Có cơ hội, Hiền đắm mình vào nghiên cứu than không khói, một sản phẩm thực thụ giúp ích cho môi trường đúng như ước mơ của cô…

Người lượm rác…

Bến Tre là xứ dừa nhộn nhịp, mỗi năm vùng đất này sản xuất ra hơn 25 triệu trái dừa, nhưng cũng thải ra môi trường lượng rác gáo dừa khổng lồ, lên đến 9.000 tấn/tháng. Khởi nghiệp của Hiền sẽ không phải làm than nếu như tình cờ một ngày nọ, cô không được đối tác nước ngoài “nhờ” nghiên cứu một dạng than không khói cung cấp cho các thị trường Arập, đáp ứng nhu cầu hút shisha.

Nhận thấy đây là cơ hội, phù hợp với mong muốn ấp ủ lâu nay của mình, Hiền liền nhận lời đối tác và lao vào việc nghiên cứu. “Nếu làm từ than củi thì ý nghĩa về môi trường không còn, vì phải phá rừng mới có than, hơn nữa đối tác cũng đặt hàng phải làm than hữu cơ nên tôi quyết định tìm đến gáo dừa!”, Hiền bộc bạch.

Chọn gáo dừa làm nguyên liệu sản xuất than, Hiền bảo, bước đầu tiên phải nghiên cứu để khắc chế nhược điểm khói và mùi gáo dừa, bởi dạng nguyên liệu này khi đốt sẽ chuyển hoá từ carbon phát ra khói. Với vốn kiến thức ít ỏi học ngành thực phẩm, cộng thêm kiên trì nghiên cứu tài liệu, Hiền nhận ra giải quyết khói than phải cần có loại keo kết dính. Cô sau đó đã nghiên cứu dùng bột khoai mì làm keo kết dính, chứ không sử dụng hoá chất. Ngoài ra, khi đốt gáo dừa thành than, Hiền sử dụng phương pháp yếm khí để giải quyết nhược điểm khói gây ảnh hưởng môi trường.

Sau khi chọn được kỹ thuật làm than, cô bắt đầu lao vào làm thử. Hiền bảo công việc những ngày đầu làm than gáo dừa của mình giống như người lao công lượm rác.

Những ngày tháng đầu năm 2015, Hiền, với chiếc xe máy cà tàng vất va vất vưởng lui tới các vựa bán trái dừa, quán nước dừa, cơ sở nạo dừa để gom lượm từng vỏ gáo, đóng vào bao tải. Cũng có hôm, Hiền liều chạy xe máy một mạch xuống Bến Tre tìm mua gáo dừa. Có được nguyên liệu rồi, cô lại đích thân đi tìm kiếm các lò đốt than nhờ đốt gáo dừa, đích thân lựa từng gáo than đã đốt xem đã đạt chưa.

Cô gái lọ lem không khói Lê Thị Hiền đã giúp cho thực khách tới tiệm ăn món nướng không phải bỏ lỗ mũi ở nhà. Ảnh: BSA

Theo Hiền, để làm được than, gáo dừa sau khi đốt bẻ ra phải có ánh kim mới chuyển hoá hoàn toàn (cháy hết), nếu không khi xay ra làm than, đốt sẽ bị khói. “Ngày nào cũng phải chui vào lò than để đốt gáo dừa, có được than rồi thì đem vào xay nhuyễn ra để đóng thành cục than. Ngày đó, người em lúc nào cũng đen thùi lùi”, Hiền hóm hỉnh, nhớ lại.

Sau hai năm (2015 – 2016) lăn lộn với phòng thí nghiệm, hư lên hư xuống, tay chân nhơ nhúa, cuối cùng Hiền cũng đạt được điều mong muốn. Sản phẩm than gáo dừa hoàn toàn hữu cơ ra đời, khắc phục nhược điểm khói, tia lửa, mùi và khí. Nôm na có thể tóm gọn sản phẩm của Hiền trong bốn không là: không khói, không mùi, không nổ, và đặc biệt là không sử dụng keo trong quá trình kết dính.

Sản phẩm than không khói của Hiền cũng đã nhận giải thưởng cao nhất vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3, do trung tâm BSA tổ chức hồi tháng 10.2017.

Theo đánh giá của chuyên gia Trần Anh Tuấn, giám đốc công ty tư vấn chiến lược và thương hiệu The Pathfinder: than không khói xứng đáng là dự án đoạt giải mùa thi này, bởi vì dự án có ứng dụng tốt những công nghệ mới vào việc sáng tạo một sản phẩm rất thông thường, tận dụng được nguồn nguyên liệu phụ phẩm của ngành dừa, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hiện nay. Sản phẩm này còn đi xa hơn, vì các bạn còn nghĩ ra những sản phẩm kết hợp như bếp nướng thịt không khói tại nhà. Hy vọng, dự án này sẽ được nhiều nhà đầu tư tiếp sức để phát triển mạnh hơn.


Con của biển nên đam mê mạo hiểm

Ngoài ưu điểm bốn không, sản phẩm than gáo dừa đốt ra tro có màu trắng, dễ tan, phù hợp cho sưởi ấm, nướng hoặc hút shisha. Tuy nhiên, để sản phẩm được thị trường chấp nhận là điều không dễ bởi lâu nay, việc sử dụng than củi, than đá trở thành thói quen khó thay đổi. Hiền nhớ nhóm của mình dành khoảng hai tháng điều tra thị trường, tìm xem nhà hàng nào đang sử dụng than củi, than viên, than mùn cưa… để tiếp cận, thuyết phục họ chuyển qua sử dụng than gáo dừa.

Sau nhiều tháng kiếm tìm, nhóm thu thập thông tin bổ ích, đó là riêng TP.HCM hiện có tới 300 quán nướng BBQ sử dụng khoảng 1.000 tấn than mỗi tháng. Có được dữ liệu thị trường, Hiền liền tìm cách tiếp cận và dần dần, sản phẩm của cô được khách hàng chấp nhận. “Lâu nay, mỗi lần đi ăn BBQ mọi người hay đùa phải để lỗ mũi, con mắt ở nhà vì sợ khói và mùi. Than gáo dừa khắc phục được hai nhược điểm này”, Hiền tự tin, đồng thời cho hay hiện trung bình mỗi tháng cô cung cấp ra thị trường 10 tấn than, có tháng 30 tấn.

“Tụi em cũng đã xây dựng hệ thống nhà phân phối ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Sa Pa, Đà Lạt, Kiên Giang và TP.HCM. “Có khách hàng quay lại lấy sản phẩm lần thứ ba”, Hiền vui mừng thông tin.

Từ hai bàn tay trắng, liều khởi nghiệp trong lĩnh vực rất khó thành công, nhưng ngẫm lại, Hiền khẳng định việc mình lựa chọn làm than hữu cơ là hoàn toàn đúng đắn. Hiện, công suất xưởng làm than của Hiền đạt khoảng 60 tấn tháng, tạo việc làm cho bốn công nhân sản xuất trực tiếp, năm nhân công gia công, văn phòng và bốn người làm kinh doanh. Hiền đang nhắm tới phân khúc gia đình, đặc biệt là phân khúc mẹ và bé.

“Khi khám thai sản, bác sĩ không khuyến cáo sử dụng than, nhưng truyền thống gia đình Việt vẫn sử dụng sưởi ấm cho mẹ và bé. Trong khi chúng ta không thể phá rừng mãi để lấy than, nên sản phẩm than của nhóm vừa sạch, vừa tự nhiên sẽ đáp ứng được nhu cầu này”, Hiền phân tích.

Ngoài ra cô còn “bật mí” đang nghiên cứu bếp sử dụng than không khói, có vỉ nướng, khay đựng than, hệ thống quạt gió và không khí để gấp rút tung ra trong đợt tết Nguyên đán sắp tới, phục vụ cho các món nướng trong gia đình.

Sinh ra ở huyện miền biển Vĩnh Linh, Quảng Trị, vào Sài Gòn học đại học ngành thực phẩm, ra trường năm 2006, từng có vài năm làm thuê cho các công ty nước ngoài trước khi dấn thân vào than, vào lửa. Hiền bảo cô học được tính mày mò sáng tạo từ người cha có nghiệp cơ khí chế tạo ô tô. Tuổi thơ của Hiền cũng gắn liền với biển, mạo hiểm vật lộn với sóng, gió, gần gũi thiên nhiên nên cô có sẵn “máu” yêu thiên nhiên, mong muốn làm ra sản phẩm giúp ích môi trường.

Đặt tên sản phẩm “Từ nghiên cứu đến phát triển – R2D”, Hiền vẫn đang khởi nghiệp một mình với vốn liếng vỏn vẹn đã bỏ ra trên 1 tỷ đồng. Hiền mong có một đối tác đồng hành để thúc đẩy phát triển sản phẩm. “Trước đây R2D chỉ xuất khẩu gia công, nhưng hiện nay tụi mình có một bạn làm đại diện ở Úc, để lo xuất khẩu hàng có thương hiệu. Hiện nhóm đang xây dựng thêm đại diện ở châu Á như Singapore, Hàn Quốc và Nhật”, Hiền nói.