"Tôi đã từng là một con người", tác giả, cựu biên tập tờ The New Republic, Andrew Sullivan đặt tên cho bài cảm nghĩ làm dậy sóng thế giới mạng hồi cuối năm ngoái về việc Internet, Smartphone, Facebook, báo mạng… đã hủy hoại con người ông như thế nào.

Lụt lội trong biển thông tin giật gân của những đường link, phân tâm liên tục bởi sự đứt đoạn logic của “nồi lẩu thập cẩm” của nội dung trên Internet, không thể dứt khỏi cơn nghiện giải trí đầy ma lực mà các ứng dụng thông minh mang tới, Sullivan hoảng sợ khi thấy mình đang bị mất đi một trong những năng lực căn bản của con người: khả năng duy trì sự tập trung trong một khoảng thời gian dài.

Tuy nhiên, từ trước đó vài năm, tác giả Nicholas G. Carr (ảnh) đã tiên tri về hiểm họa thui chột tư duy bởi Internet trong cuốn sách được đề cử giải Pulitzer mang tên "Trí tuệ giả tạo" (The Shallows: What the Internet Is Doing to Our Brains).

Tác giả Andrew Sullivan.

Chúng ta vẫn nghĩ công cụ là vật vô tri, nghĩa là nó không tác động nhiều đến người sử dụng. Nhưng đây là một quan niệm sai lầm. Khi triết gia Friedrich Nietzsche mua một chiếc máy đánh chữ vì không thể viết tay do thị lực suy giảm, bạn ông nhận thấy phong cách viết của ông dường như kín kẽ và giống điện báo hơn. Nietzsche hồi âm rằng: "Anh đúng đấy, dụng cụ viết lách tham dự vào việc hình thành ý nghĩ của chúng ta".

Vào giữa thế kỉ 20, trong cuốn "Amusing Ourselves to Death" (tạm dịch: Giải trí đến chết), học giả Neil Postman cũng bác bỏ niềm tin ngây thơ rằng chiếc tivi chỉ là một công cụ truyền tải hình ảnh và âm thanh, và lên án thông điệp “giải trí” mà phương tiện tivi thúc đẩy trong quần chúng đã giết chết mọi cuộc thảo luận nghiêm túc từ chính trị đến văn hóa, giáo dục. Năm 2010, Carr đã làm điều tương tự trong “Trí tuệ giả tạo”: Internet đang làm các công dân mạng lười suy nghĩ đi.

Cơ sở khoa học mà Carr áp dụng đến từ khái niệm trong ngành khoa học não bộ gọi là tính mềm dẻo của thần kinh (Neuroplasticity). Trước đây, các nhà khoa học vẫn lầm tưởng rằng một khi đã trưởng thành, bộ não sẽ giống như bình gốm được đưa ra khỏi lò, không thể thay đổi cấu trúc. Nhưng những nghiên cứu vào nửa cuối thế kỉ 20 cho thấy não bộ không bền vững đến thế, mà có thể tự hình thành lại các liên kết thần kinh trong suốt cả cuộc đời.

Phát hiện này mang lại nhiều hứa hẹn về tác dụng của học tập lên khả năng thay đổi các thói quen và hành vi của con người ở cấp độ các liên kết thần kinh. Nhưng tin xấu là chính cơn nghiện ngập báo mạng, Youtube, Facebook, các ứng dụng thông minh… đồng thời cũng có thể tái cấu trúc bộ não của người sử dụng. Chúng ta biến đổi công cụ và công cụ quay trở lại biến đổi chúng ta.

Internet, đặc biệt là Facebook, với sự nhấn mạnh vào sự phân mảnh thay vì liền mạch, vào hình ảnh thay vì văn bản, vào cảm xúc thay vì lý trí, vào tương tác thay vì suy tư, đang góp phần tạo ra những thế hệ "hậu con người" với năng lực tập trung sâu ngày càng tồi tệ. Vậy nên, khi cầm “Trí tuệ giả tạo” lên là không thể lần giở nó quá 15 phút, bạn có thể đoán ra đâu ra thủ phạm rồi đấy!