Vì sinh sống chủ yếu ở sâu trong rừng Taiga, nên từ trước đến nay, con người rất khó có thể tìm hiểu về loài hổ hổ Siberia. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhờ các công nghệ tiên tiến, chúng ta đã dần mở ra những “bí mật” thú vị về loài động vật ăn thịt to lớn này.

Hổ Siberia hay còn gọi là hổ Amur, hổ Ussuri hay hổ Mãn Châu, là động vật thuộc họ mèo lớn nhất thế giới. Với cân nặng trung bình lên đến 350 kg (kỷ lục về cân nặng được ghi nhận là 465 kg), chúng được mệnh danh là “Chúa tể của rừng Taiga”
Vào năm 2005, hổ Siberia đã được cho là có nguy cơ tuyệt chủng cực cao khi chỉ còn khoảng 331 đến 393 cá thể sinh sống chủ yếu tại khu vực núi Sikhote Alin và một ít ở phía Tây Nam tỉnh Primorye thuộc vùng Viễn Đông nước Nga. Trong số này, có khoảng 250 con hổ Amur đang trong độ tuổi sinh sản.
Tuy nhiên, trong 1 thập kỷ qua, dưới các nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã của Nga, số lượng của hổ Siberia đã dần tăng lên một cách đáng ngạc nhiên. Hiện tại, có khoảng 480 – 540 cá thể loài động vật ăn thịt to lớn này sinh sống ở vùng Viễn Đông nước Nga.
Đặc biệt, hổ Siberi sống trong rừng Taiga có bộ lông rậm và dày hơn so với các phân loài hổ khác. Nhờ đó mà chúng có thể chịu được cái lạnh khắc nghiệt vào mùa đông ở đây.
Được biết, hổ Siberia thường thích sống đơn độc. Thức ăn của chúng chủ yếu là những động vật ăn cỏ như hươu đỏ, hươu xạ, nai sừng tấm, heo rừng và tuần lộc. Thế nhưng, cũng có không ít người cho rằng, chúng còn săn cả gấu nâu để làm thức ăn.
Tuy từ trước đến nay, hổ Siberia luôn được xem là loài động vật lớn nhất trong họ nhà mèo, nhưng một nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng, tính từ sau nửa đầu thế kỷ 20, trọng lượng trung bình của chúng đã nhẹ hơn hổ Bengal.
Theo các nhà khoa học, việc hổ Siberia bị giảm sút trọng lượng là do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Điển hình như thức ăn, môi trường sống…
Thế nhưng, nguyên nhân chính dẫn đến việc hổ Siberia bị giảm sút trọng lượng là do sự biến đổi kiểu gene. Được biết, tổ tiên của loài này sinh sống chủ yếu ở khu vực Trung Á, theo thời gian, chúng di chuyển qua hành lang Gansu-Silk Road, từ miền đông Trung Quốc, rồi sau đó đi qua Siberia về phía Đông để tạo thành các quần thể hổ Amur.