Do công suất lò thấp nên Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt chỉ có khả năng đáp ứng nhu cầu đồng vị phóng xạ và chế phẩm phóng xạ cho 25 cơ sở y tế tại Việt Nam.

Lượng dược chất này đang phải nhập khẩu tới 50% và tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng vì nhu cầu sử dụng ngày càng cao.

Rất ít đơn vị sản xuất

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, trong 20 năm nữa, số ca ung thư trên toàn cầu sẽ tăng 57% - từ 14 triệu lên trên 22 triệu; trong đó Việt Nam được dự đoán là một trong những nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất. Theo Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu Globocan, riêng trong năm 2012 Việt Nam có 125.000 ca ung thư mới và 94.700 người tử vong vì căn bệnh này.

Giáo sư Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, việc điều trị ung thư thường phải phối hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị đích... Hơn 50% số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam có chỉ định sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và điều trị nên nhu cầu sử dụng dược chất phóng xạ rất cao.

Trong khi đó, số đơn vị sản xuất dược chất phóng xạ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lớn nhất là lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, sản xuất khoảng 20 loại đồng vị và dược chất phóng xạ, cung cấp định kỳ hằng tháng cho 25 cơ sở y tế và nghiên cứu, ứng dụng. Cả nước có 5 trung tâm máy gia tốc Cyclotron, trong đó 4 máy đang hoạt động ổn định để cung cấp dược chất phóng xạ 18 FDG dùng cho máy PET/CT, gồm 1 máy ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), 3 máy ở Hà Nội và 1 máy ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Điều chế đồng vị phóng xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: Anh Tuấn

Theo ThS Dương Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, các chất phóng xạ được điều chế bằng cách chiếu xạ kích hoạt hạt nhân các đồng vị bền bằng neutron trên lò phản ứng. Tiếp đến là khâu xử lý hóa phóng xạ để thu được sản phẩm cuối cùng. Từ năm 2008, viện đã trang bị thêm dây chuyền mới nhập từ Đức, có thể tự động hóa các công đoạn chính của quy trình sản xuất, bảo đảm các tiêu chuẩn của GMP về thực hành sản xuất dược phóng xạ của WHO/IAEA.

“Dây chuyền này là duy nhất tại Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc chưng cất khô nên đảm bảo độ an toàn bức xạ cao” - ThS Đông nói.

Cải thiện khả năng cung ứng

Theo ThS Đông, với sự tăng trưởng của các khoa y học hạt nhân, nhu cầu dược chất đồng vị phóng xạ của các bệnh viện hiện rất cao cả về số lượng và tần suất cung ứng. Nhiều bệnh viện yêu cầu cung cấp ít nhất 2 tuần một lần, thậm chí hằng tuần. Yêu cầu giao sản phẩm đúng hạn đang tạo áp lực lớn cho đơn vị.

PGS-TS Nguyễn Nhị Điền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - cho biết, hoạt động điều chế và sản xuất dược chất phóng xạ chiếm trên 70% thời gian vận hành của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Tuy nhiên, do lò có công suất thấp (chỉ 500kW/năm) nên cung chưa đủ cầu. Vì vậy, một số bệnh viện đang phải nhập khẩu đồng vị phóng xạ và các chế phẩm phóng xạ thông qua các công ty ủy thác.

ThS Đông cho biết, hiện nay thị phần của các sản phẩm nhập ngoại chiếm khoảng 50% và tỷ lệ này có xu hướng tiếp tục tăng. Do đó, Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ đang lên kế hoạch đưa một số sản phẩm mới vào ứng dụng lâm sàng như MIBI, DISIDA, HIDA, HMPAO, Cr-P-31; cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất và trang thiết bị theo tiêu chuẩn GMP; hoàn thiện hồ sơ trình liên bộ Y tế - Khoa học và Công nghệ về việc lập trung tâm kiểm định quốc gia về dược phóng xạ.

“Chúng tôi đang cải tiến dây chuyền sản xuất Tc-99m cũ với các trang thiết bị hiện đại hơn, nâng cấp hệ sản xuất P-32 dung dịch và một số thiết bị sản xuất, khai thác hiệu quả phòng thí nghiệm liên kết tại Bệnh viện 175, tăng tần suất cung cấp đồng vị và dược chất cho các bệnh viện phía nam. Chúng tôi cũng đang triển khai việc kiểm tra chất lượng chỉ tiêu phóng xạ các sản phẩm nhập ngoại với Viện Kiểm nghiệm TPHCM” - ThS Đông chia sẻ.

Một số chất phóng xạ được dùng phổ biến trong điều trị (theo GS Mai Trọng Khoa):

131I ở dạng dung dịch Na131I, điều trị một số bệnh tuyến giáp.

32P ở dạng Na2PO­4, điều trị bệnh đa hồng cầu và thrombocytosis.

153Sm trong hợp chất EDTMP-153Sm, điều trị ung thư di căn vào xương.

186Re trong HEDP-186Re, điều trị ung thư di căn xương.

114In đánh dấu vào octreotid để điều trị nhiều loại khối u.

90Y đánh dấu vào kháng thể kháng nguyên CD20 để điều trị u hạch không Hodgkin.