Giống cây trồng được bảo hộ là giống được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.

Tính khác biệt: Giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.

Giống cây trồng được biết đến rộng rãi là giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ; giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc đưa vào danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào; giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ hoặc đơn đăng ký vào danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.

Nguồn: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới.
Nguồn: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới.

Tính đồng nhất: Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.

Tính ổn định: Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.

Tính mới: Giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký 1 năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký 6 năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nho, 4 năm đối với giống cây trồng khác.

Tên giống phù hợp: Tên của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự.

Tên của giống cây trồng không được coi là phù hợp trong các trường hợp sau: Chỉ bao gồm các chữ số, trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó; vi phạm đạo đức xã hội; dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính của giống đó; dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả; trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng; ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.

Tổ chức, cá nhân chào bán hoặc đưa ra thị trường vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống cây trồng như tên đã ghi trong bằng bảo hộ, kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ. Khi tên giống cây trồng được kết hợp với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại hoặc các chỉ dẫn tương tự với tên giống cây trồng đã được đăng ký để chào bán hoặc đưa ra thị trường thì tên đó vẫn phải có khả năng nhận biết một cách dễ dàng.

Đối với những loài mới chưa có tên trong danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ, Luật SHTT quy định, khi có nhu cầu, người nộp đơn có thể yêu cầu bổ sung loài mới vào danh mục loài cây trồng được bảo hộ tới Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT. Dựa vào năng lực thực tế, văn phòng có thể đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung vào danh mục loài cây trồng được bảo hộ.

Theo quy định của Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), 10 năm sau khi gia nhập UPOV - tức là năm 2016, Việt Nam chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ tất cả các loài cây trồng, nghĩa là không còn danh mục trên.

Khung pháp lý về bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam

Năm 2004, Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, trong đó chương 4 về bảo hộ giống cây trồng là chương quan trọng.

Năm 2006, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực (luật số 50/2005/QH11) là một trong những điều kiện quyết định đưa Việt Nam trở thành thành viên thứ 63 của Công ước UPOV.

Năm 2009, để nâng cao hiệu quả bảo hộ giống cây trồng, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (luật số 36/2009/QH12).

Đến nay, phần 4 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam về cơ bản tương thích với Công ước UPOV.

Nguồn: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới