Các nhà khoa học Mỹ đang rất muốn biết quan điểm cũng như chính sách về khoa học của Donald Trump và Hillary Clinton. Họ vừa lên tiếng kêu gọi hai ứng cử viên tổng thống này công bố quan điểm và chính sách về khoa học trước cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới.

50 nhóm nhà khoa học hàng đầu đại diện cho 10 triệu nhà khoa học Mỹ - trong đó có Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ, Viện Hàn lâm khoa học Mỹ và nhiều tổ chức danh tiếng khác - vừa cùng lên tiếng kêu gọi hai ứng viên tổng thống công bố quan điểm và chính sách về khoa học của mình. Họ đã cùng nêu ra một bảng danh sách câu hỏi thuộc 20 vấn đề như biến đổi khí hậu, tiêm chủng và y tế công cộng…

Ông Obama được đánh giá là Tổng thống Mỹ quan tâm nhiều đến khoa học. Ảnh: Timedotcom
Ông Obama được đánh giá là Tổng thống Mỹ quan tâm nhiều đến khoa học. Ảnh: Timedotcom

“Nói chung, những vấn đề đó có tác động nhiều đến cuộc sống của cử tri hơn là chính sách kinh tế hay chính sách đối ngoại vốn thường được đưa ra làm chủ đề tranh luận của các ứng cử viên tổng thống” - ông Shawn Otto - Chủ tịch Science Debate, một tổ chức khoa học phi lợi nhuận tại Mỹ - cho biết.

Tại nước Mỹ, tổng thống có quyền sử dụng ngân sách liên bang để cung cấp tài chính cho hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng trực tiếp chỉ đạo các cơ quan về khoa học như Cơ quan Bảo vệ môi sinh Mỹ (EPA), Bộ Năng lượng...

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay diễn ra vào thời điểm quan trọng với nhiều vấn đề được cộng đồng khoa học quan tâm. Đơn cử là việc các nhà khoa học về khí hậu cảnh báo vài năm tới đây sẽ là giai đoạn rất quan trọng đối với bất kỳ nỗi lực nào để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu với những hậu quả thảm khốc của nó.

Ứng viên Trump từng gọi biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp và hứa sẽ hủy bỏ việc tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học Mỹ, đây là chuyện nói dễ hơn làm.

“Dưới thời các tổng thống Mỹ trước đây, kinh phí cấp cho khoa học không đồng đều. Những năm 1990 dưới thời Tổng thống George HW Bush và Bill Clinton, Mỹ đã tăng gấp đôi kinh phí tài trợ cho Viện Y tế quốc gia (NIH).

Tuy nhiên, Tổng thống George W. Bush lại tiếp cận theo cách khác khi bổ nhiệm nhiều quan chức có liên quan đến khoa học cho các vị trí then chốt. Về phần mình, Tổng thống Obama đã giải quyết một loạt vấn đề khoa học mặc dù ông không phải là người liên quan nhiều đến lĩnh vực này.

Ngoài việc tập trung chính sách cho kế hoạch năng lượng sạch (Clean Power), Tổng thống Obama cũng khiến người dân Mỹ quan tâm hơn tới khoa học bằng các động thái như tổ chức Hội chợ Khoa học Nhà Trắng…” - ông Otto cho biết.

Việc giới khoa học gửi bảng danh sách câu hỏi đến các ứng viên tổng thống cũng từng xảy ra trong các cuộc bầu cử năm 2008 và 2012. Hiện một số nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách khoa học Mỹ không có cảm tình với Donald Trump vì chính sách về năng lượng và môi trường của ông này.

Mới nhất, hai cựu lãnh đạo của Cơ quan Bảo vệ môi sinh Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch năng lượng của ông Trump.