Nhà vật lý xuất chúng Stephen Hawking rất thích nghe nhạc cổ điển, xem opera, cũng như nhạc Beatles. Nếu bị lạc lên một hòn đảo hoang vắng và cô lập, một trong những thứ quan trọng mà ông không muốn thiếu chính là bản nhạc Requiem của Mozart.

Ngày 14 tháng 3 năm 2018 nhà vật lý học Stephen Hawking đã vĩnh viễn ra đi khỏi thế giới chúng ta, hưởng thọ 76 tuổi. Tôi tin rằng các nhà khoa học thế giới sẽ có một công trình nào đó về thiên văn xứng đáng để tôn vinh tên tuổi ông mãi mãi.

Tin ông ra đi khiến tôi muốn rơi nước mắt. Vì thương ông. Thương cho định mệnh quá nghiệt ngã đối với ông. Vâng, tuy ông có nhiều thiên thần thương yêu, và cứu giúp ông, nhất là người vợ đầu tiên, nhưng ông vẫn chịu một cuộc sống thật là vô cùng khó khăn. Ông luôn luôn lạc quan, có lẽ là người giao tiếp với xã hội nhiều hơn tất cả những nhà khoa học bình thường. Có lẽ vì ông yêu đời, và muốn quên đi căn bệnh của mình. Đời ông luôn diễn ra bên miệng của “lỗ đen tử thần” chực cướp đi sinh mạng ông. Nghĩ lại cũng lạ thật, ông sống như một phép mầu. Bệnh teo cơ sẽ dần dần tiến tới teo hệ thần kinh luôn, sẽ dẫn đến cái chết chỉ trong vài năm. Vậy mà hệ này được chừa ra ở ông!

Stephen Hawking đã trở thành biểu tượng bất tử của một thiên tài khuyết tật, như mọi người đều biết, tên tuổi vang danh từ Đông sang Tây, chỉ sau Abert Einstein. Cuộc đời ông đầy trắc trở và bi kịch. Ông lấy nguồn cảm hứng từ trên trời, nhưng định mệnh luôn luôn muốn kéo ông xuống đất, nhưng ông không chịu đầu hàng. Ông ngước nhìn trăng sao, thiên hà, vũ trụ, big bang, ‘hố đen’, ‘lỗ giun’, ‘du hành thời gian’, những định luật nền tảng của vũ trụ, nhưng vất vả, vấp ngã rồi lại đứng lên trong thân phận của một kẻ bị định mệnh ‘xử’ bất lực cơ thể mình do chứng bịnh ALS nghiệt ngã gây ra.

Chưa đủ, ông lại mất đi vĩnh viễn tiếng nói sau một ca phẫu thuật cấp cứu khi đi dự Hội nghị tại CERN năm 1985. Từ đó ông chỉ còn giao tiếp được qua chiếc máy tính điện tử với những chương trình phần mềm đặc biệt dành cho ông. Với khả năng vô cùng chật vật ấy, vậy mà ông đã viết bảy cuốn sách nổi tiếng cho thế giới.

Hawking trong vùng hấp dẫn zero năm 2007, trải nghiệm tự do và trở thành “Superman” trong vài phút, như lời ông. Nguồn: Francesco Bussola

Nhưng ông cũng có những ‘thiên thần’ hộ mạng. Jane Wilde là người vợ đầu tiên của ông, Elaine Mason là người vợ thứ hai. Mỗi người đã cứu giúp ông một cách. Jane Wilde, yêu và cưới Stephen Hawking dù biết chồng tương lai mình bị bệnh hiểm nghèo ALS, đã giúp đẩy lùi nỗi tuyệt vọng ở tuổi xuân 21. Cô đã đem lại ý nghĩa cuộc sống cho ông, và khát vọng khám phá khoa học nổi lên như ý nghĩa. Cô cũng quyết định không chịu rút ống thở ra cho Hawking, đi ngược lại lời khuyên từ sự tuyệt vọng của các bác sĩ, để tìm cách cứu ông, ‘còn nước còn tát’. Cô cho ông ba đứa con kháu khỉnh và thành đạt.

Còn Elaine Mason cũng đã cứu ông ba lần với tư cách một y tá điều dưỡng. Mỗi người như muốn kê vai gánh bớt gánh nặng của ông. Ông đã sống thêm hơn nửa thế kỷ vượt qua chẩn đoán hai năm sống sót của bác sĩ dành cho ông. Một điều kỳ diệu. Và nổi tiếng khắp thế giới là điều kỳ diệu hơn.

Tình yêu của ông mạnh mẽ đối với vũ trụ, nhưng cũng không thiếu phần sôi nổi với người yêu. Tinh thần ông dường như đã kéo lê cơ thể ông buộc phải sống tiếp trong mọi tình huống để phụng sự cho khoa học. Đó là mệnh lệnh. Ông phải sống cho khoa học. Giống như nhà thơ Friedrich Schiller, đáng lẽ đã chết mười năm trước, như bác sĩ chẩn đoán, nhưng vẫn còn sống tiếp vì những ý tưởng văn chương của ông chưa viết hết. Stephen càng bị tước mất khả năng vật lý, thì các ý tưởng của ông lại càng phát triển mạnh mẽ thêm, tên tuổi ông càng nổi bật, quyết không chịu thua định mệnh.

Sau khi xuất bản quyển sách Lược sử đời tôi (nxb Trẻ; chung với GS Phạm Xuân Yêm và TS Nguyễn Trọng Hiền), ngày 3 tháng 9, 2015, tôi đánh bạo viết cho ông một lá thư để kể ông chuyện này như một tin vui, và nếu được, xin ông cho vài dòng ký tặng cho tuổi trẻ Việt Nam. Tôi đợi một thời gian rồi nhận được hồi âm: Bà thư ký nói ông xin lỗi không thể viết thư được do sức khỏe và bận rộn. Thay vào đó, ông gửi tặng một tấm ảnh.

Cái nghiệt ngã của bệnh tình và quyết tâm chống trả số phận để vươn lên từ vực thẳm của tuyệt vọng với những khuyết tật kinh khủng như vậy kết hợp thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử để sáng tạo ra công thức bức xạ cho lỗ đen, cho biết độ bức xạ thoát ra lỗ đen, nghĩa là lỗ đen không còn là đen tuyền như người ta nghĩ nữa, một trong những công trình tuyệt vời, cùng với tài diễn tả và trình bày độc đáo trong sách đại chúng như trong Lược sử thời gian và những cuốn sách khoa học khác khiến cho Hawking xứng đáng là thần tượng của mọi người.

«The Theory of Everything» (Lý thuyết của mọi thứ), là tên một quyển sách của ông, nhưng trở thành cuốn phim về cuộc đời ông với người vợ đầu Jane Hawking, câu chuyện dựa trên quyển sách tự truyện của người vợ đầu Jane Hawking có tên «Travelling to infinity: My life with Stephen», (Du hành về miền vô cực: Đời tôi với Stephen). Cuốn phim đã làm cho bao nhiêu khán giả rơi lệ, trong đó có Spephen Hawking.

Stephen Hawking tại một làng SOS gây thích thú cho trẻ em Việt Nam.
Nguồn: Tienphong.vn

Ông cũng là con người nhân văn, và rất đời thường. Ông rất thích nghe nhạc cổ điển, xem opera, cũng như nhạc Beatles. “Vật lý tất cả đều tốt, nhưng hoàn toàn ‘lạnh lẽo’. Tôi không thể tiếp tục cuộc sống nếu tôi chỉ có vật lý thôi. Cũng như mọi người khác, tôi cần hơi ấm, tình yêu và tình cảm. Lại một lần nữa, tôi rất được may mắn, may mắn nhiều so với nhiều người có những khuyết tật như tôi, khi tôi nhận được rất nhiều tình yêu và tình cảm. Âm nhạc cũng rất quan trọng đối với tôi.”

Năm 1992, vào ngày Giáng sinh, khi được chương trình Desert Island Disc của đài BBC hỏi ông muốn mang theo những thứ gì nếu ông bị lạc lên một hòn đảo hoang vắng và cô lập, ông trả lời, một trong những thứ quan trọng mà ông không thể thiếu là sách và âm nhạc, vâng bản nhạc Requiem của Mozart phải có theo, ông sẽ nghe nó bằng Walkman cho tới khi hết pin. Và một ít món tráng miệng khoái khẩu của ông làcrème brûleé, ‘biểu tượng của sự xa xỉ’.

Trong thế kỷ 20, người kế tục sự nghiệp đại chúng hóa khoa học vật lý của Einstein chính là Stephen Hawking. Các nghiên cứu ông làm sống lại mạnh mẽ thuyết tương đối rộng. Tác phẩm đại chúng của ông Lược sử thời gian nằm trong danh sách best-seller năm năm liền, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt (bản dịch của GS Cao Chi và Phạm Văn Thiều), được đưa vào phim. Nó hướng con người về thế giới tinh tú, để chiêm ngưỡng và khao khát, và biến công dân trên hành tinh thành cáccông dân vũ trụ, cosmic citizens.

Hawking cho rằng cuốn sách đã đến nhiều người hơn các quyển sách của Madonna về Sex. Nếu gõ “Hawking” vào mạng, người ta sẽ nhận được một lượng thông tin choáng ngợp. Trên các tạp chí đầy rẫy hình ảnh về vũ trụ, lỗ đen, supernova, các dãy ngân hà. Không phải “Sex sells” (sex bán chạy) nữa mà “Space sells” (vũ trụ bán chạy) đối với các cơ quan truyền thông đại chúng.

Nếu Galileo Galilei là nhà khoa học của đại chúng lớn nhất đầu tiên trong lịch sử vào thế kỷ 17 - không phải Isaac Newton - thì Stephen Hawking là nhà khoa học của đại chúng lớn nhất thế kỷ 20, chỉ sau Albert Einstein.

Tại Nhật Bản, có lẽ hai người được ngưỡng mộ nhất là Einstein và Hawking. Hawking đi tới đâu trên đường phố, đám đông cuồn cuộn tới đó, khách cố đưa tay sờ cho được chiếc xe lăn của Hawking. Tiếc rằng Việt Nam chưa có được hân hạnh để mời Hawking đặt chân đến để diễn thuyết. Einstein đã từng đi ngang qua vùng biển này năm 1922. Hawking đi qua vùng châu Á này không biết bao nhiêu lần: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, mỗi quốc gia nhiều lần, như Trung Quốc ba lần, Nhật Bản sáu lần.

Thông tin và hình ảnh về Stephen Hawking trong ngày thứ hai sau khi ông mất hiện nay đang tràn ngập thế giới. Hầu như ai cũng biết ông, nói về ông. Cái chết của ông, và sự ngưỡng mộ sâu sắc của thế giới, sẽ gây ra những chấn động mạnh vào tấm thảm các thế hệ vật lý tới, và sẽ làm xuất hiện nhiều nhân tài theo bước chân ông. Các bạn fans của Hawking, tôi tin là có rất nhiều, xin các bạn hãy cùng nhau tưởng niệm ông bằnghoa và nến, để nói rằng,Việt Nam cũng có nhiều người ngưỡng mộ và thương tiếc Stephen Hawking.

Bây giờ chúng ta có thể nghe Requiem của Mozart để tưởng nhớ ông.

Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết rằng Stephen Hawking có đến Việt Nam thăm Làng Hòa Bình SOS Hà Nội! Lần trên mạng, chúng tôi thấy quả Stephen Hawking đã có đến Việt Nam năm 1994, nhưng một cách “bí mật”! Không phải để đọc tham luận khoa học mà để thăm Làng Hòa Bình SOS và người con gái nuôi Việt Nam của ông! Vài hình ảnh của chuyến viếng thăm này, nhưng không thấy nói gì có hay không một cuộc gặp gỡ giữa Hawking và các nhà khoa học Việt Nam.