Việc gọi vốn nói chung và Due diligence (thẩm định doanh nghiệp) nói riêng từ lâu là câu chuyện dài kỳ giữa startup và nhà đầu tư. Chương trình Shark-tank là ví dụ điển hình cho sự cẩn trọng của các nhà đầu tư trong Due diligence, rà soát tính khả thi những tiêu chí mà startup hứa hẹn trên sóng truyền hình, trước khi nhà đầu tư quyết định rót vốn.

Trên show truyền hình là vậy, thực tế bên ngoài về due diligence lại rất đa dạng, ở đó cả startup và nhà đầu tư rất dễ thất bại nếu như không thật sự khôn ngoan. Hai câu chuyện sau đây sẽ làm nổi bật lên vấn đề trên cũng như rút ra những bài học cho mỗi bên.

Take eat easy - Gọi vốn thất bại dù được thị trường đánh giá là công ty đầy tiềm năng

Ngày 26/07/2016, công ty Take eat easy, một startup về mảng vận chuyển thức ăn có mặt tại Bỉ, Anh, Pháp và nhiều nước khác trên thế giới tuyên bố phá sản ngay khi vừa đạt được số lượng khách hàng lên đến 1 triệu người. Lý do khiến một startup tiềm năng như vậy phải dừng lại vì những khó khăn gặp phải trong việc gọi vốn Series C dù những vòng gọi vốn trước đó đã nhận được 16 triệu euro. Cụ thể là công ty này đã bị từ chối bởi tổng cộng 114 nhà đầu tư, mặc dù cuối cùng có một công ty đầu tư của Pháp đã đề nghị bản điều khoản cho 30 triệu Euro, sau 3 tháng due diligence chuyên sâu, hội đồng quản trị của công ty này cũng từ chối và rút lại những đề nghị của họ.

Qua câu chuyện trên cho thấy những nhà đầu tư đã thấy được một lỗ hổng khổng lồ khi thẩm định doanh nghiệp khiến họ từ chối startup này. Thứ nhất, Take eat easy bị sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ như UberEATS, Deliveroo và Delivery Hero’s Foodora tại thời điểm lúc đó. Việc những đối thủ này được nhiều VCs (Venture capital- quỹ đầu tư mạo hiểm) tài trợ đã làm giảm sự thu hút của Take eat Easy trong mắt nhà đầu tư. Vì vậy, để tăng sức cạnh tranh, công ty này giảm mạnh giá bán, trong khi chi phí lại cao, khiến doanh thu dù ổn định nhưng không đủ để vận hành công ty.

Bài học rút ra:

Vì quá trình rót vốn cho một startup có thể ràng buộc khoản tiền đầu tư của các VCs trong nhiều năm, nên việc due diligence cẩn thận và chuyên sâu sẽ giúp các VCs phát hiện ra những những startup có tương lai rõ ràng, có lợi nhuận ổn định và có điểm khác biệt so với đối thủ khác trên thị trường từ đó ra quyết định đầu tư với các starup thật sự có khả năng. Ngoài ra, trong bất kỳ due diligence nào, các VCs luôn nghĩ đến việc thoái vốn (exit) trong tương lai, vì vậy một công ty không đảm bảo tiềm năng thoái vốn của nhà đầu tư sẽ dễ dàng bị loại trong vòng gọi vốn.

Bên cạnh đó, việc gọi vốn dài kỳ và dai dẳng tiêu tốn hàng tá thời gian của founders vì nó trở thành mục tiêu hàng đầu trong tâm trí của họ, khiến họ không tập trung vào việc phát triển công ty. Điều đó là một sai lầm cực kỳ lớn mà các founders nên tránh khỏi.

CEO của Theranos từng được báo chí ca ngợi là “Steve Jobs tiếp theo”. Ảnh: INC magazine

Theranos - Gọi vốn thành công nhờ lừa đảo

Chắc hẳn rất nhiều người đã biết về Theranos, startup về công nghệ thử máu của nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Mỹ, Elizabeth Holmes được định giá 9 tỷ USD. Tầm nhìn và chiến lược của nữ tỷ phú này đã khiến cho cô xuất hiện trên rất nhiều tạp chí lớn và trở thành một trong những nhà lãnh đạo nữ hàng đầu.

Theo thống kê của Crunchbase, nền tảng về dữ liệu thông tin của các công ty hàng đầu thế giới, Theranos đã trải qua ít nhất 10 vòng gọi vốn với số vốn huy động được lên đến 1,4 tỷ USD. Đang trên đà dẫn đầu, năm 2015, Theranos bị các nhà khoa học cáo buộc về độ tin cậy và tính trung thực của công ty này bởi đã tạo ra kết quả máu thử sai lệch cho bệnh nhân. Việc này đã dấy lên câu hỏi về tính xác thực của công nghệ mà công ty đã quảng cáo trên thị trường và khiến cho công ty này dính líu vào hàng loạt các vụ kiện tụng pháp lý từ các nhà thẩm định y tế và các nhà đầu tư, những người đã tin tưởng bỏ hàng tỷ đô cho công ty này.

Có thể nói câu chuyện về Theranos là một minh chứng hùng hồn của sự qua loa khi thẩm định doanh nghiệp trước khi đầu tư, nói cách khác các nhà đầu tư đã bỏ sót phần quan trọng nhất quyết định sự thành bại của việc gọi vốn này, đó là kiểm chứng tính khả thi của công nghệ hiện hữu. Dựa trên báo cáo của các phương tiện truyền thông, những nhà đầu tư vào công ty Theranos có rất ít chuyên môn về lĩnh vực y sinh học, phần lớn trong số họ là những tay chơi chính trị lớn của nước Mỹ. Vì sự thiếu chuyên môn này, Theranos dễ dàng qua mặt các nhà đầu tư khi cam đoan những bí mật về công nghệ của họ đang dẫn đầu trên thị trường.

Bài học rút ra:

Thứ nhất, việc thẩm định doanh nghiệp một cách qua loa sẽ dẫn đến những sai lầm chết người cho các nhà đầu tư. Họ chỉ nên góp vốn cho một startup khi nắm rõ được tính hiệu quả của công nghệ mà startup đó đang sử dụng.

Thứ hai, các founders là người có khả năng thuyết phục các nhà đầu tư tin vào tiềm năng và tầm nhìn của họ bằng bất cứ giá nào kể cả việc xây dựng nên những câu chuyện khoa học viễn tưởng. Vì vậy, nhà đầu tư càng nên có lập trường vững vàng và thận trọng khi thẩm định doanh nghiệp tránh việc tin vào những lời nói dối của các founders.

Thứ ba, sự thành công của những vòng gọi vốn trước không phản ánh độ tin cậy của startup trong vòng gọi vốn hiện tại. Mỗi nhà đầu tư nên có những chiến lược riêng để thẩm định doanh nghiệp, phù hợp với mục tiêu và các tiêu chí đầu tư mà mình đã đưa ra.

Qua hai trường hợp nói trên, có thể thấy được thẩm định doanh nghiệp là công cụ để đảm bảo sự thành công của một mối quan hệ hai chiều giữa startup và nhà đầu tư. Khi thẩm định doanh nghiệp một cách kỹ lưỡng, các nhà đầu tư có thể dễ dàng lọc ra được những startup có tiềm năng, đào thải những startup yếu kém. Ngược lại việc thẩm định qua loa, không cẩn thận và rót vốn quá đà không chỉ làm hại nhà đầu tư mà còn dẫn đến những thất bại của những startup trong tương lai.

Nói điều trên để cho thấy, trong những thương vụ đầu tư, nhằm đảm bảo sự khởi đầu mối quan hệ lâu dài giữa hai bên, bất kể là startup hay nhà đầu tư cần có những chiến lược rõ ràng, dựa vào tiềm lực thật của bản thân, tránh bị hoa mắt trước sức mạnh của đồng tiền, mà chạy theo những mục tiêu quá tầm với.