Nhà báo Elizabeth Kolbert đã theo chân nhiều nhà khoa học khảo sát sự tồn tại và xác nhận sự biến mất một số loài ở khắp các vùng trên Trái đất để tìm câu trả lời cho truy vấn, liệu có phải loài người đang đối mặt với một đợt tuyệt chủng nữa hay không.

Tác giả Elizabeth Kolbert (1961). Ảnh: The Guardian

Theo các nhà khoa học, đã có năm đợt tuyệt chủng của các loài động thực vật với quy mô lớn trong suốt lịch sử sự sống trên Trái đất, mỗi đợt xảy ra cách nhau khoảng 100 triệu năm, trong đó biến cố đầu tiên xảy ra khoảng 450 triệu năm trước và biến cố gần đây nhất xảy ra khoảng 50 triệu năm trước.

Có lẽ đề tài chết chóc chưa bao giờ hấp dẫn đến thế trong cuốn sách The sixth extinction (Đợt tuyệt chủng thứ sáu), mang lại giải Pulitzer cho Elizabeth Kolbert vào năm 2015. 13 chương sách của bà cho phép chúng ta tìm hiểu cặn kẽ lịch sử tồn tại và biến mất của một số loài điển hình, cũng như chỉ ra những loài đang ở bên bờ vực của tuyệt chủng.

Một đợt tuyệt chủng mới, như được chứng minh trong cuốn sách, là có thực, dù tầm vóc của nó ra sao thì chưa ai tính toán cụ thể được. Và còn thực hơn nữa ở chỗ nó có thể được nhận biết bằng mắt thường (như với trường hợp nhiều loài lưỡng cư biến mất một cách đột ngột ở những vùng đất vốn là xứ sở ngụ cư của chúng), chứ không phải chỉ qua những số liệu thống kê hay nghiên cứu của các nhà khoa học. Đủ các giống loài đang phải chống cự với những biến đổi về khí hậu, địa chất, điều kiện tự nhiên, hay nói đúng hơn, chính điều kiện tự nhiên đang biến đổi ở khắp mọi nơi, khiến các giống loài phải chật vật tìm cách thích nghi.

Trong chừng mực nào đó, các nhà khoa học có thể xác định được nguyên nhân của các đợt tuyệt chủng từ thời xa xưa, đó là thời kỳ băng hà trong đợt tuyệt chủng cuối kỷ Ordovic, sự ấm lên toàn cầu và những thay đổi về mặt hóa học của đại dương trong đợt tuyệt chủng cuối kỷ Permi, một vụ va chạm thiên thạch trong đợt tuyệt chủng cuối kỷ Phấn trắng... Vậy còn đợt tuyệt chủng hiện nay thì sao?

Tác giả đưa chúng ta đến các thử nghiệm và nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của đợt tuyệt chủng thứ sáu, trong đó, nổi bật nhất chính là những hành động do con người gây ra với các hệ sinh học và địa hóa học của Trái đất như: thải quá nhiều carbon dioxide, làm a-xít hóa các đại dương, chặt phá tàn bạo rừng nhiệt đới.

“Đợt tuyệt chủng hiện giờ có nguyên nhân lạ lùng của riêng nó: không phải một thiên thạch hay một vụ phun trào núi lửa lớn mà là do ‘một loài phá hoại’,” tác giả viết và trích dẫn lời GS Walter Alvarez, người nổi tiếng với giả thuyết khủng long tuyệt chủng bởi tác động của vụ va chạm giữa một tiểu hành tinh với Trái đất: “Chúng ta ngay lúc này đang chứng kiến cuộc tuyệt chủng quy mô lớn có thể do con người gây ra.”

Đó cũng là lý do vì sao một số nhà khoa học gọi “đợt tuyệt chủng thứ sáu” bằng cái tên tuyệt chủng Holocene hay tuyệt chủng thế Nhân sinh, một thế địa chất mà con người thống trị trên nhiều khía cạnh. Điều này có đáng lo không? Hay chúng ta có thể ung dung bởi con người, bằng sự tài khéo của mình, có thể hóa giải bất cứ thảm họa nào?

Cuốn sách mang đến cho chúng ta sự kinh ngạc và sợ hãi trước những gì con người đã và đang làm với Trái đất, nhưng nó cũng mang đến sự thức tỉnh, sau khi chúng ta được nhìn lại đường đi của sự sống qua nhiều thời đoạn phát triển trên hành tinh của mình.