LTS: Sau khi Báo Khoa học và Phát triển số 18 (từ ngày 3 đến 9/5/2018) đăng bài phỏng vấn giới thiệu dự án xuất bản giáo trình hiện đại của thế giới cho sinh viên Việt Nam của Alpha Books, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến chung quanh chủ đề này.

Nhiều năm qua, ngày càng nhiều học sinh phổ thông du học tại các thị trường giáo dục nổi tiếng trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, nhiều trường đại học (ĐH) danh tiếng trên thế giới cũng đến Việt Nam để tìm hiểu, mở trường, mở ngành. Ngoài sự hiện diện của các trường ĐH Việt-Đức, Việt-Pháp, Việt-Nhật, những chương trình liên kết, du học tại chỗ đều đã có mặt tại hầu hết các trường ĐH top đầu Việt Nam.

Giảng viên của những chương trình này được tuyển dụng công khai qua báo chí, internet và thậm chí là mạng xã hội. Sau khi được tuyển, giảng viên cần biên soạn chương trình cho phù hợp với yêu cầu của khóa học, trong đó giáo trình thường được họ tuyển lựa từ danh mục sách của các trường đối tác hoặc các trường có chương trình đào tạo tương đương, dựa trên so sánh với mức độ phổ biến ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới và với kết quả đánh giá trực tuyến của người sử dụng trên các trang chuyên kinh doanh về bán sách.

Sau một thời gian giảng dạy, thường vào khoảng 3-4 năm, đoàn thẩm định độc lập sẽ tới làm việc với người học, người dạy, đánh giá về giáo trình được sử dụng trong toàn bộ khóa học. Đoàn thẩm định cũng sẽ liên lạc với sinh viên đã ra trường để đánh giá sự hài lòng, tính hiệu quả của chương trình đối với công việc mà họ đang đảm nhiệm.

Tác giả (phải) trong buổi giới thiệu chương trình đào tạo kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngày 8/4/2018. Ảnh: Tác giả cung cấp

Đó không chỉ là việc diễn ra ở các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài với đối tác nước ngoài mà còn là xu hướng tất yếu cho hệ thống các trường ĐH Việt Nam. Ở nhiều trường, việc tự chủ đã đặt ra cho Hội đồng trường, Ban Giám hiệu nhiều sức ép và thử thách hướng tới nâng cao khả năng có việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Bối cảnh đó cũng buộc mỗi giảng viên phải có ý thức rất rõ về việc trau dồi kiến thức, kỹ năng sư phạm, khả năng truyền đạt, lựa chọn và sử dụng nguồn tài liệu phù hợp để thu hút được người học và, qua đó, giữ được vị trí công việc.

Với 15 năm kinh nghiệm giảng dạy, bản thân tôi nhận thấy, việc vận dụng công nghệ thông tin để thu thập tài liệu, chuẩn bị bài giảng đã thay đổi về căn bản cách thức chuẩn bị giáo trình, sách tham khảo, nhất là với giáo trình chuyên ngành. Nếu trước kia, giáo trình có thể dùng trong 10 năm, thì giờ đây, mức độ cập nhật của thông tin, của kiến thức đã thay đổi theo năm học, thậm chí theo học kỳ. Vì vậy, dùng một cuốn giáo trình “chuẩn”, theo ý kiến cá nhân tôi, là khó thực hiện.

Cũng cần nói thêm, việc đưa một cuốn giáo trình vào chương trình đại học hoàn toàn không đơn giản: nó phải được bộ môn, hội đồng khoa/viện thông qua nội dung trước khi trình hội đồng trường. Tuy nhiên, một cuốn giáo trình được đánh giá là “chất lượng” ở hội đồng các cấp không có nghĩa sẽ “chất lượng” trên giảng đường. Sau khi được duyệt, in, việc cuốn giáo trình đó có được sử dụng hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào giảng viên, tức người truyền đạt. Ở các trường ĐH tự chủ, nếu giảng viên không đủ cuốn hút, sẽ ngày càng có ít sinh viên đăng ký học (nhất là đối với các môn chuyên ngành, tự chọn).

Ngoài bị tổn thương lòng tự trọng, việc ít sinh viên đăng ký học còn ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của giảng viên đó. Như vậy, có thể thấy, giảng viên bắt buộc phải thường xuyên cập nhật kiến thức để trở thành “cuốn giáo trình sống quan trọng nhất” góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục, nếu họ không muốn bị người học quay lưng.

Việc một vài công ty sách muốn bắt tay vào xuất bản những cuốn giáo trình đại học như nguồn tài liệu chính thức cho giảng viên sử dụng, theo tôi, là khá khiên cưỡng và khó thực hiện. Từng giảng dạy đại học bằng tiếng Anh trong nhiều năm, cá nhân tôi đủ tự tin để lựa cho mình những nguồn tài liệu phù hợp mà nhiều cơ sở giảng dạy trên thế giới sử dụng và được các đồng nghiệp trong nước cũng như quốc tế khuyến nghị.

Tuy nhiên, động thái này cũng có thể coi là tín hiệu tích cực, cho thấy mối quan tâm của cộng đồng, của xã hội đối với việc phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Nếu các công ty sách muốn tham gia xuất bản giáo trình đại học, hãy tiến hành khảo sát một cách nghiêm túc ý kiến của giảng viên, sinh viên và các nhà tuyển dụng lao động. Làm như vậy, họ sẽ có câu trả lời chắc chắn hơn cho câu hỏi, liệu sản phẩm của họ có được đội ngũ giảng viên và sinh viên đón nhận hay không.