Vừa qua, tại cuộc tọa đàm “Doanh nghiệp TP HCM cần thêm động lực đổi mới, sáng tạo”đã nổi lên ba vấn đề lớn: đổi mới sáng tạo không phải là động lực nữa, mà đã trở thành áp lực; đã đến thời của “cá nhanh nuốt cá chậm” và làm sao để sống sót thời internet…

Áp lực để thay đổi

Đề tài hội thảo, thật ra không quá mới, vì từ nhiều năm nay, câu chuyện này đã được đem ra nói đi nói lại. Thế nhưng, thời điểm 2018 có vẻ là điểm rơi quan trọng của câu chuyện này, khi mà bàn tròn có đủ mọi thành phần: lãnh đạo công đoàn, lãnh đạo cục hải quan, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp taxi truyền thống, công ty khởi nghiệp đã lên sàn chứng khoán, công ty blockchain và cả những doanh nghiệp rất “xưa” như công ty cán tôn thép… Sự va chạm giữa các luồng ý kiến diễn ra thú vị, và kéo rất dài quá giờ trưa.

Bị… ăn hiếp nhất bởi công nghệ, có lẽ là các doanh nghiệp taxi. Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun nói rằng: “Tính chất sống còn của đổi mới sáng tạo nằm ở nhiều khía cạnh từ quản trị điều hành, kế hoạch kinh doanh. Không DN nào không nhận ra nhưng động lực bên trong, yếu tố nội tại là một vấn đề. Động lực bên ngoài cũng rất cần thiết cho DN. Từ năm 2008-2009, Vinasun đã nghiên cứu ứng dụng CNTT vào hoạt động quản trị và hoạt động kinh doanh của mình nhưng lúc đó cơ sở hạ tầng thời điểm đó rất yếu, mạng chập chờn, chi phí cao. Đến giai đoạn 2012-2014, hạ tầng kỹ thuật đã tốt hơn và chúng tôi cũng nghiên cứu đưa công nghệ vào quản lý. Với taxi, có những điều kiện kinh doanh rất ngặt nghèo từ hộp đen, nhận diện tài xế..., nhưng đến giờ Vinasun cũng đã đáp ứng yêu cầu tính toán chuyến đi, giá cả, tích hợp các yếu tố đồng hồ tính tiền, thẻ nhận dạng tài xế... Ứng dụng này đã được hoạt động khá tốt, cả trí tuệ nhân tạo, Big Data.... Và trong khía cạnh chung như vậy, chúng tôi thấy rằng bản thân các DN Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng hệ thống phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”.

Triển lãm những sản phẩm công nghệ mới. Nguồn: feutech.edu.vn

Cố gắng là vậy, nhưng có lẽ phần thiệt thòi trong câu chuyện taxi, vẫn thuộc về các hãng taxi kinh doanh theo kiểu truyền thống, mà nói như ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Saigon Innovation Hub, là “làm 8 đồng thì ráng bán 10 đồng”. Hay nói như ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, chủ tịch của công ty khởi nghiệp Yeah1 vừa lên sàn chứng khoán, là “thay đổi chưa đủ, phải là đột phá mới có thể làm xoay chuyển cục diện được”.

Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam​ được mời làm người điều phối cuộc thảo luận, cho rằng: “Trên thế giới, nhóm 10 công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất đều ở lĩnh vực công nghệ. Còn ở Việt Nam, nhóm 10 DN lớn nhất là thuộc nhóm ngành bất động sản, ngân hàng... Chúng ta không cần động lực để thay đổi mà phải là áp lực để thay đổi. Công nghệ đóng vai trò quan trọng như vậy nhưng ở Việt Nam, chúng ta gặp rất nhiều rào cản không hẳn là kỹ thuật, giải pháp mà là con người. Rất nhiều DN nói rằng khi họ thay đổi về công nghệ lại gặp khó khăn từ phía nhân lực, con người. Trong khi đó, các DN ở nước ngoài vào Việt Nam họ nói rằng nguồn nhân lực của chúng ta rất thông minh, nhạy bén nhưng các DN trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cạnh tranh thu hút về nguồn nhân lực…”.

Tới chuyện cá nhanh nuốt cá chậm

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống kể về việc ngày xưa, ông mua lại website Yeah1 với giá 4.000 USD, sau 12 năm thì công ty được niêm yết trên sàn với thị giá 400 triệu USD. Ông bảo rằng: “Toạ đàm có chủ đề “Cần thêm động lực để đổi mới, sáng tạo”. Nếu Yeah1 làm, chúng tôi sẽ chuyển thành đột phá đổi mới và bùng nổ sáng tạo! Cách chúng tôi vận hành dựa trên nền tảng công nghệ sâu sắc và tận dụng sự bùng nổ của công nghệ 4.0 để bán sản phẩm ra toàn thế giới. Cách nhìn của chúng tôi là phải đi ra ngoài, đi bán công ty mình, tạo giá trị với nhà đầu tư. Đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) bán thị trường Việt Nam không thể có giá đó. Phải lưu ý internet, nó giải quyết bài toán 7-8 tỉ người chứ không phải thị tường 100 triệu dân như chúng ta”.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM đồng tình với quan điểm này: mô hình kinh doanh và hành vi ứng xử của doanh nghiệp phải khác đi trong bối cảnh ngày nay. “Tôi biết một cô gái trẻ, chỉ kinh doanh online thôi, không có công nghệ gì phức tạp, vẫn có doanh số vượt xa một cửa hàng lớn trên phố tốn kém biết bao nhiêu chi phí. Tôi lại biết một cô gái khác, từ Daklak xuống thuê nhà để ở, phát hiện ra nhiều người mua nhà chung cư để chờ tăng giá, nên thuê lại, sửa sang và cho thuê trên ứng dụng airBnB, mỗi tháng thu về khá nhiều tiền… Tôi thấy có đại diện cục Hải quan ngồi đây, nên thử làm một phép toán. Ở Tân cảng, nếu dùng công nghệ gì đó, đơn giản thôi, tiết kiệm thời gian 1 phút cho một container hàng hóa, thì với 7 triệu container mỗi năm sẽ tạo dư dôi ra… 14 năm làm việc”.

Theo ông Tuấn, yếu tố sáng tạo sẽ đẩy mạnh cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai. “Tôi muốn nhắc lại đổi mới hay là chết? Trước đây, tư duy là “cá lớn nuốt cá bé”, nay là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Không nhanh là chết.

Và khi mà ông Quế Vinasun nhắc lại việc ông mong muốn chính phủ yêu cầu các công ty taxi công nghệ phải đặt máy chủ ở Việt Nam, thì đúng là “không nhanh là chết”.

TP.HCM nỗ lực cho đổi mới sáng tạo

TP.HCM đã có rất nhiều chương trình, chính sách tạo động lực đổi mới sáng tạo, nhưng phải có thêm các động lực thay đổi. Có người nói là chính sách, đất đai, vốn, công nghệ, nguồn nhân lực... Với 5 chương trình hỗ trợ cho DN về nghiên cứu, phát triển (R&D), sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, có chuyên gia, tư vấn đưa ra xu hướng trên thế giới... cho DN đổi mới. Có chương trình nâng cao năng suất, chất lượng hội nhập; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, bảo vệ trí tuệ... Nhưng tất cả chưa tới được với DN nhiều lắm và cần có chính sách hỗ trợ đến được với DN nhiều hơn.

Mặc dù chương trình đổi mới sáng tạo còn non trẻ nhưng động lực phải từ DN. Động lực là lợi nhuận mà muốn có động lực thì phải đổi mới. DN có thể tiếp cận với chúng tôi để nhận được hỗ trợ. Chúng tôi cũng đã tổ chức 16 cuộc thi khác nhau để chọn ra những ý tưởng. Không phải chỉ đổi mới sáng tạo trong DN mà cả sở ngành, quận huyện cũng phải có các chương trình.

Ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM