Gần 4 thập kỷ cống hiến cho thực vật học, tên bà không đi kèm với học vị, chức danh nào, cũng chẳng có công trình riêng để báo cáo thành tích; nhưng các nhà khoa học Việt Nam khi công bố loài mới trên tạp chí khoa học danh tiếng thường không thể thiếu đóng góp của bà.


Tôi nhớ mãi ấn tượng về lần đầu tiên gặp họa sỹ Lê Kim Chi, khi ngó vào căn phòng nhỏ ngập nắng và thấy bà cặm cụi bên bức phác thảo, chăm chú đến độ không biết có người đang lại gần. Bàn tay bà đưa chậm rãi, cẩn trọng trên tờ giấy trắng và những nét vẽ mềm mại lần lượt xuất hiện. Có điều, vẻ đẹp được tạo ra dưới tay bà không phải tác phẩm nghệ thuật mà là bản mô tả thực vật - một yêu cầu bắt buộc khi công bố loài mới trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.

Chiếc kính lúp giúp họa sỹ Kim Chi vẽ chính xác các chi tiết cực nhỏ của mẫu vật. Ảnh chụp tại phòng làm việc của họa sỹ tháng 5/2015. Ảnh: P.Phạm
Chiếc kính lúp giúp họa sỹ Kim Chi vẽ chính xác các chi tiết cực nhỏ của mẫu vật. Ảnh chụp tại phòng làm việc của họa sỹ tháng 5/2015. Ảnh: P.Phạm

Cử nhân mỹ thuật cả đời làm khoa học

Gắn bó với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam từ thời mới thành lập, họa sỹ Kim Chi có tuổi nghề xấp xỉ tuổi đời của viện. Bà đã làm việc tại đây 38 năm.

“Khi tôi sắp tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp, bên viện sang trường tìm người chuyên vẽ thực vật chí. Thầy cô thấy tôi học cũng được nên giới thiệu. Vậy là khi ra trường, tôi về phòng Thực vật học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm luôn” - nữ họa sỹ kể. Từ 6 năm nay, tuy đã về hưu, bà vẫn làm theo hợp đồng với viện. Hằng ngày, bà đến phòng Thực vật, ngồi miệt mài từ sáng đến chiều để dựng, vẽ chì, vẽ mực các bản mô tả.

Cẩn thận đi từng nét mực nhỏ trên bản phác thảo chì, họa sỹ lý giải: “Các mẫu mà đội thực địa đưa về là xác cây ép khô, mình phải dựng cho nó sống động như mẫu tươi, rồi vẽ từng phần một, từ cành, lá, nhụy đến cánh hoa... Cả những mấu nhỏ cũng không thể bỏ qua. Nếu cây có mắt, lông thì phải mô tả thật đúng”. Bởi vậy, để có một bản mô tả, bà phải làm việc tập trung cao độ trong 2-4 ngày.

Câu chuyện giữa tôi và bà mấy lần bị gián đoạn bởi khách đến nhờ vẽ cho nghiên cứu của họ. Bị từ chối do họa sỹ đã quá tải, khách cố vật nài, nói khó rằng họ không tìm đâu ra một người vẽ thủ công tỉ mỉ như bà Chi. Tôi hỏi đùa sao bà không nhận rồi sắp xếp làm dần, lấy thù lao thật cao, nữ họa sỹ lắc đầu quầy quậy, bảo đã nhận là phải làm sớm cho người ta, kẻo giảm mất tính mới của phát hiện, còn chuyện tăng thù lao thì bà chỉ đơn giản trả lời là không.


Quên cả bệnh tật

Giở chồng mẫu khô, bà Chi cho biết: “Những tiêu bản này đều được ngâm hóa chất để bảo quản, thành phần có cả thủy ngân. Thế nên mỗi lần vẽ mẫu khô, tôi đều phải đeo khẩu trang. Cũng may là đến giờ sức khỏe vẫn chưa có vấn đề gì”.

Thực ra, bà đã yếu đi nhiều sau lần mổ sống lưng mới đây, phải nằm liền 2 tháng. Nhưng vừa được phép đi lại, bà lên ngay viện. Mà đã vào việc là họa sỹ quên mất cái cột sống cần được nương nhẹ, cứ gò lưng vẽ mải miết hết giờ này đến giờ khác. Bà cười phân bua: “Tôi vẫn tự nhắc không được quá mải mê đấy chứ. Các cháu trong phòng thì thỉnh thoảng lại bảo cô ơi nghỉ đi kẻo đau lưng”.

TS Trần Thế Bách - Trưởng phòng Thực vật học - chia sẻ: “Cô Kim Chi làm việc miệt mài quá, tôi phải nhắc anh em thi thoảng nói chuyện để cô bớt tập trung, kẻo lại quên cho lưng, mắt, tay nghỉ ngơi. Người vừa có bàn tay vàng, vừa có tấm lòng đôn hậu và trung thực như cô, bây giờ tìm đâu cho được”.

Không chức tước, không danh hiệu hay công trình công bố nhưng trong giới thực vật học, họa sỹ Kim Chi được coi là tài sản quý. Sản phẩm của bà kèm công bố để đăng trên các tạp chí khoa học chưa từng có bản nào bị trả về. Bộ phận tiếp nhận công bố loài mới của nhiều tạp chí thực vật danh tiếng đã quen với bút ký của bà trên bức vẽ mô tả. Các nhà thực vật học Việt Nam khi có công bố mới trên các tạp chí thế giới đều nghĩ đến cái tên Lê Kim Chi. Đặc biệt, nhiều nhóm nghiên cứu biết đến bà để nhờ vẽ là do người nước ngoài giới thiệu.

Có uy tín là vậy, nổi tiếng ngầm trong giới thực vật học là vậy, công phu bỏ ra cho một bức vẽ lớn là vậy nhưng thù lao cho họa sỹ chẳng là bao. Nhắc đến điều đó, bà Kim Chi cười nhẹ: “Nếu mong lợi ích thì không thể làm được công việc này đâu”.

Quả thực, người nào tận mắt quan sát cách bà vẽ một mẫu vật, thấy rõ công phu bỏ ra cho một bức mô tả sẽ hiểu ngay tiền bạc không thể là động lực cho sự toàn tâm này. Những sản phẩm đó chỉ có thể tạo nên bởi một tay nghề lão luyện, một tâm hồn trung thực, tận tụy và một tình yêu nghề lớn đến độ quên hết mọi sự khi lao động.