Để Việt Nam phát triển bứt phá về KH&CN, GS-TS Phan Văn Tân cho rằng các nhà khoa học khi ra quyết sách nhất thiết phải lựa chọn ưu tiên, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Có thể thấy rõ hiệu quả của chiến lược này từ thực tế làm giàu của Hàn Quốc.

Giáo sư - tiến sỹ Phan Văn Tân - Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ảnh: P.N

Những năm 70 thế kỷ trước, Hàn Quốc là một nước nghèo. Khi nhận được khoản tiền bồi thường lớn từ Nhật Bản (do những hậu quả mà thực dân Nhật Bản gây cho Hàn Quốc trước đó), lãnh đạo nước này đã quyết định không chia đều cho người dân mà dành cho việc tái thiết đất nước, tạo bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế. Một nhóm nhà khoa học được giao nhiệm vụ xác định thế mạnh của Hàn Quốc là gì. Câu trả lời của họ là thép.

“Hàn Quốc đã đầu tư mạnh cho ngành thép từ khoản tiền bồi thường đó và bây giờ thép Hàn Quốc nổi tiếng thế giới. Điều đó cho thấy, phải có ưu tiên khi đầu tư cho khoa học phục vụ phát triển kinh tế; cùng một lúc dàn hàng ngang là thất bại” - GS-TS Phan Văn Tân nhấn mạnh.

Hàn Quốc hiện là “cường quốc” thép thế giới. Ảnh: Ibtimes.co.uk

Chuyên gia này cũng phân tích hậu quả của cách đầu tư xé lẻ, dàn trải đối với những việc có thể giải quyết tổng thể: “Có thể lấy ví dụ về tình trạng xói lở dọc bờ biển Việt Nam. Bản chất xói lở bờ biển của mỗi vùng có thể khác nhau, nhưng nguyên lý thì gần như giống nhau. Vậy tại sao chúng ta không thể đầu tư một cách trọn vẹn để giải quyết vấn đề này một cách tổng thể, mà lại chặt ra nơi này làm một đoạn, nơi khác làm một đoạn. Tất cả cộng lại là cả một khối tiền lớn, cục tiền lớn đó lại giống như một bì khoai tây đổ một cái là tràn ra, không có cái nào dính vào cái nào. Đó chính là hạn chế”.

Để khoa học đóng góp hiệu quả hơn nữa vào việc phát triển kinh tế, xã hội, GS Tân cho rằng có 2 cách tiếp cận trong việc ra quyết sách: “Cách thứ nhất là top-down - nghĩa là người lãnh đạo phải có tầm nhìn vĩ mô, đủ giỏi để biết rằng trong giai đoạn này Nhà nước cần đầu tư vào đâu, KH&CN cần gì. Nhà nước cần gì thì đặt hàng từ A đến Z, như ta vẫn thường nói là khoán hẳn đến khâu cuối.

Cách thứ hai là bottom-up - tức tập hợp tất cả ý kiến của các nhà khoa học, sau đó lập một hội đồng đứng ra xét xem các giải pháp được đưa ra có xứng đáng triển khai hay không và khi xác định thì đầu tư đến nơi đến chốn, vậy mới giải quyết được vấn đề”.