Ngày 29/12, thông tin từ lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, Đài thiên văn Nha Trang đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước triển khai đào tạo nhằm thúc đẩy các hoạt động phổ biến kiến thức về KH&CN vũ trụ phục vụ cộng đồng.

Trước đó ngày 27/12, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) đã bình chọn sự kiện Đài thiên văn Nha Trang đi vào hoạt động là một trong những sự kiện khoa học công nghệ nổi bất nhất năm 2017.

Khởi công xây dựng từ năm 2015, Đài thiên văn Nha Trang thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) được đặt tại Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa) là một trong hai Đài thiên văn được đầu tư xây dựng trong khuôn khổ dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Tháng 9/2017, Đài Thiên văn Nha Trang chính thức đi vào hoạt động. Đài thiên văn thứ hai đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018.

Đài thiên văn Nha Trang
Đài thiên văn Nha Trang.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, Đài thiên văn Nha Trang đã triển khai các buổi trình chiếu biểu diễn về những bộ phim chân thực, ấn tượng với nhà chiếu hình vũ trụ.

Các khách mời đã được tham quan và chứng kiến sự vận hành của kính thiên văn đường kính 0,5 mét lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, đội tuyển Việt Nam tham dự cuộc thi Olympic quốc tế thiên văn học và vật lý thiên văn năm 2017 đã được tập huấn trong thời gian 1 tuần tại Đài trước khi đi thi. Đây là lần thứ hai Việt Nam cử đội tuyển tham gia cuộc thi này.

Cuộc thi Olympic thiên văn năm nay được tổ chức tại Thái Lan thu hút sự tham gia của 44 quốc gia. Trong cuộc thi này, đội tuyển Việt Nam (gồm 5 học sinh của Trường PTTH Hà Nội – Amsterdam) đã xuất sắc giành 2 huy chương bạc và 2 giải khuyến khích.

Đây là cuộc thi quan trọng nhất trong lĩnh vực thiên văn học và vật lý thiên văn dành cho lứa tuổi trung học phổ thông.

Hiện trên phạm vi cả nước chúng ta chưa có đài thiên văn nào hiện đại, quy mô phục vụ nghiên cứu khoa học, cũng chưa có nhà chiếu hình vũ trụ nào để phổ biến, truyền bá những kiến thức về khoa học vũ trụ cho thế hệ trẻ, kích thích niềm đam mê của các em. Do đó, việc xây dựng Đài thiên văn Nha Trang sẽ là khởi đầu quan trọng để thế hệ trẻ hiểu về khoa học vũ trụ và hình thành niềm đam mê với lĩnh vực này. Thế hệ trẻ đam mê khoa học vũ trụ sẽ là lực lượng đóng góp vào sự phát triển của ngành khoa học vũ trụ của Việt Nam sau này” - PGS.TS Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Thời gian tới, Đài thiên văn Nha Trang sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nướcđể tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và thúc đẩy các hoạt động phổ biến kiến thức về khoa học và công nghệ vũ trụ phục vụ cộng đồng.

Cơ sở vật chất chính của Đài thiên văn Nha Trang bao gồm một kính thiên văn quang học đường kính 0,5 m, một nhà chiếu hình vũ trụ 60 chỗ ngồi, và một phòng trưng bày vũ trụ diện tích 200 m2.

Cụ thể, kính thiên văn đặt tại Đài có cấu trúc dẫn động đồng bộ với mái vòm điều khiển tự động, được trang bị một máy ghi nhận hình ảnh chuyên dụng và một bộ phân tích phổ chất lượng cao.

Một số nghiên cứu có thể được thực hiện với kính và thiết bị đi kèm gồm: quan sát sao biến quang, từ đó có thể nghiên cứu tính chất của khí quyển; đo phổ vạch từ các ngôi sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao; đo vận tốc xuyên tâm của sao chủ để tìm kiếm ngoại hành tinh; đo tốc độ quay của một số hành tinh; nghiên cứu hình thái của các thiên hà; tìm kiếm thiên thể gần Trái đất, tìm kiếm siêu tân tinh, hay phát xạ quang đi kèm với những bùng phát vô tuyến nhanh, v.v.

Nhà chiếu hình vũ trụ đường kính 9m được thiết kế với màn hình dạng mái vòm. Những hình ảnh cũng như những thước phim được trình chiếu lên màn hình vòm này bởi hệ thống 6 máy chiếu độ phân giải cao tạo hiệu ứng 3D, mang đến trải nghiệm chân thực về không gian-vũ trụ và các vì sao. Nhà chiếu hình là công cụ cung cấp hiểu biết và kiến thức về thiên văn, sử dụng hình ảnh trực quan để giải thích chuyển động của các vật thể trên trời và nhiều hiện tượng thiên văn lý thú.