“Du lịch thông minh” giờ đây không còn là khái niệm mà là thực tế đang diễn ra trên toàn cầu, đặt các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trước sức ép phải chủ động thay đổi mô hình hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng ứng dụng công nghệ thông tin.

>> Chánh văn phòng Tổng Cục du lịch trao đổi về chuyển đổi số trong ngành du lịch
>> Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương: Các doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng cho chuyển đổi số
>> Du khách Anh đến Việt Nam chỉ để trải nghiệm bia hơi vỉa hè Hà Nội

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lặng lẽ len vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội và các ngành kinh tế. Hàng loạt ngành sản xuất của Việt Nam - nơi vốn có lợi thế về nguồn nhân lực - bị đặt trước thách thức do sự phân bố lại nguồn lao động, khi những con robot và hệ thống tự động hóa trong các dây chuyền bỗng trở nên rất rẻ so với việc phải sử dụng hàng ngàn lao động trực tiếp.

Dữ liệu lớn và ứng dụng công nghệ đang trở thành không thể thiếu với ngành du lịch.

Tuy nhiên, du lịch lại thuộc nhóm những lĩnh vực được cho là sẽ tận dụng nhiều lợi thế từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá hơn là thách thức. Lý do đơn giản, trụ cột chính của du lịch là du khách - những người đến các vùng đất mới để được trực tiếp trải nghiệm, điều mà robot hay công nghệ khó có thể giúp họ thay việc “xách balô lên và đi”.

Nhưng chính sự tiến bộ của công nghệ thông tin đang làm thay đổi thị trường du lịch toàn cầu. Kinh doanh du lịch trực tuyến tăng trưởng nhanh hơn dự báo và hiện tượng này cũng diễn ra tại Việt Nam. Thói quen tiêu dùng của du khách giờ đây phụ thuộc nhiều vào công nghệ và sự thay đổi này là cơ hội để các công ty cung ứng, các nhà quản lý có thể “đọc” nhu cầu thực sự của họ, từ đó có thể cá nhân hóa và tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm, dịch vụ.


Không phải ngẫu nhiên mà từ đầu năm 2017 đến nay, Đảng và Chính phủ đã liên tục có các nghị quyết và chỉ thị liên quan đến phát triển ngành du lịch, như Chỉ thị số 16/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó nêu rõ du lịch là một trong những ngành được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, hướng tới nền “du lịch thông minh”.

“Du lịch thông minh” giờ đây không còn là khái niệm mà là thực tế đang diễn ra trên toàn cầu, đặt các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trước sức ép phải chủ động thay đổi mô hình hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ như vậy, ngày nào còn chưa sẵn sàng chuyển đổi số thì “chuyến cất cánh” của ngành du lịch còn có nguy cơ bị “delay”.