Hiện, địa phương nào cũng có một dự án mang tên “Thành phố thông minh”. Cụm từ “thành phố thông minh” có lẽ có sức hút đặc biệt, với lãnh đạo các thành phố, các sở thông tin truyền thông và quan trọng nhất, những đơn vị chuyển giao công nghệ.

Tại hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ - Meet the USA” do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ và thành phố Đà Nẵng tổ chức tuần qua, 7 thành phố khu vực miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định cũng dành một không gian rộng lớn để bàn về Thành phố thông minh.

Giữa những câu chuyện về công nghệ, những ứng dụng mới nhất của khoa học máy tính, cảm biến và phần mềm để mang lại tiện ích tốt hơn cho việc vận hành thành phố, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã giơ tay phát biểu, góp một góc nhìn khác về câu chuyện này: Vị trí của việc bảo tồn nằm ở đâu trong những dự án thành phố thông minh?

Ông bảo: “Tôi ngồi nghe nãy giờ, thấy rất nhiều công nghệ, giải pháp hay. Nhưng trong những phương án về đô thị thông minh, không thấy cụm từ di sản, bảo tồn. Tôi thấy các tỉnh miền Trung, vốn có tốc độ đô thị hóa chậm hơn Hà Nội và TP.HCM, lại là vùng đất có nhiều di sản văn hóa, nên cân nhắc thật kỹ vấn đề này. Tôi xin hỏi những diễn giả Hoa Kỳ, nơi không có lịch sử hàng nghìn năm, nhưng có các đô thị bảo tồn, nhất là bảo vệ hệ sinh thái, môi trường rất tốt, đặc biệt là các di sản. Tôi cũng thấy ở nhiều quốc gia rất phát triển, hiện đại và giàu có, thì luôn dành một khoảng không gian quan trọng cho các nét tâm hồn của mình. Tôi cũng thấy nhiều sáng kiến của các quốc gia phát triển luôn hướng về việc bảo vệ các di chỉ văn hóa, các dấu ấn lịch sử ở các quốc gia nghèo. Tôi tin là có lý do chính đáng để làm như vậy. Do đó, tôi muốn hỏi việc bảo tồn di sản, di tích, văn hóa lịch sử, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên đóng vai trò như thế nào, tương thích như thế nào trong những dự án thành phố thông minh mà mọi người đang bàn luận rất sôi nổi. Nếu không có kế hoạch rõ ràng, chúng ta sẽ có nhiều đô thị thông minh nhưng mà đó chỉ là những “robot city” - thành phố của những người máy, chứ không phải đô thị dành cho con người, không có diện mạo của hai chữ đô thị. Chúng ta rất dễ thấy, ở một số nơi, chẳng hạn TP.HCM, có những mảnh quá khứ, tâm hồn của đô thị đang bị xóa dần đi, đập bỏ đi không thương tiếc, làm mất đi bản sắc, sự đặc trưng của một đô thị có hàng trăm năm bồi đắp văn hóa mà nên. Chúng tôi đi sau, chúng tôi muốn quý vị giúp cho cái ý này, để làm sao chúng ta thông minh hơn, chúng ta con người hơn, chúng ta thiên nhiên hơn và chúng ta bền vững hơn”.

Viễn cảnh thành phố thông minh. Ảnh: Business Insider UK

Một lãnh đạo của USAID - tổ chức hỗ trợ phát triển của Mỹ, phản hồi: “Trước khi tới Việt Nam, tôi làm ở sứ quán Mỹ ở Hàn Quốc và có dịp dự một hội thảo về thành phố toàn cầu với những quan ngại như vậy: làm sao để ứng dụng công nghệ cao mà vẫn bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử. Mọi người đã nói rất nhiều về một từ khóa duy nhất: sự cân bằng. Tất nhiên vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho việc thế nào là sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, nhưng tôi tin rằng đó là một việc mà các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách cần phải cân nhắc rất cẩn trọng”.

Ông Trần Sỹ Chương, một nhà đầu tư người Việt từ Mỹ, thì chia sẻ ngắn gọn: “Thành phố thông minh, cần có một xã hội thông minh, nghĩa là phải có cuộc sống đẹp. Trong đó, thì phải có văn minh và văn hóa. Và nó phải nằm trong một chiến lược phát triển tổng thế chứ không phải là một vấn đề chuyên môn của một ngành công nghệ thông tin được”.

Phát triển đô thị hay phát triển con người?

Đoạn phản biện thú vị này ở Đà Nẵng, làm nhớ đến những phân tích của kiến trúc sư Phó Đức Tùng, một nhà nghiên cứu ở Đức về đô thị thông minh mà ông đăng tải trên Facebook của mình: “Trên thế giới có rất nhiều định nghĩa về khái niệmđô thị thông minh, mà không có một định nghĩa thống nhất cuối cùng. Đó chính là vì cái được coi là thông minh đối với đô thị này hoàn toàn có thể không phải là thông minh đối với đô thị khác. Quan điểm thông dụng nhất bây giờ cho rằng đô thị thông minh là đô thị mà yếu tố kỹ thuật số (yếu tố ảo), kỹ thuật 4.0 được ứng dụng ở mọi nơi, mọi lĩnh vực”.

Ông cho rằng, bản thân công cụ, công nghệ 4.0 không thông minh, nó chỉ như con dao sắc. Thông minh hay không phụ thuộc vào việc nó được sử dụng như thế nào để giải quyết những vấn đề của đô thị trong từng trường hợp cụ thể. Đều gọi là đô thị, nhưng về bản chất, có nhiều loại vấn đề đô thị rất khác nhau. Vì vậy, không có một công thức chung, phổ quát nào thông minh cho tất cả các đô thị.

“Một trong những vấn đề cốt lõi nhất quyết định chiến lược về đô thị thông minh là mức độ thông minh của người thị dân. Mức độ này khác nhau rất xa giữa các vùng khác nhau trên thế giới, và từ đó quyết định đến những chiến lược rất khác nhau. Mức độ thông minh này có nhiều nguồn gốc, từ nòi giống, tới văn hoá, lịch sử, giáo dục v.v. Không dễ gì để nâng mức thông minh của người dân, trong khi đó, việc thực hiện những giải pháp kỹ thuật dễ hơn rất nhiều. Nhưng nói chung, đô thị khó có thể và cũng không nên thông minh hơn người dân của nó, như đã được phân tích về những nguy cơ mà công nghệ 4.0 có thể mang lại nếu người dân không đủ độ thông minh để thích ứng với nó, chứ chưa nói là để làm chủ được nó” - phải chăng có thêm một câu hỏi về sự phát triển con người, giáo dục đào tạo được đặt ra nữa trong tổng thể cái gọi là “chiến lược thông minh hóa đô thị?”.

Xin khép lại, bằng một cuộc trò chuyện với những đơn vị phát triển công nghệ trên toàn thế giới về dự diễn đàn Thành phố thông minh do tổ chức MBI - thành viên ngân hàng phát triển Châu Á ADB tổ chức. Ở đó, họ đồng tình với nhau rằng, đô thị thông minh, chính là đô thị làm cho con người được phát triển nhiều hơn, và được gần nhau hơn.