TS Đặng Văn Sơn, một tên tuổi quá quen thuộc trong lĩnh vực giáo dục STEM, chia sẻ với Khoa học và Phát triển suy nghĩ của anh về những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển giáo dục STEM ở Việt Nam hiện nay.

Giáo dục STEM được giới thiệu ở Việt Nam lần đầu cách đây khoảng 6 năm, ở thời điểm đó nó hướng đến thị trường cao cấp ở những thành phố lớn và cũng chỉ tập trung vào mảng robot và lập trình. Đến thời điểm này, có thể nói giáo dục STEM đã tạo ra sự bùng nổ về thị trường khi nó trở thành một từ khóa trong lĩnh vực kinh doanh giáo dục. Nhiều trung tâm ngoại ngữ, trung tâm kỹ năng sống đều mở lớp dạy STEM. Các trại hè chủ đề STEM cũng rất phổ biến. Có những công ty giáo dục mở liền một lúc vài trung tâm STEM.

Những phát triển ào ạt đó khiến người ta đôi lúc quên mất rằng, giáo dục STEM theo nghĩa rộng là một định hướng dạy học mang tính thực hành và gắn liền với thực tiễn cuộc sống chứ không đơn thuần là hướng dẫn cách làm những thí nghiệm vật lý, hóa học hay lắp ráp, lập trình cho một con robot cụ thể. Tiến hành một thí nghiệm thì dễ nhưng giúp học sinh hiểu bản chất của thí nghiệm và liên kết được thí nghiệm với các ứng dụng trong cuộc sống lại không hề đơn giản; việc xây dựng một định hướng dạy và học mới trong nhà trường cũng như vậy, vô cùng thách thức. Và sự bùng nổ của STEM trên học đường mới chính là điều chúng ta chờ đợi.

Chưa bùng nổ không phải vì quá cao siêu

Không nên cho rằng STEM chưa thể bùng nổ ở học đường bởi vì nó là cái gì đó quá cao siêu.

STEM được chia thành 3 cấp độ: STEM 1.0 có thể hiểu là những giờ học theo định hướng STEM, học đi đôi với hành, có liên tưởng tới các vấn đề thực tế cuộc sống; STEM 2.0 là tiến hành một số chủ đề học liên môn; STEM 3.0 tích hợp các môn khoa học, kĩ thuật, công nghệ và toán để xây dựng những chủ đề giải quyết những vấn đề thực tế.

Ở các nước phát triển, STEM 2.0 và 3.0 đã hết sức phổ biến trong trường học. Tuy nhiên, với Việt Nam, nơi nền giáo dục chưa phổ biến lối học đi đôi với hành thì theo tôi nên đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp. Chẳng hạn, triển khai được STEM 1.0 trong các giờ học chính khóa đã có thể coi là thành công. Còn với các câu lạc bộ (CLB) STEM, có thể triển khai STEM 2.0, 3.0.

Vấn đề của giáo dục STEM ở Việt Nam là chúng ta đã có STEM 3.0 ở các CLB, các chương trình ngoại khóa, trong khi chưa có STEM 1.0 ở trường.

Nhưng ngay cả hoạt động STEM ở các câu lạc bộ hay chương trình ngoại khóa cũng có nhiều vấn đề đáng nói.

TS Đặng Văn Sơn tại lớp tập huấn về STEM cho giáo viên quận Ba Đình, Hà Nội, tháng 11/2017. Ảnh: Đ. Dung

Các CLB STEM hiện giờ chủ yếu do giáo viên định hướng và tổ chức hoạt động, học sinh về cơ bản chỉ thực hành theo hướng dẫn. Trong khi đó, một CLB STEM có nội lực đúng nghĩa phải là nơi học sinh tự vận hành được CLB, giáo viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ khi cần thiết. Có những CLB STEM nổi như cồn với những học sinh có thể lắp ráp, lập trình những robot tương đối phức tạp, nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì đó là do nỗ lực của cá nhân học sinh và gia đình học sinh bởi vậy sự xuất sắc đó không phản ánh đúng nội lực của câu lạc bộ.

Còn các ngày hội STEM lẽ ra phải là nơi trưng bày và trình diễn các sản phẩm thể hiện hoạt động trong suốt một năm của CLB STEM ở các trường nhưng thực tế nhiều đơn vị đến gần ngày hội mới nháo nhào lên chương trình, xây dựng sản phẩm và các thầy cô vẫn là những đạo diễn chính.

Bên cạnh đó, một số trung tâm ngoại ngữ sẵn sàng huy động giáo viên tiếng Anh sang dạy STEM với quan điểm chỉ cần lên mạng, tải tài liệu hướng dẫn về là có thể đứng lớp STEM.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, phong trào bề nổi cũng có tác dụng của nó. Khi trưởng thành ở mức độ nhất định, nó sẽ thúc đẩy chính sách bằng những đòi hỏi phải có sự chuẩn hóa nội dung, giáo viên, và công tác đánh giá; và nó cũng khiến cho lĩnh vực giáo dục STEM được các bên - trong đó có các nhà đầu tư, nhà tài trợ - biết đến nhiều hơn và quan tâm hơn.

Đã làm từ dưới lên và đang chờ hành động từ trên xuống

Đã rõ ràng là STEM đang phát triển ở khía cạnh thương mại mạnh hơn so với khía cạnh giáo dục cộng đồng, hay nói cách khác, STEM bước ra thị trường trước khi đi vào trường học. Đường đi này của STEM khá ngược so với kinh nghiệm của các nước phát triển.

Chẳng hạn ở Mỹ, Quốc hội, Tổng thống, và Bộ Lao động cùng chung quan điểm thúc đẩy, khuyến khích giáo dục STEM, xuất phát từ bài toán liên quan đến chất lượng nhân lực trong tương lai. Sự kiện Science Fair hằng năm ở Nhà Trắng cho thấy Chính phủ Mỹ quan tâm truyền hứng thú tìm tòi khoa học cho học sinh như thế nào. Trong khi đó, ở Việt Nam, mới thấy giáo dục STEM ở cấp độ trường (câu lạc bộ) và phòng/sở (Ngày hội) mà chưa thấy những hoạt động do cấp Bộ (Giáo dục và Đào tạo) chủ trì, khởi xướng.

Và mặc dù bài toán nhân lực cũng đặt ra cho Việt Nam như ở bất kỳ quốc gia nào khác nhưng chúng ta chưa thấy những nỗ lực tổng thể nhằm giải quyết bài toán này. Những năm gần đây việc tuyển sinh vào các trường đại học khoa học – kỹ thuật đều khó khăn, khó tuyển đủ số lượng với chất lượng như kỳ vọng, và đó là cảnh báo cho chất lượng nghiên cứu khoa học – kỹ thuật trong thời gian tới.

Cần nhấn mạnh một lần nữa rằng những hoạt động về giáo dục STEM ở Việt Nam được thúc đẩy như hiện nay chủ yếu là nhờ nỗ lực của các nhóm/tổ chức xã hội, trong đó Liên minh STEM mà chúng tôi là thành viên chọn con đường bắt đầu từ việc thay đổi suy nghĩ của những người làm giáo dục và quản lý giáo dục.

Từ cách đây 2 năm, chúng tôi bắt đầu tiến hành 3 loại khóa tập huấn về giáo dục STEM bao gồm: Tập huấn cho lãnh đạo huyện, lãnh đạo phòng giáo dục, hiệu trưởng/hiệu phó các trường; Tập huấn chung cho giáo viên của toàn trường; Tập huấn cho giáo viên chuyên môn (toán, lý, hóa, sinh, công nghệ, tin) ở các huyện Thanh Chương (Nghệ An), Thái Thụy (Thái Bình), Nam Trực (Nam Định), và mới đây thêm Kiến An (Hải Phòng). Trong đó, tập huấn cho các giáo viên chuyên môn là mất nhiều thời gian nhất vì thực tế nhiều người trong số họ chưa hề biết cách làm thí nghiệm.

Kinh nghiệm chúng tôi rút ra được qua các đợt tập huấn là nơi nào phát triển được tủ sách lớp học thì nơi đó có khả năng cao hơn trong phát triển giáo dục STEM. Và mặc dù không liên quan trực tiếp, nhưng chính huyện ủy lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển giáo dục STEM vì đơn vị này phân bổ ngân sách giáo dục và bổ nhiệm các chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó.

Chúng tôi cũng thường mơ đến ngày sẽ lập được trung tâm đào tạo về STEM như ở nhiều nước. Chẳng hạn, ở Anh, National STEM Center là một trung tâm chỉ chuyên tổ chức các hoạt động đào tạo giáo viên, xây dựng chương trình, kêu gọi tài trợ cho lĩnh vực giáo dục STEM. Họ đã tạo ra một hệ sinh thái STEM thật sự, các thành phần trong đó bao gồm từ chính phủ đến các công ty công nghệ, trường đại học… và đặc biệt là các nhà tài trợ lớn.

Bởi đường đi của giáo dục STEM ở Việt Nam đang chủ yếu theo một chiều, từ phía các tổ chức xã hội, nói cách khác, đang được phát triển từ dưới lên, nên chúng tôi hết sức trông đợi vào những động thái từ trên xuống. Việc xây dựng chính sách không nhất thiết phải to tát, đôi khi chỉ đơn giản là đặt ra tiêu chuẩn có phương pháp giảng dạy định hướng STEM trong các cuộc thi giáo viên giỏi, hay đề ra quy định mỗi trường học phải có ít nhất một CLB STEM...

Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi nhận thấy một vấn đề đáng lo ngại là các giáo viên đang hết sức thiếu động lực làm giáo dục STEM. Ở trường, những người giỏi và năng động có xu hướng lãnh mọi việc về mình nhưng lợi ích mà họ nhận lại không hơn gì so với những người chọn làm những việc dễ dàng hơn, mất ít thời gian hơn. Để duy trì được lòng nhiệt tình vô tư ở những giáo viên đó và mang lại động lực cho nhiều giáo viên khác, đòi hỏi phải có những thay đổi về chính sách, chế độ đãi ngộ, tiêu chuẩn chuẩn hóa giáo viên, và đó cũng lại là những bài toán không ai giải được ngoài các cơ quan quản lý nhà nước.