Để khỏi bị tụt hậu trong cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo (AI), Hàn Quốc - nơi khai sinh ra các chaebol công nghệ như Samsung, LG và Hyundai…, đang thiết lập một kế hoạch đầy tham vọng để đạt mục tiêu dẫn đầu thế giới về AI.

Những khoản đầu tư khổng lồ

Để khởi động cuộc đua AI, vào tháng 5 vừa qua, Hàn Quốc đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng: đầu tư hơn 2,2 nghìn tỷ won (khoảng 2 tỷ USD) từ nay tới năm 2022 để tăng cường năng lực R&D về AI, trong đó bao gồm việc thành lập 6 viện nghiên cứu mới về AI.

“Chính phủ tin rằng việc hợp tác với các tập đoàn tư nhân để có được công nghệ cốt lõi của AI sẽ không chỉ mang lại vị thế trên toàn cầu mà còn đào tạo nhân tài và tạo ra những công việc tốt. Chúng tôi đặt mục tiêu đứng đầu thế giới vào năm 2022”, theo lời ông Chang Byung-gyu, người đứng đầu Ủy ban CMCN lần thứ 4 của Chính phủ Hàn Quốc được thành lập vào tháng 10/2017.

Đây không phải lần đầu tiên Hàn Quốc xây dựng kế hoạch đầu tư cho AI. Vào năm 2016, khi Alpha Go của DeepMind đánh bại Lee Sedol - nhà vô địch cờ vây thế giới, Hàn Quốc đã bị chấn động. Hai ngày sau, đất nước này tuyên bố đầu tư 1 nghìn tỷ won (khoảng 863 triệu USD) cho nghiên cứu AI trong vòng 5 năm tới.

Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin (MSICT) của Hàn Quốc đã đề xuất kế hoạch đầu tư nhằm thu hẹp khoảng cách giữa công nghệ AI của Hàn Quốc và Trung Quốc. MSITC cũng ước tính rằng công nghệ AI của Hàn Quốc hiện nay chậm hơn 1,8 năm so với Hoa Kỳ. Để lấp đầy khoảng cách đó, MSICT xây dựng chiến lược R&D AI của Hàn Quốc dựa trên ba khía cạnh: nguồn nhân lực, công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ đào tạo 1370 chuyên gia AI vào năm 2022, trong đó có 350 nhà nghiên cứu chủ chốt; và trao 4.500 suất học bổng AI trong nước. Bộ cũng công bố một dự án ngắn hạn để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực AI thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu 6 tháng – sẽ cung cấp thêm 600 chuyên gia vào năm 2021. Trong khi đó, nhà nước cũng khuyến khích các trường đại học thiết lập các khóa học về AI.

Các nhà nghiên cứu phát triển thiết bị ứng dụng AI để xử lý dữ liệu. Nguồn: pulsenews

Một kế hoạch đầu tư vào R&D cho AI ở cấp độ quốc gia cũng được Hàn Quốc triển khai theo cách thức như Cơ quan quản lý nghiên cứu tiên tiến của quân đội Mỹ (DARPA) đã thực hiện như đầu tư cho các dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực và có tiềm năng ứng dụng ở cả dân sự lẫn quốc phòng như bảo mật thông tin, phát triển thuốc, dịch vụ y tế mới…

Hồi tháng 5, Hàn Quốc đã phê chuẩn việc áp dụng VUNOmed-BoneAge - một thiết bị chẩn đoán hình ảnh sử dụng deep learning để xác định tuổi xương dựa trên việc quét X quang bàn tay người. Thiết bị này dự kiến sẽ được triển khai ở các phòng khám tăng trưởng của trẻ em.

Để tăng cường cơ sở hạ tầng AI của mình, chiến lược cũng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về AI và khoa học não tại các trường đại học trong nước, đồng thời thành lập thêm năm trung tâm nghiên cứu AI để tiến hành nghiên cứu tích hợp AI vào robot, khoa học sinh học, máy móc và ô tô.

Jim Kyung-Soo Liew – nhà nghiên cứu tài chính tại Trường Kinh doanh Johns Hopkins Carey và người sáng lập công ty khởi nghiệp AI SoKat, nhận xét, “rõ ràng khoản đầu tư này của chính phủ là đúng hướng nhưng Hàn Quốc cũng cần phải dành một khoản đầu tư cho các trường đại học theo hướng hiệu quả hơn, tức là đầu tư thẳng vào các dự án R&D và khuyến khích các giáo sư cùng sinh viên thành lập các công ty startup và spin-off dựa trên công nghệ AI.”

Các chaebol đi đầu trong ứng dụng AI

Tầm quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân cũng được thể hiện qua những chính sách đầu tư của Chính phủ Hàn Quốc. Nhận thấy việc thành lập và phát triển các startup, doanh nghiệp về AI là điều quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái AI có sức sống, chính phủ đang hỗ trợ tạo ra một vườn ươm khởi nghiệp về AI nhằm hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp AI mới nổi và tài trợ 1 nghìn tỷ won (1 tỷ USD) nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất các chất bán dẫn AI vào năm 2029. Một điều dễ nhận thấy là chính phủ và các doanh nghiệp Hàn Quốc đều coi AI là công nghệ quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, với những chaebol như Samsung hay LG thì việc đầu tư phát triển các ứng dụng của AI đã được họ chủ động từ lâu mà không cần chính phủ “kích hoạt”. Đi đầu trong số này là Samsung - một trong những tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới, đã dành 25 nghìn tỷ won (22 tỷ USD) trong tổng số 139 tỷ USD dành cho R&D để đầu tư cho AI trong ba năm tới. Với kế hoạch mở rộng lĩnh vực nghiên cứu AI, Samsung sẽ tuyển dụng thêm 1.000 nhân viên nghiên cứu.

Với nỗ lực đầu tư này, Samsung ước tính sẽ tạo thêm 20.000 việc làm trong vòng 3 năm tới, qua đó góp phần nâng tổng số việc làm mới của công ty lên con số 40.000. Cùng với kế hoạch của Samsung, hiệu ứng dòng chảy về đầu tư cho AI trong các ngành công nghiệp và kinh doanh khác của Hàn Quốc sẽ tạo thêm 700.000 việc làm cho nền kinh tế.

Hiện tại, kế hoạch đầu tư cho AI của Samsung đã khởi động. Họ đang điều hành 5 trung tâm về AI trên toàn cầu, ba trong số đó được khai trương vào tháng 5 tại Cambridge (Anh), Toronto (Canada) và Moscow (Nga). Trung tâm AI đầu tiên của họ được khai trương tại Silicon Valley, Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, và trung tâm thứ hai được ra mắt ở Seoul, thủ đô của Hàn Quốc vào tháng 1 năm nay.

Mở rộng hợp tác trong nghiên cứu AI

Khoảng cách lớn về phát triển và ứng dụng AI của Hàn Quốc so với Mỹ hay Trung Quốc sẽ không thể sớm rút ngắn. Để tránh bị tụt hậu thêm, Hàn Quốc cần tận dụng cả sức mạnh của nhiều quốc gia khác. Đó là vì sao trong chiến lược đầu tư cho AI, chính phủ nước này coi trọng việc mở rộng hợp tác quốc tế và một trong những đối tác chiến lược đầu tiên mà họ chọn là châu Âu – nơi có nền tảng nghiên cứu về khoa học máy tính, khoa học dữ liệu rất mạnh nhưng cũng đang đi sau hai đối thủ lớn của Hàn Quốc này.

Vào đầu tháng 11/2018, Hàn Quốc đã công bố cùng với châu Âu xây dựng dự án nghiên cứu chung mang tên DECENTER với mục tiêu tập trung vào việc tích hợp IoT, AI, điện toán đám mây, điện toán ranh giới (edge computing: phương pháp tối ưu hoá hệ thống điện toán đám mây bằng cách xử lý tính toán dữ liệu tại vùng rìa của mạng, gần với nguồn dữ liệu nhất), điện toán sương mù (fog computing: một lớp khác của môi trường mạng phân tán và được liên kết chặt chẽ với điện toán đám mây và IoT), các hợp đồng thông minh với blockchain bảo mật.

Khi thành công, dự án này sẽ phát triển được một nền tảng phục vụ cho hệ sinh thái thông minh với các nguồn tài nguyên điện toán và IoT (xử lý, bộ nhớ, lưu trữ, kết nối, cảm biến, chấp hành) được sắp xếp trong môi trường đa đám mây và liên hợp.

Hợp tác của EU-Hàn Quốc được thực hiện theo phương thức bổ sung chuyên môn – các đối tác châu Âu đảm nhận phần chuyên môn về IoT và công nghệ blockchain; phía Hàn Quốc phụ trách mảng AI và điện toán đám mây. Các đối tác châu Âu trong dự án gồm 11 thành viên là Fondazione Bruno Kessler (Ý), Atos (Tây Ban Nha), CEA-Leti (Pháp), Comune di Trento (Ý), Robotnik (Tây Ban Nha) và Đại học Ljubljana (Slovenia). Các đối tác Hàn Quốc là Viện Công nghệ Điện tử Hàn Quốc, Gluesys, Daliworks, LGU và Đại học Quốc gia Seoul.