Chủ động được nguồn vắcxin cúm gia cầm A/H5N1 hay vắcxin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn, nghiên cứu thành công robot 5 bậc tự đào tạo dùng trong nghiên cứu, giảng dạy... là 3 trong nhiều dấu ấn của các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo các nhà khoa học, điều đó cho thấy nếu được quan tâm đầu tư, sản phẩm trong nước sẽ có chất lượng tương đương và giá thành rẻ hơn hàng ngoại.

Những đặt hàng từ thực tế

Nhắc lại sự xuất hiện lần đầu tiên của dịch cúm gia cầm A/H5N1 năm 2003 gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho ngành chăn nuôi, tiến sỹ (TS) Trần Xuân Hạnh - Phó Giám đốc Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương (Navetco) nói: “Thời gian đầu, tất cả vắcxin phòng bệnh này đều nhập ngoại. Bên cạnh việc tốn một lượng lớn ngoại tệ, chúng ta còn hoàn toàn bị động về số lượng, chất lượng và thời gian cung ứng do phụ thuộc nguồn cung bên ngoài”.

Trước sự cấp thiết đó, Bộ KH&CN đã lựa chọn Navetco chủ trì dự án “Công nghệ sản xuất vắcxin cúm gia cầm A/H5N1”, thuộc chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Áp dụng kỹ thuật di truyền ngược để tạo chủng virút và 2 công nghệ sản xuất vắcxin tiên tiến là dùng phôi gà và tạo nhũ, chúng tôi đã tạo ra vắcxin phòng cúm gia cầm A/H5N1.

Thu hoạch virút từ quả trứng để sản xuất vắcxin phòng cúm gia cầm A/H5N1 tại Công ty Navetco. Ảnh: NV

Ở lĩnh vực robot, ông Lê Anh Kiệt - Giám đốc Công ty TNHH chế tạo máy A.K.B (TPHCM) - cũng từng trăn trở: “Theo khảo sát về đào tạo tự động hóa và robot trong nước, tỷ lệ đầu tư thiết bị dạy học công nghệ như robot rất thấp. Nhiều trường đào tạo về robot nhưng sinh viên ít được thực hành trên robot thật. Rất ít trường có mô hình robot hoạt động tốt. Có trường chi hàng trăm triệu đồng mua robot, nhưng khi hỏng thì “đắp chiếu” vì không có linh kiện”.

Thực tế đó là động lực để ông Kiệt nghiên cứu sản xuất robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy với mục tiêu nội địa hóa tối đa các linh kiện, sản xuất ở mức giá thấp nhất. Nghiên cứu được tuyển chọn để nhận hỗ trợ kinh phí từ chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

Thay thế hàng ngoại, vươn ra thế giới

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, Công ty A.K.B đã chế tạo thành công robot 5 bậc với tỷ lệ nội địa hóa 95%, giá bằng 1/2 hàng ngoại. Ông Kiệt cho biết: “Giá mỗi robot khoảng 200 triệu đồng. Khác với robot đào tạo của các hãng nước ngoài, sản phẩm này cho phép tháo lắp, hệ điều khiển thông qua giao diện người dùng. Với mỗi nhiệm vụ, sinh viên có thể tương tác với hệ thống qua phím điều khiển, nhập dữ liệu hoặc lập trình và giám sát kết quả trên máy tính. Hệ thống điều khiển robot này có thể ứng dụng trong công nghiệp với khả năng kết nối vào dây chuyển sản xuất, điều khiển PLC qua các ngõ In/Out của robot”.

Đến nay, robot 5 bậc tự do đã được nhiều trường và công ty sử dụng trong giảng dạy và sản xuất...

Tương tự, vắcxin cúm A/H5N1 của Navetco đã thay thế hoàn toàn hàng ngoại, đáp ứng chính xác nhu cầu trong nước về số lượng, chất lượng và thời gian cung ứng. TS Hạnh chia sẻ, làm chủ được công nghệ nuôi cấy virút cúm trên trứng gà có phôi và công nghệ tạo nhũ chính là điểm quyết định thành công của đề tài.

Sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng tương đương các nước ASEAN và tiệm cận các nước có trình độ sản xuất vắcxin tiến tiến trên thế giới. “Do phối trộn 2 chủng virút nên vắcxin có phổ tác dụng rộng đối với các biến chủng của virút H5N1 và H5N6, nghĩa là một mũi tiêm có thể phòng nhiều biến chủng” - ông Hạnh nói.

Thiết bị nâng - hạ cỡ lớn - một sản phẩm của chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia - được sử dụng tại Nhà máy thuỷ điện Sơn La. Ảnh: M.Tuấn

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nội địa, các chương trình KH&CN quốc gia còn tạo ra những sản phẩm đủ điều kiện xuất ngoại, như thiết bị truy nhập wifi dựa trên nền điện toán đám mây do tập đoàn VNPT sản xuất, thuộc chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

Nhờ làm chủ được công nghệ, VNPT đã cung cấp giải pháp wifi toàn diện cho khách hàng, điển hình như hệ thống wifi được thử nghiệm tại hồ Gươm, chùa Hương (Hà Nội), Hà Giang, Lào Cai... và một số trường đại học. Chủ nhiệm đề tài Phạm Hùng Mạnh tiết lộ: “VNPT đã xuất khẩu trang thiết bị và công nghệ này ra Myanmar, Indonesia... Đây là bước đệm quan trọng để tập đoàn chinh phục thị trường các nước với nhiều sản phẩm và giải pháp công nghệ khác”.

Tạo đà cho nhiều nghiên cứu mới

TS Trịnh Đình Thâu - Trưởng khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vắcxin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn (PRRS) ở Việt Nam” - cho rằng: “Để các đề tài tạo ra được sản phẩm đóng góp nhiều cho xã hội, Nhà nước cần có chính sách và kinh phí đầu tư đúng. Ở góc độ sản xuất vắcxin phòng bệnh cho vật nuôi, các nghiên cứu trọng điểm cần được quan tâm khi hiện nay đa số vắcxin phải nhập khẩu”.

TS Trịnh Đình Thâu.
TS Trịnh Đình Thâu.

Từ thành công của đề tài do mình chủ trì, TS Thâu khẳng định: “Các nhà khoa học Việt Nam có đủ trình độ tạo ra sản phẩm không thua kém thế giới. Do đó, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cần kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Nhờ có kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học sẽ sớm tạo ra sản phẩm không chỉ phục vụ trong nước mà còn có khả năng hòa nhập với cộng đồng nghiên cứu quốc tế”.

Đồng tình với TS Thâu, TS Trần Xuân Hạnh khẳng định, việc được đầu tư dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại và công suất lớn giúp Navetco đủ năng lực sản xuất vắcxin cúm A/H5N1 ở quy mô công nghiệp, tạo tiền đề cho xuất khẩu. Thành công của kỹ thuật tạo nhũ là cơ sở để áp dụng nghiên cứu sản xuất các loại vắcxin nhũ dầu khác của ngành thú ý.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Phạm Hùng Mạnh cho biết, công trình nghiên cứu sản xuất thiết bị truy nhập wifi là nền tảng quan trọng để VNPT tiến hành các nghiên cứu mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ truyền tải băng thông tốc độ cao như game, video 4K qua wifi ngày một lớn. “VNPT đang nghiên cứu phát triển các công nghệ tối ưu hiệu năng cho thiết bị dựa trên nền tảng công nghệ wifi chuẩn N và AC. Thời gian tới, VNPT sẽ phát triển và sản xuất các thiết bị tích hợp những công nghệ mới như 802.11ad, 802.11ax”.