Bão Ophelia xới tung mặt đất, để lộ bộ xương người tiền sử với một số mảng da vẫn còn nguyên vẹn sau khi càn quét vùng ven biển Ireland.

Bộ xương cổ đại lộ ra dưới mô đất. Ảnh: IFL Science.
Bộ xương cổ đại lộ ra dưới mô đất. Ảnh: IFL Science.

Cơn bão với sức gió 120 km/h hoành hành ở lối đi men theo bờ biển suốt nhiều giờ hôm 17/10 và làm lộ một khu chôn cất cổ đại, theo IFL Science. Bộ xương vẫn còn một phần da dính liền bên ngoài, được tìm thấy ở bến cảng Kilmore tại Wexford, Ireland. Vị trí phát hiện bộ xương là mũi Forlorn Point.

Theo nhà nghiên cứu bệnh học Marie Cassidy, người kiểm tra sơ bộ khu vực, hài cốt có thể thuộc về cư dân sinh sống ở thời Đồ sắt cách đây khoảng 1.000 năm. Thi thể được đưa tới Dublin để tìm hiểu nguyên nhân qua đời và độ tuổi của người chết. Sau khi các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận, bộ xương sẽ được quyên góp cho Bảo tàng quốc gia Ireland.

"Từ vị trí tìm thấy, chúng tôi có thể xác định hài cốt không được chôn cất gần đây. Thi thể nằm trong một ngôi mộ đá bị xói mòn trong nhiều năm với phần tay đặt dọc thân. Chúng tôi không thể kết luận chắc chắn về niên đại bộ xương cho tới khi sử dụng đồng vị carbon để đo độ tuổi", nhà khảo cổ học Maeve Sikora ở Bảo tàng quốc gia Ireland cho biết.

Nhiều khả năng lực tác động từ cơn bão đã đẩy nhanh tốc độ xói mòn ven biển, khiến hài cốt lộ ra lần đầu tiên sau cả thế kỷ.

Bão Ophelia di chuyển qua Anh và Ireland trong tuần này, mang theo gió mạnh trên 120 km/h. Cơn bão khiến ba người thiệt mạng và 330.000 người rơi vào cảnh mất điện. Nhiều tòa nhà bị bão làm tốc mái và nhiều chuyến bay buộc phải quay đầu do gió bão.