Phó Giáo sư - tiến sỹ Phạm Văn Nho - nguyên giảng viên Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội - cho rằng cách hỗ trợ cần hướng nhiều hơn vào giai đoạn hậu nghiên cứu, trong đó có việc trợ giá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ theo ngành dọc...

Thực tế ở Việt Nam có rất ít trường hợp xác lập quyền và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu từ trường đại học ra doanh nghiệp để hoàn thiện thành sản phẩm thương mại. Theo ông, đâu là lý do của thực trạng này?

Nhiều nhà khoa học (NKH) có trình độ, tâm huyết nhưng để đưa sản phẩm ra thị trường thì cần cả tính kiên trì và tầm nhìn. Kiên trì là có kế hoạch lâu dài, thực hiện từng bước một. Tầm nhìn giúp nghiên cứu không bị manh mún, đạt kết quả tốt và không bị lạc hậu khi hoàn thành.

Nhiệm vụ chính của các trường đại học là đào tạo nên sản phẩm là cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ và các bài báo khoa học, rất ít sản phẩm cụ thể. Để chuyển giao sản phẩm nghiên cứu cho doanh nghiệp, NKH không thể làm từ A đến Z. Họ chỉ có thể nghiên cứu, còn công đoạn làm sản phẩm cần có sự hợp tác.

Từ kinh nghiệm của bản thân và bạn bè, tôi thấy có 2 lý do hạn chế chuyển giao từ trường ra doanh nghiệp. Một là các NKH chưa có công trình hoàn thiện ở mức có thể chuyển giao; trong khi doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, ngại mạo hiểm với ý tưởng mới. Hai là việc bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp phát hiện vi phạm chưa được giải quyết triệt để. Tôi đã có lần chuyển giao độc quyền rồi bị doanh nghiệp nhái lại. Dù hợp đồng có điều khoản bồi thường, nhưng chúng tôi không theo đuổi kiện cáo vì sợ mất nhiều thời gian, công sức.

Do đó, nhiều trường hợp NKH đăng ký bảo hộ chỉ để không ai đăng ký ý tưởng của mình chứ không chắc chắn sản phẩm có bị xâm phạm hay không. Vì vậy, cả NKH lẫn doanh nghiệp chưa mặn mà kết hợp để ra sản phẩm mới.

Phó Giáo sư - tiến sỹ Phạm Văn Nho. Ảnh: Vũ Ngọc
Phó Giáo sư - tiến sỹ Phạm Văn Nho. Ảnh: Vũ Ngọc

Ông đánh giá thế nào về cách các trường quản lý tài sản trí tuệ do họ đầu tư để tạo nên? Ở ĐH Đà Nẵng, trường hỗ trợ kinh phí, hầu hết sản phẩm do NKH đứng tên sở hữu để khuyến khích họ và khi chuyển giao, số tiền trường thu lại cũng rất ít. Ông có bình luận gì về chính sách này?

Về nguyên tắc, đơn vị cấp kinh phí làm đề tài có quyền quyết định việc sử dụng sản phẩm. Cá nhân tôi - để bảo đảm quyền quyết định - đã bỏ tiền túi ra làm nhiều sản phẩm. Còn chính sách của ĐH Đà Nẵng trong thời điểm này là hợp lý và lợi cả đôi đường. Khi NKH làm ra sản phẩm, họ có quyền tác giả, trường có bài báo, sản phẩm (hướng dẫn sinh viên, thạc sỹ, tiến sỹ hoặc bằng sáng chế). Nếu không được tạo điều kiện, số nghiên cứu sẽ ít đi. Có thể có nhiều quan điểm về vấn đề này, nhưng các NKH càng được tạo điều kiện tốt thì càng sáng tạo ra nhiều sản phẩm tốt.

Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có 2 con đường cho sản phẩm nghiên cứu của các trường: Tạm cất đi hoặc chuyển giao cho doanh nghiệp theo con đường không chính thức, nhà trường không thu hồi được số tiền đã đầu tư. Ông nghĩ sao về điều này?

Để tránh việc kết quả nghiên cứu bị cất ngăn kéo, lãng phí vốn đầu tư, cần có chính sách định hướng, khuyến khích NKH cho ra sản phẩm ứng dụng được, coi đây là một tiêu chí của luận án tiến sỹ. Lâu nay nhiều thầy tà tà đi dạy, làm các đề tài nhẹ nhàng, không sống chết với các nghiên cứu khó nhằn vì cho là “ôm rơm rặm bụng”.

Để có nhiều sản phẩm tốt, cần giải pháp tổng thể: Giảng viên đăng ký nghiên cứu dài hơi và được cấp kinh phí theo 3 đợt (nghiên cứu thăm dò, thử nghiệm và ra sản phẩm chính thức). Nếu giai đoạn đầu thấy không ổn thì dừng, chuyển hướng mới. Nếu khả thi thì rót kinh phí để thử nghiệm và ra sản phẩm chính thức.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường cần cân nhắc việc xây dựng cơ sở dữ liệu đề tài để sản phẩm nghiên cứu có tính kế thừa, tránh tình trạng người sau nghiên cứu lại của người trước. Khi có ý tưởng, NKH chỉ cần tìm kiếm bằng từ khóa chuyên ngành là tìm ra các nghiên cứu đã thực hiện. Như vậy, sự đầu tư cho đề tài mới trở nên có ích.


Theo ông, Việt Nam nên áp dụng mô hình nào để đẩy mạnh chuyển giao tài sản trí tuệ?

Bản thân tôi khi nghiên cứu luôn theo công thức: Làm được (có tính khả thi ở điều kiện Việt Nam) - dùng được (có giá trị sử dụng chứ không chỉ là hiệu ứng khoa học) - bán được. Tuy nhiên, với các sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, khách hàng chưa quen ngay và giá thành cũng không thể bình dân.

Để các sản phẩm này sống được trên thị trường, chẳng có cách nào khác, Nhà nước phải ra tay. Thay vì rót tiền cho nghiên cứu rồi cất kết quả vào ngăn kéo, Nhà nước có thể trợ giá sản phẩm đưa ra thị trường. Nhà nước hoặc các trường hình thành một trung tâm xét duyệt, đánh giá các sản phẩm để trợ giá trong thời gian nhất định. Khi người tiêu dùng quen với sản phẩm thì ngừng trợ giá và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm.

Ngoài ra, sau khi thẩm định, có thể chủ động tiêu thụ sản phẩm theo ngành dọc. Ví dụ, sản phẩm thuốc sau khi được đánh giá, cấp phép lưu hành thì Nhà nước giao Bộ Y tế sử dụng trong ngành dọc, không để NKH hay doanh nghiệp "tự bơi". Nhà nước cũng có thể giao Bộ Khoa học và Công nghệ lập bộ phận hỗ trợ sản phẩm. NKH có sản phẩm tốt sẽ gửi hồ sơ sản phẩm lên bộ phận này để đánh giá, nếu có tiềm năng sẽ được tính toán quy mô và hỗ trợ sản xuất. Thời gian hỗ trợ có thể ngắn hoặc dài, nhưng phải đảm bảo thu hồi vốn.

Xin cảm ơn ông!