Các nhà khoa học Úc đã phát triển phương pháp mới để phát hiện sóng địa chấn – sóng S, giúp khẳng định giả thuyết lâu nay cho rằng lõi trong Trái đất là rắn chắc chứ không tan chảy.

Việc chứng minh được rằng nhân Trái đất cứng có thể giúp hiểu rõ hơn cách Trái Đất được hình thành - Ảnh : Flickr

Việc chứng minh được rằng nhân Trái đất cứng có thể giúp hiểu rõ hơn cách Trái Đất được hình thành - Ảnh : Flickr

Theo tạp chí Science, các nhà khoa học Úc đã chứng minh rằng lõi bên trong ở chính giữa Trái đất là rắn chắc. Quan sát hoạt động địa chấn trên khắp hành tinh đã giúp họ hiểu điều này.

Lõi bên trong của Trái đất là phần sâu nhất của hành tinh. Các nhà khoa học tin rằng nhân bên trong đó có hình dạng hình cầu với bán kính khoảng 1.220km. Trước đây, các nhà địa chất từng cho rằng chất bên trong nó không tan chảy, nhưng đến nay, một nghiên cứu do các nhà khoa học Úc tiến hành mới có thể xác nhận lại điều này.

Các nhà khoa học đã chứng minh được như vậy nhờ sự giúp đỡ của một trong những loại sóng địa chấn - sóng S, còn được gọi là sóng trượt. Một trong những đặc điểm của sóng này là chỉ truyền qua các vật thể rắn. Trên đường đi đến bề mặt Trái đất, sóng S bị giảm sút, khiến chúng khó phát hiện bằng cách sử dụng máy đo địa chấn. Do đó, các nhà nghiên cứu đã phát triển một phương pháp mới để phát hiện những cơn sóng này. Họ sử dụng địa chấn kế trên khắp hành tinh, phân tích dữ liệu thu được sau các trận động đất lớn và so sánh chúng theo cặp. Bằng cách kết hợp những dữ liệu này, các nhà địa chấn học đã tìm thấy dấu vết của sóng S, từ đó họ kết luận rằng lõi bên trong của Trái đất rất cứng.

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác tuổi, nhiệt độ bên trong ở nhân Trái đất là bao nhiêu, nhưng theo họ, khoa học sẽ dần dần làm sáng tỏ những bí ẩn đó. Việc chứng minh được rằng nhân Trái đất cứng có thể giúp hiểu rõ hơn cách Trái đất được hình thành.