Sáng 30/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và dự Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (HVNNVN), một trong 6 trường đại học đầu tiên thực hiện quản trị tự chủ đại học theo tinh thần Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ.

Cùng tham dự buổi lễ có các đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, và đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp. Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN, nhiều vị Đại sứ, Đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế cũng đến tham gia sự kiện này.

Phát biểu tại buổi Lễ, Tổng Bí thư đã có những lời dặn dò tâm huyết và sâu sắc, những kỳ vọng cụ thể và bức thiết với các thầy cô giáo và sinh viên Học viện, và đó cũng chính là các thông điệp TBT muốn gửi đến hệ thống các trường đại học của đất nước.

Tổng bí thư cũng đã giao cho HV 6 nhiệm vụ cần phải được thực hiện tốt; đó là (1) Tích cực thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; (2) Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bùng nổ thông tin; (3) Tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo; Các thầy cô giáo phải chuyển từ vai trò giảng bài sang vai trò hướng dẫn học và phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống, phương pháp làm việc và học tập để sinh viên noi theo; (4) Đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học; (5) Học viện cần và phải phấn đấu để nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu của đất nước; và (6) Gắn kết chặt chẽ giữa trường đại học với địa phương, với doanh nghiệp, nhất là với thành phố Hà Nội.

Sáu nhiệm vụ này cũng chính là các đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đang kỳ vọng và mong đợi ở Học viện, ở các trường đại học. Thực hiện thành công những lời căn dặn và các nhiệm vụ ấy, hệ thống giá dục của chúng ta sẽ mở ra một chân trời mới, một giai đoạn phát triển mới, trên một tầm cao mới; và trường đại học thực sự trở thành biểu tượng về sức mạnh KH&CN quốc gia!

Tổng Bí thư thăm Phòng truyền thống của Học viện.

Từ những lời dặn dò tâm huyết và sâu sắc của Tổng Bí thư gửi các thế hệ thầy và trò của HVNNVN, suy rộng ra, có thể thấy một trong các kỳ vọng và mong đợi của người đứng đầu của Đảng đối với hệ thống giáo dục quốc dân, là:

1. Sinh viên tốt nghiệp phải có kỹ năng sáng tạo, hợp tác và tư duy phản biện.

Giáo dục đại học cũng như giáo dục phổ thông, là nhằm trước hết giáo dục sinh viên làm người: yêu nước, tử tế và lương thiện, trước khi con người ấy là cán bộ, là chuyên gia... Điều đó được thể hiện qua sự kỳ vọng và mong đợi của xã hội, của Đất nước: Các trường đại học cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, chủ động hội nhập quốc tế, nhưng vẫn thấm đẫm văn hóa và tâm hồn Việt; đó là những con người mới, có tinh thần khởi nghiệp, có tư duy đổi mới, sáng tạo, không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng sống và kĩ năng chuyên môn tốt, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện để có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng của nèn kinh tế thị trường định hướng XHCN, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, với cộng đồng và đất nước, không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, ….

Do vậy, ngoài đào tạo chuyên môn, nhà trường cần coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên; gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh“. Đất nước đang rất cần những con người có tư duy phản biện, dám đương đầu với thách thức, dám bảo vệ lẽ phải, dám đấu tranh với sai trái, dám dấn thân vì sự phát triển của đất nước, vì danh dự của dân tộc, vì vẻ vang của giống nòi. Đất nước chỉ có thể cất cánh với những công dân như thế!

2. Dứt khoát phải đổi mới mô hình quản trị đại học.

Tự chủ đại học là xu thế tất yếu, và điều ấy như một luồng gió mới, tiếp thêm sinh khí cho các trường đại học trong quá trình hội nhập và phát triển theo các chuẩn mực quốc tế. Tự chủ không có nghĩa là nhà nước chấm dứt đầu tư, như ai đó đã có thời lầm tưởng, mà nhà nước chỉ thay đôi phương thức đầu tư, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, công bằng hơi, như Tổng bí thư đã nhấn mạnh: Tinh thần chung là các trường đại học phải được tự chủ hơn về học thuật, được chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính. Tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải “tự túc“ hoàn toàn về tài chính. Nhà nước vẫn phải đầu tư để bảo đảm tốt các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và các phương tiện phục vụ để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với những ngành nghề và lĩnh vực khó xã hội hoá và đất nước đang rất cần như Nông - Lâm - Ngư nghiệp.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với mô hình quản trị đại học không chỉ thể hiện thông qua quyết tâm chính trị mà còn được thể chế hóa thành các chính sách cụ thể như chính sách về đầu tư phát triển cơ sở vật chất, với việc Chủ tịch nước đã phê chuẩn Hiệp định tài trợ của dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học” cho một số trường đại học tự chủ, trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, là một minh chứng cụ thể và sinh động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghe giới thiệu các sản phẩm của Học viện.

3. Phát triển đất nước phải chủ động dựa vào nội lực, không nên trong chờ vào các nguồn lực ở đâu đó.

Nguồn tài nguyên vô cùng quí giá của Đất nước chính là nguồn nhân lực trên 90 triệu con người, hãy trọng dụng tốt nhất nguồn lực vô giá này. Muốn vậy, cần có các trường đại học tốt. Muốn có các trường đại học tốt, cần có đội ngũ thầy cô giáo tốt; muốn có đội ngũ các thầy cô giáo tốt, “cần có những chính sách, chế độ cụ thể, thiết thực, tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để các cô giáo, thầy giáo cống hiến tốt nhất cho sự nghiệp trồng người”, chứ không thể bằng các khẩu hiệu suông, những phát ngôn mang tính thời thượng, mà cần được cụ thể hóa bằng các chính sách và thể chế thực sự trọng dụng nhân tài, bởi họ chính là nguyên khí quốc gia!

Vì thế, các trường đại học, trong đó có HVNNVN, cần ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu sáng tạo, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi“, phấn đấu trở thành trường đại học kiểu mẫu về nghiên cứu khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp “trồng người” trong giai đoạn mới. Suy cho cùng, hệ thống các trường đại học của Việt Nam đều có chung sứ mệnh: Các công trình nghiên cứu của Học viện phải hướng tới nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn mới phồn vinh và văn minh.

Học viện cũng là cơ sở giáo dục đại học đi tiên phong trong việc xây dựng Đề án và thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với giao kinh phí của nhà nước cho các trường đại học, các viện nghiên cứu; ở đó có những cơ chế bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao bình đẳng với đối tượng chính sách.

Đây cũng là ngôi trường có trên 93% sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp, phong trào khởi nghiệp sinh viên luôn đứng đầu cả nước, nhiều sinh viên khởi nghiệp thành công ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường; nơi có nhiều cựu sinh viên là doanh nhân thành đạt, đã và đang có những đóng góp to lớn để phát triển kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho cộng đồng.