Các nhà khoa học phát hiện hoạt động đánh bắt cá thương mại hiện nay đang chiếm hơn một nửa diện tích đại dương, gấp 4 lần diện tích nông nghiệp trên đất liền.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế bao gồm các nhà khoa học biển và chuyên gia của Google phát hiện hoạt động đánh bắt cá thương mại hiện nay chiếm 55% diện tích đại dương trên Trái Đất – gấp 4 lần diện tích nông nghiệp trên đất liền, theo IFL Science. Họ cuối cùng đã định lượng được quy mô của ngành công nghiệp đánh bắt cá và thấy rằng nó không bền vững. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science hôm 23/2.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy những khu vực trên đại dương chứa hầu hết các tàu đánh cá (màu xanh). Ảnh: Science.
Dữ liệu vệ tinh cho thấy những khu vực trên đại dương chứa hầu hết các tàu đánh cá (màu xanh). Ảnh: Science.

Để tạo ra bản đồ đường di chuyển của các thuyền đánh cá, nhóm nghiên cứu sử dụng một nguồn dữ liệu mới, đó là dữ liệu định vị tàu biển bằng vệ tinh. Họ phân tích 22 tỷ tín hiệu từ hệ thống nhận dạng tự động (AIS) của hơn 70.000 tàu đánh cá được gửi từ năm 2012 – 2016. AIS tự động theo dõi vị trí, tốc độ, hướng di chuyển của tàu sau mỗi vài giây, giúp những con tàu tránh va chạm với nhau.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các điểm nóng đánh bắt cá ven biển ở châu Âu, Nam Mỹ, Đông Á, vùng tây bắc Thái Bình Dương và châu Phi được xác định là khu vực có sự di chuyển của tàu thuyền nhiều nhất. Các đội tàu từ Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm hơn 85% tổng số tàu đánh bắt cá trên biển.

Theo dữ liệu vệ tinh, một số khu vực ở đại dương dường như không có hoạt động đánh bắt cá đáng kể, tuy nhiên các tác giả lưu ý rằng phát hiện này có thể là do có số lượng kết nối AIS khá nghèo nàn. Bằng cách sử dụng thông tin từ các vùng lân cận có phủ sóng vệ tinh, nhóm nghiên cứu ước tính rằng, phạm vị của hoạt động đánh bắt cá công nghiệp thực sự chiếm khoảng 73% diện tích đại dương.

Điều này cho thấy, nhiều vùng biển rộng lớn có thể được coi là khu bảo tồn biển cần phải bảo vệ. Tại đó, các khu dự trữ thủy sản cạn kiệt có khả năng được hồi phục mà không làm giảm nguồn cung cấp ở hiện tại.

Một quan sát thú vị từ nghiên cứu này là hoạt động đánh bắt cá bị chi phối bởi lịch trình của ngư dân nhiều hơn so với những thay đổi trong giá cá thủy sản hoặc lượng cá trên biển.

"Chúng tôi thấy rằng, các mô hình đánh cá toàn cầu ít bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi về kinh tế và môi trường trong thời gian ngắn hạn, nhưng bị chi phối mạnh mẽ bởi những sự kiện văn hoá và chính trị, chẳng hạn như ngày nghỉ lễ", nhóm nghiên cứu cho biết.