Bằng vào niềm đam mê chữa bệnh cứu người, cộng thêm tinh thần học hỏi không biết mệt mỏi, GS-TS Nguyễn Gia Bình đã trở thành một trong những bác sĩ hàng đầu của ngành y Việt Nam. Đồng thời, ông cũng không ngừng miệt mài nghiên cứu khoa học.

Ước mơ thành thầy thuốc cứu người

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình viên chức ở Hà Nội, từ nhỏ, GS-TS Nguyễn Gia Bình đã mong ước trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Chính ước mơ từ “tấm bé” đã giúp ông có thêm động lực để học tập, cũng như rèn luyện.

Đến năm 1980, những nỗ lực không biết mệt mỏi của người thanh niên Nguyễn Gia Bình đã được đền đáp bằng tấm bằng bác sĩ tại Trường Đại học Y Hà Nội. Cũng trong năm đó, ông đã chấp hành lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước để lên đường nhập ngũ và được điều động làm nhiệm vụ người thầy thuốc quân y tại Đội điều trị 36, đóng quân tại Cao Bằng.

GS-TS Nguyễn Gia Bình

Bằng vào tính cần cù, chịu đựng gian khổ, không biết vượt khó để vươn lên và sự kỷ luật ở quân ngũ, Tiến sĩ Bình đã nhanh chóng trở thành một bác sĩ giỏi, được nhiều người yêu mến. Cũng tại đây, ông đã học hỏi được rất nhiều điều về khả năng chữa bệnh cứu người.

Khi ra quân, bác sĩ Bình đã xin làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu A9 của bệnh viện Bạch Mai, một chuyên ngành mang đầy tính thử thách, nhưng có thể đem lại thành công lớn trong công tác cứu chữa bệnh. Bởi vì, Khoa A9 vốn được biết đến là nơi làm việc vất vả, căng thẳng nhất của bệnh viện, đòi hỏi các bác sĩ phải có kiến thức, kỹ năng giỏi, có sức khỏe tốt và đức tính hy sinh.

Trong những năm tháng khởi nghiệp này, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình rất may mắn được các vị Giáo sư như đầu ngành thời đó như cố GS. Đặng Văn Chung, cố GS. Đỗ Đình Địch, GS. Vũ Văn Đính, GS. Nguyễn Thị Dụ... truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm.

Cộng thêm tinh thần không ngại học hỏi kinh nghiệm và cần mẫn làm việc, bác sĩ Bình đã nhanh chóng có những tiến bộ vượt bậc. Cũng trong thời gian này, ông còn cố gắng học ngoại ngữ tìm hiểu thêm chuyên ngành y từ các sách báo nước ngoài.

Sau khi thành thạo dần với công việc tại khoa A9, bác sĩ Bình đã được GS. Vũ Văn Đính chọn cho đi cùng sang giảng dạy tại Trường ĐH Y Phnompenh vào năm 1987 để giúp nước bạn. Tại đây, ông đã gặp được một tình huống khá rắc rối và cũng chính điều này đã giúp ông tạo ra một bước ngoặt trong sự nghiệp.

Cụ thể, trong một lần cứu chữa cho một bệnh nhân bị sốt rét ác tính và có biến chứng suy thận, bác sĩ Bình đã được GS. Đính giao cho việc thực hiện lọc màng bụng bằng dụng cụ thô sơ. Thậm chí, dịch lọc cũng phải tự pha chế. Thế nhưng, nhờ vào kiến thức vững, cộng thêm tinh thần hết lòng cứu chữa bệnh, cuối cùng, ông đã cứu sống được bệnh nhân kể trên sau 1 tuần lễ.

Nhiều thành công vang dội

Trở về nước, thầy Đính và trò Bình đã tiếp tục cùng các bác sĩ trong khoa A9 tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và đưa ra phương pháp lọc màng bụng bằng dung dịch tiêm truyền thông thường. Sau quá trình thực nghiệm, công trình nghiên cứu này đã mang lại được khá nhiều thành công khi cứu sống được nhiều bệnh nhân sốt rét nặng, có biện chứng suy thận cấp ở các tình miền Trung và Tây Nguyên.

Đến năm 1998, được sự tín nhiệm của bệnh viện cũng như đồng nghiệp, bác sĩ Bình đã được đảm nhận vị trí Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu A9. Với những kinh nghiệm làm việc và tình thần học hỏi không biết mệt mỏi, chỉ 4 năm sau đó ông đã được giao giữ cương vị Trưởng khoa.

Đến năm 2004, bác sĩ Bình bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và cũng từ đó cho đến nay, ông đã đưa khoa phát triển lên một tầm cao mới trong việc cứu chữa bệnh. Đặc biệt là các kỹ thuật lọc máu, cấp cứu.

Vào năm 2008, PGS.TS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa HSTC BV Bạch Mai đã được giao làm Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh” với 4 đề tài nhánh và được triển khai ở 8 bệnh viện trong cả nước.

4 năm sau, đề tài kể trên đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế nghiệm thu, đánh giá có chất lượng tốt, thiết thực và hiệu quả cao. Các kỹ thuật được nghiên cứu trong đề tài này đã triển khai thành kỹ thuật thường quy ở nhiều bệnh viện trong cả nước, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nặng ngay tại địa phương.

Đáng chú ý, cụm công trình nghiên cứu về các kỹ thuật lọc máu và nghiên cứu về cúm A/H5N1 của 28 tác giả, do GS. Bình đứng đầu đã được trao Giải thưởng về khoa học và công nghệ Nhà nước năm 2016.

Ông đã được phong chức danh Giáo sư năm 2015. Trước đó, TS Bình cũng vình danh nhận thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2009), hạng Hai (2015), điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước vực Y tế Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ y tế. Ngoài ra, ông còn được bầu làm Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam.

Không thành công nào mà không có “mồ hôi nước mắt

Dù GS.TS. Nguyễn Gia Bình đang đạt được rất nhiều thành công vang dội, nhưng ít ai có thể biết rằng, để có được những thành công đó, ông đã phải trải qua biết bao gian khó, trả giá bằng vô số mồ hôi và nước mắt.

Thậm chí, Tiến sĩ Bình luôn kiên trì học tập, cùng làm tất cả các công việc của một người bác sĩ, điều dưỡng ở tất cả các bệnh viện mà mình từng làm việc và học hỏi. Chính điều này đã giúp ông tích luỹ được vô số kinh nghiệm khi được sang các nước Pháp, Mỹ và Nhật Bản để tu nghiệp và làm quen với phong cách làm việc hiện đại, với đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt là cách làm việc chuyên nghiệp.

GS-TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ nhiều thông tin thú vị về lọc máu hiện đại trong buổi Giao lưu trực tuyến với báo Khoa học & Phát triển hôm 27/10

Trong buổi Giao lưu trực tuyến tại tòa soạn báo Khoa học & Phát triển diễn ra vào hôm 27/10 vừa qua, GS-TS Nguyễn Gia Bình cũng chia sẻ về điều này.

“Khi bắt đầu có ý định triển khai công trình nghiên cứu lọc máu hiện đại, chúng tôi hầu như không có gì trong tay. Để có kiến thức, kinh nghiệm, tranh thủ cơ hội ra nước ngoài, chúng tôi tìm đến những nơi đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các kỹ thuật lọc máu hiện đại để quan sát, học hỏi. Chúng tôi xin tham gia phụ giúp đồng nghiệp nước ngoài, xin tài liệu sách vở, về nước xây dựng quy trình báo cáo và được hội đồng khoa học bệnh viện thông qua, ủng hộ.

Để có máy lọc máu, chúng tôi mượn một máy của đồng nghiệp tại Thái Lan, rồi xin tài trợ từ Tập đoàn Dầu khí mua một máy nữa. Không có các dịch lọc thì chúng tôi tự pha chế, duy trì thuốc chống đông thích hợp để kéo dài thời gian hoạt động của phin lọc… Các bác sĩ và điều dưỡng luôn túc trực quanh bệnh nhân trong những ca đầu tiên cho đến khi làm thành thạo.”