Với một tỉnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn Ninh Thuận, việc xây dựng 2 dự án phát triển điện hạt nhân được xem là thử thách nhưng đồng thời là cơ hội lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 là công trình quốc gia đặc biệt quan trọng với tổng vốn đầu tư mỗi nhà máy lên đến hơn 10 tỷ USD. Cả hai đều sử dụng công nghệ cao với trình độ quản lý tiên tiến, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ninh Thuận là tỉnh đi tiên phong trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm và có cơ chế hỗ trợ phù hợp dành cho địa phương này.

Trong Nghị quyết 41 của Quốc hội ngày 25/11/2009 về xây dựng dự án điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta đã nhấn mạnh, phải có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội ở khu vực có nhà máy theo quy định tại Điều 5 của Luật Năng lượng nguyên tử.

Dự án điện hạt nhân được kỳ vọng sẽ giúp Ninh Thuận phát triển kinh tế. Ảnh: Vietq

Bên cạnh đó, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt cho phép chủ đầu tư tích lũy nguồn vốn, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng nhà máy.

Ngày 13/4/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp thăm Ninh Thuận và chỉ đạo ưu tiên triển khai chương trình kinh tế- xã hội. Trước tiên là xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi khắc phục tình trạng khô hạn và các tuyến giao thông. Trong đó, một số dự án quan trọng cần ưu tiên triển khai ngay từ năm 2015 gồm xây dựng, nâng cấp hệ thống kênh mương cấp I, III; đập hạ lưu sông Dinh, hệ thống cấp nước sinh hoạt Sơn Hải, đường Văn Lâm- Sơn Hải, dự án tuyến đường Phan Rang- Tháp Chàm.

Ông Lã Hồng Kỳ - Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận) cho biết, các dự án hỗ trợ tỉnh cho đến năm 2025 sẽ bao gồm hơn 20 hạng mục chính trong mọi lĩnh vực như thủy lợi, giao thông, cảng biển, y tế, giáo dục, hạ tầng đô thị và khu hành chính quản lý nhà nước. Căn cứ vào tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân, các dự án này cũng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư sao cho phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo nghề liên quan đến xây dựng, quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân đối với học sinh, sinh viên tỉnh Ninh Thuận. Bộ Y tế sẽ đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ quy mô 500 giường bệnh lên khoảng 1.000 giường bệnh với hệ thống trang thiết bị hiện đại.

Bộ Giao thông vận tải sẽ ưu tiên vốn đầu tư các dự án, công trình giao thông vận tải do Bộ làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào vùng chịu ảnh hưởng trong quá trình xây dựng nhà máy ĐHN.

Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ hỗ trợ vốn để xây dựng, nâng cấp một số công trình như trạm xá, trường học, công trình điện… ngay tại các huyện, xã có địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. EVN đề xuất tỷ lệ trích từ doanh thu bán điện của các nhà máy điện hạt nhân cho Quỹ Hỗ trợ đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 được kỳ vọng sẽ giúp tỉnh này cải thiện mạnh mẽ hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tạo điểm nhấn phát triển kinh tế - xã hội, đưa Ninh Thuận thay đổi căn bản trong vòng 10-15 năm tới.