Những tín hiệu bí ẩn đến từ vũ trụ khiến các nhà khoa học đau đầu suốt thập kỷ qua nay đã có lời giải về vị trí và khoảng cách.

1

Theo tờ Independent, lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện được nguồn gốc phát ra khoảng 18 tín hiệu sóng vô tuyến ngoài không gian mà con người thu nhận được trong gần 1 thập kỷ qua.

Từ năm 2007 đến nay các nhà khoa chọ đã thu được 18 chớp sóng vô tuyến mang tên FRB. Đó là sóng vô tuyến ngắn nhưng rất mạnh, kéo dài không quá một phần nghìn giây. Lần đầu tiên con người thu được tín hiệu của nó từ một kính thiên văn Parkes ở Úc.

Trong 18 tia chớp đó chỉ một chớp sóng lặp lại có tên FRB 121102 do kính viễn vọng Very Large Array phát hiện. Đây là kính viễn vọng vô tuyến đa ăng-ten do Hiệp hội Khoa học Quốc gia Mỹ vận hành.

Không ai biết chúng đến từ đâu, được kích hoạt như thế nào. Đã có nhiều nhận định cho rằng chúng phát ra từ ngôi sao khổng lồ hay tia vật chất bắn ra từ hố đen thậm chí là sản phẩm của người ngoài hành tinh.

Mới đây, việc nghiên cứu suốt 6 tháng liên tục giúp các nhà khoa học phát hiện chính xác vị trí của nó trên bầu trời và kết luận chớp sóng này đến từ một thiên hà lùn cách Trái Đất hơn ba tỷ năm ánh sáng.

Tiến sĩ Shriharsh Tendulkar, thành viên nhóm nghiên cứu đến từ Đại học McGill ở Montreal, Canada, cho biết: "Trước khi chúng tôi biết về khoảng cách của FRB, một số giải thích về nguồn gốc của chúng cho rằng chúng có thể bắt nguồn từ bên trong hoặc gần dải Ngân Hà. Giờ đây, chúng tôi có thể loại trừ những giả thuyết đó, ít nhất là đối với chớp sóng FRB 121102".

Đặc biệt hơn, mỗi lần tín hiệu FRB xuất hiện thường đi kèm với một luồng phát sóng vô tuyến liên tục. Những quan sát có độ chính xác cao chỉ ra rằng hai nguồn phát không thể cách xa nhau hơn 100 năm ánh sáng.

Tiến sĩ Benito Marcote, thuộc Viện Hợp tác VLBI (Very Long Baseline Interferometry) tại Dwingeloo, Hà Lan, cho biết: "Chúng tôi cho rằng các chớp sóng và nguồn phát liên tục chắc chắn là cùng một vật thể hoặc chúng có liên quan tới nhau".

Tuy nhiên nguồn phát ra FRB vẫn là điều bí ẩn. Giả thuyết đáng tin tưởng nhất là từ ngôi sao có thể là sao từ, một loại sao neutron có từ trường cực mạnh bao quanh bởi bụi từ vụ nổ sao.

Tiến sĩ Shami Chatterjee ở Đại học Cornell, Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu, nói: "Việc tìm thấy thiên hà phát ra FRB và khoảng cách của nó với Trái Đất là một bước tiến lớn, nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều việc cần làm trước khi hiểu rõ về chớp sóng vô tuyến".

Nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội thiên văn Mỹ tại Grapevine, Texas.