Bell Hooks (1952), tên thật là Gloria Jean Watkins, là một nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội, nhà văn nổi tiếng người Mỹ gốc Phi. Triết học về giáo dục của Bell Hooks trong cuốn Giảng dạy để vượt qua: Giáo dục như là sự thực hành tự do được coi là có ảnh hưởng trên toàn thế giới, đặc biệt ở những quốc gia đa chủng tộc.

Cuốn sách bao gồm loạt bài luận khám phá các ý tưởng của bà về giáo dục và được viết theo phong cách cá nhân, các câu chuyện được đưa ra để minh họa đều đến từ trải nghiệm cá nhân của bà. Trong cuốn sách này, Hooks theo đuổi ý tưởng về giáo dục toàn diện, tiến bộ (progressive, hoslitic education) với quan điểm giáo dục như “là sự thực hành tự do”.

Bà viết: “Giáo dục như là sự thực hành tự do là một cách dạy mà ai cũng có thể học. Quá trình học đó đến dễ dàng hơn với những ai trong chúng ta vừa dạy mà lại cũng có niềm tin rằng có một phương diện thiêng liêng nào đó trong nghề nghiệp của chúng ta, với những ai tin rằng công việc của chúng ta không đơn thuần là chia sẻ thông tin mà còn là sự chia sẻ sự trưởng thành về trí tuệ và tinh thần của các học sinh của chúng ta. Dạy theo một cách thức tôn trọng và chăm lo đến tâm hồn của học sinh là tối cần thiết nếu chúng ta muốn đem đến những điều kiện phải có để sự học được khởi động một cách sâu sắc và gần gũi nhất.” (tr. 13)

Tác giả Bell Hooks. Nguồn: Jconline.com

Để giáo dục trở thành một sự thực hành tự do, Bell Hooks nhấn mạnh yêu cầu sự thành thật và hiến dâng của nhà giáo dục. Bà viết, giáo dục toàn diện, tiến bộ đặt ra nhiều yêu cầu hơn so với phương pháp giáo dục truyền thống. Điều này có nghĩa rằng giáo viên phải rất năng động, và thực sự hết mình tham gia và cam kết vào “quá trình tự thực hiện [self - actualization] nhằm đề cao hạnh phúc của chính bản thân nếu họ muốn dạy theo cái cách thức có thể đem lại sức mạnh cho người học.

Lí thuyết của Hooks về nhà giáo dục tự thực hiện được sinh ra từ quan niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng người thầy như một người chữa lành vết thương. Thích Nhật Hạnh nhấn mạnh “việc làm của một người thầy thuốc, người trị liệu tinh thần, thầy cô giáo hay bất kì công việc giúp đỡ nào khác nên hướng đến chính bản thân mình trước tiên, bởi vì nếu người đi giúp đỡ mà không hạnh phúc thì anh ta hay chị ta không thể giúp đỡ nhiều người” (tr.15).

Thích Nhất Hạnh đề cao sự liên kết giữa nhận thức với thực hành, ông cho rằng các nhà giáo dục và người học cần thiết phải coi nhau như những con người mang tính toàn thể. Hook chịu ảnh hưởng của Thích Nhất Hạnh trong quan niệm của mình về nhà giáo tự thực hiện và cho rằng nhà giáo sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc giảng dạy tâm trí và linh hồn, trái ngược với chỉ truyền lọc thông tin.

Bà tin vào việc giảng dạy dựa trên các phương pháp mang tính cá nhân để rèn luyện tâm trí và khám phá bản sắc người học. Giáo dục như là sự thực hành tự do chỉ đạt được thông qua các nhà giáo dục tự thực hiện và trong lớp học dân chủ hóa, nơi mà tất cả mọi người được tham gia như nhau và người học là những người tham gia tích cực, như những người cộng tác và phối hợp với nhà giáo trong chương trình giảng dạy.

Lớp học dân chủ hóa được sinh ra từ nhu cầu hiểu về cái thế giới mà trong đó các ranh giới đã bị phá vỡ do quá trình toàn cầu hóa. Để giáo dục trở thành sự thực hành tự do mà Hooks tuyên bố thì các nhà giáo trong các cơ quan phải đối xử với người học thuộc mọi chủng tộc, giới tính, thiên hướng tình dục, tầng lớp và tôn giáo một cách công bằng.

Quan điểm lạc quan của Hoos về cách tổ chức giáo dục khiến bà tin rằng lớp học dân chủ hóa có khả năng tồn tại qua sự hợp tác của người học và người dạy trong một môi trường được tạo ra an toàn cho sự tham gia của tất cả mọi người.

Ý tưởng của Hooks về lớp học dân chủ hóa, như bản thân Hooks ý thức được, có thể bị ngăn cản bởi các nhà giáo dục “không muốn tiếp cận việc giảng dạy từ điểm nhìn bao gồm sự nhận thức về chủng tộc, giới tính và lớp học vốn cắm rễ trong nỗi sợ rằng các lớp học sẽ không thể kiểm soát được, rằng cảm xúc và niềm đam mê sẽ không được kiềm chế” (tr. 39).

Và một chướng ngại vật trong việc thực hiện lớp học dân chủ này là vấn đề tài chính. Thu nhập của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường từ cấp 3 trở lên phụ thuộc vào học phí của học sinh, dẫn đến sự hình thành các lớp học có quy mô lớn vì chúng cho phép các trường tối đa hóa số lượng người đăng kí học.

Nhưng điều này làm cho việc duy trì nền dân chủ mà Hooks tìm kiếm khó mà đạt được vì làm sao có thể có được sự kết nối giữa người học và người dạy, điều chỉ có thể xuất hiện trong các lớp học nhỏ và có sự thân mật gần gũi giữa các thành viên. Việc mất đi sự kết nối do tình hình tài chính gây ra có thể được cảm nhận bởi cả người dạy và người học, từ đó dẫn đến mất cân bằng trong diễn đàn dân chủ của lớp học, nơi nhiều sinh viên có thể không cảm thấy an toàn khi nói lên ý kiến vì vị trí bị áp đặt của họ là người thiểu số.

Sử dụng lý thuyết sư phạm của Thích Nhất Hạnh vốn nhấn mạnh vị trí của nhà giáo dục là người chữa lành vết thương, người đem đến sự hợp nhất của tâm trí, cơ thể và tinh thần, Hooks giải thích thêm rằng để tạo ra các lớp học dân chủ, người học và người dạy coi nhau như những con người cá thể. Nếu nhà giáo dục đạt được sự tự hiện thực hóa trong vị trí như là một người chữa lành vết thương, thì mục tiêu dùng giáo dục để truyền bá sự tự do cho cư dân của Hook sẽ thành công.