Theo lời mời của GS Trần Thanh Vân của Trung tâm Hội nghị quốc tế Quy Nhơn, ICISE, Giáo sư Gerard ‘t Hooft là người đã trở lại cùng với phu nhân Albertha‘t Hooft-Schik đến Việt Nam tham dự “Gặp gỡ Việt Nam”.

Trong chuyến thăm Đà Lạt, ông sẽ có buổi nói chuyện khoa học với giới khoa học, học sinh, sinh viên Đại học Đà Lạt về những đề tài vật lý thời sự trong dòng nghiên cứu thế giới.

Đây sẽ là một sự kiện rất thú vị cho thành phố Đà Lạt. Sau sự qua đời của Stephen Hawking, nhà vật lý nổi tiếng với lý thuyết về lỗ đen, nơi người ta nghi ngờ chứa đựng những bí mật của tạo hóa, thì chưa đầy hai tháng sau, tại Đà Lạt, lỗ đen sẽ xuất hiện như một đối tượng nghiên cứu trong một bài thuyết trình của GS ‘t Hooft đến từ Đại học Utrecht, Hà Lan, trong nỗ lực nhằm “giải mã” bản chất bí ẩn sâu thẳm của các định luật cơ bản vật lý là lực hấp dẫn và cơ học lượng tử. Đây hẳn là một bài toán thật “hóc búa”, nhưng lại vô cùng lôi cuốn mà hơn nửa thế kỷ qua giới khoa học tìm nhiều cách khác nhau để rọi ánh sáng vào.

Hà Lan là quốc gia đã từng đóng vai trò tác nhân khai sáng quan trọng cho Nhật Bản, giúp cho giới tinh hoa trong thời đóng cửa thế kỷ 18 và 19 hiểu những gì đang diễn ra tại châu Âu, như cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, hiểu thuyết Copernice, Newton, y khoa, kỹ thuật đóng tàu, cũng như hiểu biết về tình hình thế giới, những gì đang diễn ra tại Trung Hoa và Việt Nam, cho thấy Nhật Bản đang bị đe dọa nếu họ không kịp đổi mới. Nay người đại biểu quan trọng, một đứa con xuất sắc của xứ hoa Tulip, GS Gerard ‘t Hooft, đang mang đến cho chúng ta nguồn cảm hứng và những thông tin khoa học quý báu khác.

GS Gerard't Hooft, ĐH Utrecht, Hà Lan.

GS Gerard ‘t Hooft sinh năm 1946 tại Den Helder (năm nay 72 tuổi) và lớn lên tại The Hague, thủ đô của Hà Lan. Ông xuất thân từ một gia đình có truyền thống học thuật cao, và từ nhỏ đã có mộng trở thành nhà khoa học “biết mọi thứ”. Ông nghiên cứu vật lý hạt, một ngành rất nóng bỏng trong những thập niên cuối của thế kỷ 20, truy tìm cấu trúc cuối cùng của vật chất ở cấp dưới nguyên tử mà cao điểm là hạt Higgs và Mô hình chuẩn.

Hai bài báo cáo nghiên cứu của ông được công bố năm 1971 để làm luận văn tiến sỹ đã tạo nên sự bứt phá hết sức to lớn nhằm khai thông bế tắc, giúp cho vật lý hạt trở lại thuyết trường lượng tử sau một thời gian dài bị cản trở. Lúc đó ông mới 25 tuổi. Kết quả sáng chói được cả cộng đồng vật lý đánh giá cao, và đã giúp ông được công nhận, cùng với thầy ông, Martinus Veltman, Giải Nobel Vật lý năm 1999. Mối quan tâm của ông trong vật lý là rất đa dạng và mở rộng đến nhiều lãnh vực khác, như lỗ đen, hấp dẫn lượng tử, nguyên lý toàn ảnh, vv...

Năm 2011, ông được bổ nhiệm làm “Giáo sư Xuất sắc” tại Đại học Utrecht, Hà Lan, nơi ông từng theo học. Ngoài ra ông còn nhận được 6 giải quốc tế khác như Giải Wolf, Huân chương Lorentz, Giải Spinoza, Huân chương Franklin, Huân chương Vàng Lomonosov, Huân chương vinh dự của Viện Niels Bohr. Ông là khách mời của vô số trung tâm khoa học, đại học thế giới.

Ông còn là một nhà giáo dục, muốn giúp truyền cảm hứng, giúp sinh viên trên đường nghiên cứu vật lý hiện đại. Ông có mở trang web cho mục tiêu này.

Hiện ông nghiên cứu các lỗ đen, đối tượng vật lý kỳ dị của Stephen Hawking, để hiểu bản chất của thuyết tương đối rộng của Einstein, và cơ học lượng tử, cũng như mối liên hệ giữa chúng với nhau mà Einstein đã và cả thế giới đang đi tìm. Giới vật lý nghi rằng, những bí ẩn của vũ trụ nằm trong các lỗ đen, như câu nói minh họa của Stephen Hawking: Không những Chúa chơi xúc xắc, mà còn ném chúng vào những nơi mà con người khó tìm thấy. Đó có thể là các lỗ đen.

Chúng tôi cảm thấy may mắn cho Việt Nam khi ông nhận lời đến thăm và nói chuyện với đại học và giới khoa học. Giáo sư Gerard ‘t Hooft, với tri thức và thẩm quyền khoa học quốc tế, với tình cảm dồi dào đối với Việt Nam, có thể đem lại những kiến thức bổ ích của ngành vật lý lý thuyết cho các giảng viên đại học, cho tập thể sinh viên và học sinh Đà Lạt, nếu không muốn nói thêm, rằng ông sẽ đem lại một luồng gió mới của cảm hứng khoa học cho Đà Lạt.

Đại học Đà Lạt có thể tìm thấy qua ông một cánh cửa sổ nhìn ra thế giới khoa học. Các đại học Việt Nam cần tìm cách đặt quan hệ tốt với các nhà khoa học hàng đầu thế giới để phát triển và nâng cấp mình. Chúng ta tự đi tìm họ khó hơn là khi họ đã đến trước mặt chúng ta.

Sự có mặt của GS Gerard ‘t Hooft và phu nhân cũng có thể còn làm tăng uy tín của thành phố Đà Lạt như thành phố văn hóa và mến khách. Sau 125 năm Bác sĩ Yersin khám phá thành phố, nay có một nhà khoa học thế giới đặt chân đến vùng đất đặc biệt này, hy vọng ông cũng có thể khám phá và đánh thức các tài năng trẻ tiềm ẩn của Việt Nam tại đây.

GS ‘t Hooft từ nhỏ nổi tiếng muốn trở thành nhà khoa học “biết tất cả”, có giấc mơ và hoài bão rất lớn. Và con đường ông thực tế đã diễn ra như mơ ước. Ở tuổi 20, ông đã xông vào những bài toán khó nhất của thời đại đang gây bế tắc và làm cho cộng đồng vật lý đau đầu. Ông không tin những gì dư luận nói, mà phải bắt tay vào, và biết nhìn sự vật một cách sáng tạo, độc đáo theo cách của ông. Và bây giờ, ở tuổi ngoài bảy mươi, ông vẫn còn dấn thân vào những biên giới khó khăn nhất, giống như Einstein đã từng làm. Đó là một tấm gương rất đáng cho tuổi trẻ Việt Nam noi theo. Cho nên chuyến tham quan và nói chuyện của GS là một cơ hội rất có ý nghĩa của một sự “truyền lửa”.