Ở cái tuổi thất thập, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn tất bật với những ca mổ theo yêu cầu ở bệnh viện, vẫn đi trao quà cho các trẻ em da cam khắp miền Nam… Bà nói vui với chúng tôi: "Bận bịu như vậy tối về tôi ngủ mới ngon giấc"

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Nguồn: Bệnh viện Mỹ Đức

Người miệt mài "cứu rỗi"thiên chức làm cha mẹ

BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyên giám đốc bệnh viện Từ Dũ được xem là người tiên phong đưa phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm về VN, thắp lên hy vọng làm bố làm mẹ cho hàng ngàn gia đình hiếm muộn.

“Người xưa thường nói “Cây độc không trái, gái độc không con” để nói rằng, khi người vợ không có khả năng sinh nở, gia đình nhà chồng nên lấy người phụ nữ khác làm vợ. Vì thế nhiều người phụ nữ hiếm muộn phải đối mặt với nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình. Tôi cũng là một người phụ nữ, thấu hiểu sự đau khổ rất lớn của những bà mẹ không có khả năng làm mẹ. Từ đó, tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng hết sức đưa phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, thành tựu của y học thế giới về VN”.

May mắn, năm 1994, BS Phượng được bầu qua Hội đồng Giáo sư các ĐH Pháp, nhiệm giảng cho ĐH Y Nice Sophia Anti polis. Trong thời gian ở đây, bà đã quyết tâm học tập kỹ thuật và kinh nghiệm làm thụ tinh trong ống nghiệm tại Pháp.

BS Phượng nói, thời kỳ đó gặp thiếu thốn về cả vật chất, trang thiết bị, vừa phải đối mặt khó khăn về mặt tinh thần. Nhiều người tỏ ra e ngại về việc làm của tôi, số khác khuyên tôi nên lo việc đặt vòng cho chị em trước hơn là việc đi lo điều trị hiếm muộn.

Gạt đi những khó khăn, năm 1997, bà đã hoàn thiện các trang thiết bị máy móc và qua thẩm định của các cấp lãnh đạo. Bà đã mời 4 chuyên gia ở Pháp về VN cùng tiến hành những ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên.

Năm 1998, bệnh viện Từ Dũ chào đón 3 đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm trong niềm vui của những gia đình hiếm muộn.

“Không có niềm vui nào có thể so sánh với niềm vui là được đỡ và mổ cho các cháu được ra đời, thắp lên niềm vui của những gia đình nhỏ với tiếng cười của trẻ thơ”- BS Phượng kể.

BS Phượng còn có nhiều công trình thành công trong lĩnh vực y học như: Kỹ thuật nội soi trong phụ khoa, áp dụng phương pháp miễn dịch me TBG để chẩn đoán và theo dõi sự phát triển của thai nhi, ảnh hưởng của chất độc hóa học trên sức khỏe phụ nữ và các biện pháp khắc phục. Bà là người đầu tiên tìm tòi để mang vaccine viêm gan siêu vi B về TP.HCM từ năm 1990 và phát triển.

Ngoài ra GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là một trong những người trực tiếp tổ chức cung cấp toàn bộ hậu cần, phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh Việt - Đức tại TP.HCM đã làm rạng danh nền y học nước nhà vào năm 1988. Ngày 25/2/1981 tại tỉnh Gia Lai - Kontum (cũ) Nguyễn Việt và Nguyễn Đức chào đời với hình hài dị thường: song sinh dính theo kiểu “Ischiopagus tripus” (dính phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt, chung một bàng quang, một hậu môn, chung bộ phận sinh dục). Ngày 4/10/1988, ca mổ Việt - Đức kéo dài 15 giờ với sự tham gia của 70 giáo sư bác sĩ đã thành công vang dội, được cả thế giới biết tiếng và được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991.

Quan tâm hơn đến người nghèo hiếm muộn

Kế tiếp thành công đó, hiện nay tại 22 trung tâm hỗ trợ sinh sản trong cả nước đã tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm cho hơn 10.000 cặp vợ chồng hiếm muộn mỗi năm. Nhóm chuyên gia đầu tiên về thụ tinh trong ống nghiệm đã chuyển giao kỹ thuật này cho nhiều trung tâm khác trong cả nước. Hiện nước ta có 15 trung tâm điều trị hiếm muộn với tỷ lệ thành công trung bình khoảng 40%, đứng hàng cao trong khu vực. Mỗi năm có khoảng 100.000 người nước ngoài sang VN chữa bệnh, đặc biệt bệnh về hiếm muộn, vô sinh đứng đầu. Điều này đem lại doanh thu cho các bệnh viện ở nước ta ước đạt 1 tỉ USD. Trong đó có khá nhiều bệnh nhân ở các nước phát triển như: Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Mỹ, Úc...

Hiện nay ở VN có một số bác sỹ trong nhóm chuyên gia đầu tiền của VN, sử dụng kỹ thuật nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm rồi mới tạo ra phôi và đặt phôi vào trong tử cung của những người phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang. Kỹ thuật này hiện nay trên thế giới ít có người làm được và VN hiện nay được xem như một trong những quốc gia hàng đầu trong kỹ thuật này. Một số quốc gia đã cử người và mời bác sỹ VN sang nước ngoài để dạy kỹ thuật trên.

Việc ra đời, ứng dụng thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã khiến ngành y tế VN được sự quan tâm của nhiều bệnh nhân nước ngoài. Thậm chí, nhiều bệnh nhân ở các nước phát triển lặn lội sang VN điều trị. Tuy nhiên, theo BS Phượng, cơ chế chính sách dành cho các bệnh nhân nghèo điều trị hiếm muộn chưa được quan tâm.

Giá thành đề điều trị vô sinh, hiếm muộn ở VN rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên lại là cao so với những bệnh nhân nghèo. Bất cứ gia đình nào dù giàu hay nghèo, họ đều mong muốn có một đứa con, đó là nhu cầu chính đáng của mỗi gặp vợ chồng. Nhiều cặp vợ chồng phải chịu áp lực từ phía gia đình, dòng họ dù hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nhưng họ phải bán tất cả những gì có thể để có tiền điều trị hiếm muộn. Vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào đó để cho những người nghèo có thể điều trị được mà không phải tốn quá nhiều chi phí.

Ở các nước châu Âu, thẻ bảo hiểm y tế có thể hỗ trợ cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn 3 lần thụ tinh trong ống nghiệm. Sau 3 lần không được, làm đến lần thứ 4 thì bệnh nhân mới phải trả các khoản phí cho các lần điều trị tiếp theo. Tuy nhiên, ở VN hiện nay chưa có bất cứ một chính sách hỗ trợ nào từ phía bảo hiểm y tế cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Những người không có điều kiện kinh tế phải “thắt lưng buộc bụng” hoặc bất lực vì không có điều kiện kinh phí để điều trị. Thành tựu khoa học kỹ thuật ra đời là để mọi người dân hưởng thụ. Chẳng lẽ để người giàu hưởng còn người nghèo thì không?

Tôi có dịp về thăm nhà một cán bộ y tế ở Tiền Giang. Người cán bộ này mất khi tuổi đời còn khá trẻ vì một bệnh nhân tâm thần tạt xăng đốt. Gia đình anh thật sự khó khăn, căn nhà chỉ là một căn lều nhỏ. Người vợ còn rất trẻ ngồi ôm đứa con 3 tuổi rưng rưng khóc. Nhiều năm tận tụy với nghề, khi không còn trên đời nữa, gánh nặng lại dồn hết lên vai người vợ trẻ cùng đứa con nhỏ. Tôi nhìn thấy cảnh tượng đó mà xót xa lắm. Trước khi về TP.HCM tôi có gặp đồng chí Bí thư tỉnh ủy Tiền Giang. Đồng chí Bí thư nói sẽ làm hồ sơ công nhận anh là liệt sỹ. Nói vậy để thấy rằng, ở đâu đó trên mảnh đất này vẫn có những người bác sỹ tận tâm và hy sinh thầm lặng như thế…

Năm 2014, tôi có vận động các bác sỹ ở bệnh viện Mỹ Đức giúp đỡ được 30 cặp vợ chồng điều trị vô sinh, hiếm muộn làm thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí trong chương trình “Ươm mầm hạnh phúc”. Hiện nay, bệnh viện Mỹ Đức đang xin phép Sở y tế TP.HCM cho làm tiếm 30 cặp vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí nữa cho năm 2015.

Tôi nghĩ và nhận thấy rằng, hầu hết cán bộ y tế luôn quan tâm đến các bệnh nhân, luôn nêu cao tinh thần hướng đến bệnh nhân, chăm lo bệnh nhân. Tuy nhiên, với cơ chế thị trường, một số cá nhân ngành y bị nhiều yếu tố vật chất chi phối nên xã hội thường có suy nghĩ không hay về mối quan hệ của bác sỹ với bệnh nhân. Các bác sỹ trẻ hiện nay có rất nhiều người tâm huyết, chăm lo cho bệnh nhân. Thỉnh thoảng có những chuyện xảy ra nơi này, nơi khác mà xã hội đánh giá ngành y, đánh giá người thầy thuốc không đúng. Vì vậy, xã hội cần có cái nhìn công bằng, sáng suốt, phân biệt rõ ràng người đúng, người sai.

GS.BS.Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Sinh năm: 1944
Nguyên giám đốc bệnh viên Từ Dũ
Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và TPHCM.
Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM
Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP Hồ Chí Minh...
Từng là Đại biểu Quốc hội khóa VII, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội khóa IX (nhiệm kỳ 1992 – 1997), Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.