“Dành” phần lo chuyện nhà, chuyện cơm, chuyện tiền, GS-TSKH Vũ Quang Côn hóm hỉnh: Nhờ có vợ mà tôi yên tâm làm khoa học, được dốc sức và thời gian cho khoa học.

GS-TSKH Vũ Quang Côn
GS-TSKH Vũ Quang Côn
Tậu trâu, làm nhà là việc của... vợ
Trong căn nhà rộng thênh thang cách hồ Tây vài chục bước chân, GSTSKH Vũ Quang Côn chia sẻ, căn nhà này được vợ chồng ông làm từ đầu những năm 1990. Khi đó, ông cũng chẳng biết mua với giá bao nhiêu, chạy vạy như thế nào để hoàn tất các giấy tờ xây dựng, cũng chẳng biết vay ngân hàng ra sao. Chỉ biết và nghe láng máng “nhà tôi nói rằng hơn trăm nghìn đô gì đó. Việc tiền nong, ăn uống, sinh hoạt trong gia đình toàn một tay cô ấy, mình không giỏi lĩnh vực đó nên việc của mình không khác được là làm khoa học”. Ông cười khì bảo, ai có việc của người ấy, nếu không “xâm phạm” vào lĩnh vực của nhau thì sẽ không xảy ra cãi vã.
Suốt mấy chục năm nay, từ lúc ông còn làm Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đến khi nghỉ hưu, tham gia vào các hội ngành, đến khi làm Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành sinh học..., tiền ông kiếm thêm được chỉ để “tiêu vặt”. Bà là kỹ sư công nghệ, trước ở viện nghiên cứu, sau bỏ dở tay ngang ra ngoài làm doanh nghiệp, bà tháo vát lo liệu mọi việc để ông yên tâm nghiên cứu.
“Ngay từ lúc mới lấy nhau (năm 1990), khi ấy nhà tôi là cán bộ Viện KH&CN Việt Nam. Cô ấy bảo, thôi thì trong nhà có anh làm khoa học rồi, để em ra làm ngoài. Từ năm 1992 cô ấy đã ra ngoài làm dây chuyền lắp ráp phụ tùng xe máy, rồi đến sản suất phụ tùng xe máy, ôtô. Hiện giờ nhà tôi là Giám đốc một công ty TNHH phụ tùng ôtô, xe máy, còn tôi thì ăn lương nhà nước, sổ y tế nhà nước, tiền mình làm mình tiêu. Nhiều khi cũng lép vế về các quyết định kinh tế trong gia đình, nhưng như thế lại hay hơn vì mình có thể tập trung làm chuyên môn” - GS Vũ Quang Côn chia sẻ.
“Chết dở” với thơ
Đam mê làm khoa học nhưng cũng đam mê cả làm thơ. “Nhiều khi đã tắt đèn đi ngủ, nhưng cảm hứng sáng tác bỗng ùa về, chỉ muốn viết một cái gì đó, thế là lại bật dậy làm thơ. Thơ ngốn của tôi cũng khá nhiều thời gian đấy và đôi khi cũng “chết dở” vì thơ cô ạ. Ngày học đại học, nhiều khi chi đoàn phê bình tôi vì làm thơ, không tập trung vào học chuyên môn. Nhưng tôi quan niệm, không học kiểu tràn lan, cái gì cũng học mà cần học chắc chắn, nắm bắt kiến thức chắc chắn. Sau này ra trường công tác, tôi cũng luôn bị một số người nhắc nhở về việc ấy” - GSTSKH Vũ Quang Côn chia sẻ.
Đến nay, ông đã xuất bản được 6 tập thơ và thơ của ông được chọn vào nhiều tuyển tập. Nói về cơ duyên làm khoa học, ông bảo không có dự định theo ngành sinh vật học ngay từ đầu. Chỉ biết lúc bé nhìn thấy các đoàn công tác về quê mình, có cả người Nga ăn mặc rất đẹp, họ điều tra các loài sinh vật như chim, côn trùng. “Lúc đó tôi là người yêu thơ, tôi nghĩ có lẽ đây là ngành để mình đi thi chăng? Thế là lúc đótôi viết đơn thi vào ngành sinh học của ĐH Tổng hợp và đỗ.”
"Thơ phú cũng làm tôi mất nhiều sức lắm. Nhiều khi học bài mới chỉ tương đối thôi, mà đã ra làm thơ rồi. Đằng sau ký túc xá có mấy cái bàn cho sinh viên ngồi học, tôi luôn “mài mông” ở đấy để làm thơ. Vừa học vừa làm thơ, vừa tâm sự với bạn bè về thơ phú, nó làm tan đi buồn phiền nhưng cũng lấy đi nhiều thời gian của tôi. Bạn bè đôi khi cũng phê bình, thậm chí có người đấu tranh trước chi đoàn, phân đoàn phê bình tôi là không chịu học tập như họ, cứ ngồi làm thơ, chữa thơ. Họp hành phê bình nhiều khi cũng căng; nhưng dù thế nào cũng không bỏ thơ được” - GSTSKH Vũ Quang Côn nhớ lại.
Nghiên cứu“quên trời đất”
GS-TSKH Vũ Quang Côn nhớ lại: Giây phút đặt chân vào cổng Trường ĐH Tổng hợp lúc đó với cảm giác đó là ngôi trường cổ kính, lộng lẫy và huy hoàng quá, cảm giác hạnh phúc không thể quên. Đa số sinh viên học xong năm thứ ba thì tốt nghiệp, tôi và một số bạn học được giữ lại thêm một năm để làm luận văn với đề tài “Côn trùng hại dâu và thiên địch của chúng”. Ông nhớ lại, khi đó, bước vào cánh đồng dâu ngút ngàn để nghiên cứu, ông chẳng có một chút mệt nhọc nào mà chỉ thấy sự lãng mạn, nên thơ bên dòng sông Hồng lững lờ trôi.
“Ra trường, tôi cùng 3 người nữa được gọi lên trường nghe thông báo: Các anh được cử về công tác ở một nơi mà ai cũng mơ ước được vào. Đó là Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Trong đó, có một số người được phân công làm thư ký vụ. Tôi tự nhủ, đúng là một cơ quan lớn rồi. Ôi, tôi hồi hộp, háo hức không thể quên được. Lúc nào cũng phấp phỏng lo, chỉ sợ có danh sách rồi, có người nào ném cái đơn tố cáo này nọ, họ gạt mình ra thì chết. Vị trí thư ký vụ - tôi trộm nghĩ, đời nào họ lấy mình làm thư ký vụ.
Mình là đoàn viên, mà mãi mới được kết nạp. Thế mà tôi lại được chọn. Sau đó, tôi được nghe giảng nhiều về đạo đức và bí mật quốc gia, rồi trộm nghĩ, hóa ra mình lại được làm một công việc quan trọng đến thế”.
Mùa xuân năm 1971, ông sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Khoảng thời gian này ông làm việc miệt mài, say sưa đến mức “không tưởng tượng được” - như lời ông nói. Thậm chí, nhiều khi đi ra ngoài đường lạnh buốt đến âm 20 độ C mà ông cũng quên mất cảm giác lạnh. Hôm nào cũng làm đến 11h đêm ở phòng thí nghiệm, làm cả thứ bảy, chủ nhật. Nhiệt huyết về làm khoa học trong ông lúc đó nó ghê gớm khủng khiếp. Năm 1975 ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ sinh học và năm 1986 lại bảo vệ thành công luận án tiến sỹ khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (Nga bây giờ). Năm 1996, ông được Nhà nước phong hàm giáo sư. Đến giờ, ông luôn thầm cảm ơn những người thầy, người bạn, nhà khoa học Nga đã giúp đỡ ông, truyền cho ông niềm say mê đối với khoa học. Đó là giai đoạn huy hoàng nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông.
Làm khoa học đến tận cùng thì cực khó
Ông bảo, người trẻ bây giờ làm khoa học thuận lợi hơn ngày xưa, chỉ cần lên mạng, gõ vài từ khóa là hàng loạt các bài viết liên quan hiện ra; nhưng có lẽ cũng vì thế mà ít có người đào sâu, đi đến cùng một vấn đề nghiên cứu. Làm khoa học nghiêm túc cực kỳ khó, nó đòi hỏi người ta phải đầu tư thời gian, tâm huyết với nghề, không vụ lợi gì ngoài mục đích tìm ra chân lý, tìm ra cái mới. Tìm ra chân lý phải đầu tư rất nhiều thời gian, tâm sức. Chân lý nằm ở các quy luật tự nhiên, làm sao mình phải “lôi”, “kéo”, “vẽ” được nó ra. Nói phải bằng chứng cứ khoa học chứ không bằng lý lẽ thông thường được…
Tuy nhiên, cũng rất nhiều băn khoăn là hiện nay có những người coi việc xin được đề tài là cách để có tiền trang trải cuộc sống. Thực hiện đề tài kiểu đối phó, ít đầu tư trăn trở. Người ta làm đề tài khoa học không vì mục tiêu giải quyết vấn đề khoa học mà để giải quyết vấn đề của miếng cơm, manh áo. Cũng không trách họ được, vì đó là tác động của cơ chế thị trường. Vả lại, cuộc sống của họ so với mặt bằng chung còn rất khó khăn. Quản lý khoa học đôi khi cũng gặp khó khăn là vì thế. Bất cập này - theo ông - cũng là dễ hiểu, người ta không thể đi đến tận cùng một vấn đề trong khi không có gì, vợ con vất vả khổ sở.

GS-TSKH Vũ Quang Côn sinh năm 1944, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, hiện là Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành sinh học, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, tham gia đào tạo nghiên cứu sinh, dạy cao học cho một số trường đại học.