Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ kỹ thuật số và tự động hóa cũng kéo theo nhiều lo lắng về tương lai của người lao động. Mặc dù vậy, kết quả sau cùng có lẽ cũng sẽ không đến nỗi quá tiêu cực, và chìa khóa nằm ở giáo dục.

Hiện nay, robot đã có thể đảm đương nhiều công việc hay lịch trình lặp đi lặp lại và gây áp lực không nhỏ lên người lao động ở một số lĩnh vực. Chẳng hạn tại Hàn Quốc, nơi có mật độ robot công nghiệp cao nhất thế giới (631 robot/10.000 lao động), rất nhiều công việc trong ngành chế tạo và sản xuất đang dần biến mất khiến nguy cơ thất nghiệp ở giới trẻ tăng vọt. Còn tại Mỹ, một nghiên cứu được thực hiện năm 2017 cũng chỉ ra, việc tăng cường sử dụng robot đã gây ra không ít tổn thương đối với khu vực việc làm và tiền lương.

Nhưng trong lúc đó, công nghệ cũng đồng thời tạo ra vô số việc làm mới. Giống như trước kia, sự ra đời của phương tiện gắn động cơ đã xóa sổ vai trò của người đóng và điều khiển xe ngựa, song lại tạo ra hàng triệu công việc thay thế – không chỉ trong các nhà máy sản xuất ôtô, mà còn ở nhiều lĩnh vực liên quan khác, chẳng hạn xây dựng cầu đường … Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng hiệu ứng ròng do tự động hóa tạo ra đối với thị trường việc làm, đạt được thông qua quá trình liên kết ngược và nhu cầu lan tỏa, là rất tích cực.

Trên thực tế, thách thức mà chúng ta gặp phải nằm ở chỗ, việc phát minh và ứng dụng các công nghệ ngày càng cao cũng đòi hỏi những kỹ năng mới – điều không đơn giản chỉ qua quá trình làm việc mà thu được. Vì vậy, các quốc gia cần phải đảm bảo, rằng tất cả công dân của họ sẽ có quyền tiếp cận với những chương trình giáo dục đào tạo có chất lượng, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động. Có thể nói, chính kết quả của cuộc đua giữa công nghệ và giáo dục sẽ quyết định xem liệu chúng ta có thể gặt hái được những cơ hội do những tiến bộ và đột phá công nghệ lớn mang lại, và liệu lợi ích đó có được phân bổ cho tất cả mọi người hay không.

Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ.

Ở nhiều quốc gia, công nghệ thực sự đã trở thành nhân tố dẫn dắt. Điển hình là xu hướng gia tăng bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc và các nền kinh tế Đông Á – điều này phản ánh khoảng cách đang ngày càng giãn rộng giữa nhóm người có khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến với những ai không thể theo kịp nó. Chính sự mất cân xứng giữa hoạt động đào tạo với thị trường việc làm đã và đang gây ra những tác động tai hại cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cho thấy sự thất bại của mô hình giáo dục truyền thống việc đào tạo sinh viên có năng lực đáp ứng được thị trường lao động.

Theo một báo cáo của tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU), 66% giám đốc được điều tra tỏ ra không hài lòng với trình độ và kỹ năng của các nhân viên trẻ; khoảng 52% cho rằng điều này chính là trở ngại lớn nhất đối với hoạt động của doanh nghiệp; Trong khi đó, một khảo sát khác do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện lại chỉ ra, khoảng 21% công nhân tại các nước giàu cảm thấy mình được đào tạo quá thừa cho mục đích của công việc hiện tại – những số liệu càng làm rõ thêm cho nhận định về sự lạc hậu của nền giáo dục truyền thống. Vì vậy, những cải cách sâu rộng cần được thực hiện để thúc đẩy sự phát triển của tri thức số cùng các kỹ năng kỹ thuật, năng lực nhận thức đặc biệt và kỹ năng mềm (soft skills).

Quá trình đổi mới cần được bắt đầu ngay từ bậc tiểu học, bởi chỉ khi đã có nền tảng vững chắc, con người mới có thể phát huy hết những lợi thế của những chương trình giáo dục và đào tạo về sau này. Đối với nền kinh tế tương lai, quá trình đào tạo có thể sẽ không bao giờ thực sự chấm dứt. Với những tiến bộ công nghệ đang diễn ra nhanh chóng, các cơ hội học tập suốt đời là nhân tố thiết yếu giúp nhân viên liên tục nâng cao kỹ năng hoặc học các kỹ năng mới để đáp ứng được yêu cầu của công việc. Ngoài ra, chương trình giảng dạy tại tất cả các cấp học cũng cần trở nên linh hoạt hơn để kịp thích nghi với những thay đổi công nghệ và thị trường.

Tuy nhiên, một rào cản lớn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, đó là sự thiếu hụt trầm trọng nguồn giáo viên chất lượng tốt. Lấy ví dụ, tại khu vực châu Phi hạ Sahara, ở bậc trung học cơ sở (THCS), tỷ lệ học sinh trên mỗi giáo viên đạt chuẩn là 44; còn ở bậc tiểu học, con số này thậm chí có thể lên đến 58 học sinh/giáo viên.

Đây là một thách thức không dễ vượt qua, bởi việc xây dựng đội ngũ giảng dạy chất lượng thường đòi hỏi sự đầu tư và khuyến khích rất lớn, cả về mặt tài chính lẫn phi tài chính. Ngoài ra, cũng cần phải đảm bảo rằng giáo viên sẽ được trang bị những công cụ tốt nhất, giúp họ phát triển chuyên môn và phát huy tối đa lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong hoạt động học tập suốt đời, qua cả các kênh chính thức lẫn phi chính thức. Cũng theo báo cáo của EIU, chỉ có khoảng 28% học sinh THCS tham gia khảo sát cho biết, nhà trường đã tích cực ứng dụng ICT cho các bài học.

Bên cạnh đó, ICT còn hứa hẹn sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên và tài nguyên giáo dục nhờ hình thức truy cập từ xa, chẳng hạn thông qua những nền tảng học tập trực tuyến, điển hình như OpenCourseWare của MIT – cho phép người học trên toàn thế giới có thể tiếp cận và trao đổi với những giảng viên hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Điều này cho thấy giá trị của hợp tác quốc tế, khi mọi người ở tất cả quốc gia có thể cùng nhau giải quyết rất nhiều thách thức giáo dục do tiến bộ công nghệ gây ra, có thể bằng cách tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên, hay xây dựng và nâng cấp hạ tầng ICT chung.

Tóm lại, mọi nỗ lực thúc đẩy đều cần phải tập trung vào khả năng tiếp cận giáo dục, để những người có xuất phát điểm thấp hay hạn chế về mặt kỹ năng vẫn có thể vươn lên để cạnh tranh trong một thị trường ngày càng khắc nghiệt. Bên cạnh đó, mạng lưới an sinh xã hội, trong đó có bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được thiết kế tốt và toàn diện hơn để bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương trước những biến động. Sau cùng, cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ gây ra nhiều xáo trộn, nhưng sẽ không xóa bỏ con người. Chỉ bằng sửa chữa những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng tiến bộ công nghệ sẽ giúp cuộc sống trở nên thỏa mãn và thịnh vượng hơn.