lượng và niềm tin, họ có thể hoàn toàn thuyết phục tôi, khiến tôi tin rằng họ có thể dịch chuyển được cả núi để đạt được tầm nhìn của mình” -Scott Lenet, một nhà đầu tư mạo hiểm từ Touchdown Ventures & DFJ Frontier

Vì vậy, việc thẩm định công ty là rất quan trọng để xác định những rủi ro chính của startup như rủi ro thị trường, rủi ro về công nghệ, rủi ro về tài chính và quan trọng nhất rủi ro về con người, nhân sự. Việc thẩm định này bao gồm rà soát tất cả những thông tin giấy tờ về sở hữu trí tuệ, hợp đồng, mối quan hệ với các đối tác, khách hàng và xem xét khả năng quản lý team và founder.

“Đi đi” - cũng có nhiều cách “đi”

Các nhà đầu tư có những giả định riêng và những tiêu chí riêng để quyết định một startup có phù hợp với danh mục đầu tư của họ hay không. Nhiều tiêu chí được định nghĩa khá rõ ràng như họ chỉ đầu tư vào một phân khúc thị trường, vị trí địa lí trong phạm vi góp vốn nhất định, tuy nhiên nhiều yếu tố khác thì không rõ ràng và không được chia sẻ với các founder, ví dụ như mối quan hệ chiến lược của startup với các doanh nghiệp khác.

Các startup gọi vốn lần đầu tiên thường sẽ tìm đến nhữngnhà đầu tư thiên thầnthay vì các nhà đầu tư mạo hiểm hay các tổ chức lớn. Các nhà đầu tư thiên thần có những góc nhìn về rủi ro và những tiêu chuẩn khác với các nhà đầu tư mạo hiểm trong việc đánh giá startup. Nhà đầu tư mạo hiểm thường sẽ thẩm định một cách toàn diện công ty đang vận hành, trong khi đó các nhà đầu tư thiên thần thường sẽ thoải mái hơn và dễ dàng hơn trong việc thẩm định công ty, tạo điều kiện cho những startup tiềm năng có điều kiện phát triển. (Due diligence giai đoạn đầu).

Trái ngược với việc đầu tư vào những công ty lớn, việc thẩm định tài sản của startup là một sự tổng hợp của: đội nhóm, ý tưởng, khách hàng và các yếu tố đo lường tăng trưởng. Cụ thể: Đội nhóm- năng lực, trình độ của những người sáng lập như thế nào? Nhiệm vụ của họ có bổ trợ lẫn nhau không? Mức độ cam kết của họ với dự án ra sao? Quy mô thị trường - Ai là đối thủ của họ và những yếu tố nào quan trọng để thành công trong thị trường họ nhắm tới. Bằng sở hữu trí tuệ - Họ có toàn quyền kiểm soát bằng sở hữu trí tuệ, code, logo và tên miền liên quan? Ngân sách và dự báo tài chính - Công ty có đang kiểm soát được nguồn tài chính của mình không?

Đo lường tăng trưởng - Doanh thu có tăng trưởng? Số lượng người sử dụng dịch vụ/ sản phẩm có tăng, khả năng giữ khách hàng, v.v. Hồ sơ trực tuyến (Online Profile) của họ - hình ảnh nào, thông điệp nào họ đang truyền tải - lượng người theo dõi trên những phương tiện thông tin đại chúng? Hợp đồng - kiểm tra những hợp đồng cốt lõi với khách hàng, nhân viên, người bán hàng!

Hãy “làm bài tập ở nhà”

“Do your homework” (hãy làm bài tập ở nhà) - luôn là lời khuyên quan trọng nhất cho mọi công ty khởi nghiệp khi tham gia cuộc chơi này. Bất kể phạm vi hay cách thức thẩm định, chìa khoá để thành công là sự chuẩn bị kỹ càng.

Khi một nhà đầu tư cam kết góp tiền cho startup, họ sẽ kiểm tra xem những nguyên tắc cơ bản họ đề ra có thật sự khả thi không. Nếu các hợp đồng chính không rõ ràng, những yếu tố quan trọng của dự án có nhiều rủi ro, hoặc nếu các báo cáo tài chính và hoạt động của công ty không đáng tin cậy, nhà đầu tư có thể rút lại quyết định đầu tư.

Thêm một lời khuyên nữa: các nhà đầu tư thường rất thiếu kiên nhẫn. Những cơ hội đến cũng sẽ đi dễ dàng, nên bạn cần phản ứng nhanh và luôn trong tâm thế chuẩn bị kỹ càng.