Tạo ra tinh thần và khát vọng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là sứ mệnh mà các trường đại học ở Phần Lan tự đặt ra cho mình.

Để làm được điều đó, theo TS Olli Voula - Giám đốc Chương trình Aalto Ventures, ĐH Aalto, các trường đại học đã thay đổi và xây dựng nhiều triết lí giáo dục dựa theo 7 nguyên tắc giáo dục.

Tại Diễn đàn giáo dục Việt Nam - Phần Lan, TS. Olli Voula, cho biết, để xây dựng hệ thống giáo dục tạo ra cho sinh viên khát vọng, năng lực và có một mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sau khi ra trường, từ người lãnh đạo cao nhất trong trường cho đến các nhân viên, đều tuân thủ theo 7 nguyên tắc giáo dục.

1. Lấy học tập làm trung tâm: Mọi điều kiện trong nhà trường được tạo ra để phục vụ cho việc học của sinh viên chứ không phải việc giảng dạy của giảng viên. Việc của những người đứng trên bục giảng là thúc đẩy, hỗ trợ cho học viên chủ động và tham gia tích cực hơn trong việc tìm kiếm, thu nhận kiến thức, chứ không phải dạy họ.

2. Học tập mở rộng: Một sinh viên khi tham dự sự kiện như SLASH (sự kiện khởi nghiệp lớn nhất thế giới), có cơ hội được phát biểu trước 15.000 -20.000 người, được tham gia vận hành sự kiện có tổng kinh phí lên tới 10 triệu USD. Liệu những kiến thức họ học ở đây có tốt như kiến thức họ học ở giảng đường? Chắc chắn là có. Đây là hình thức mà ĐH Aalto gọi là học tập mở rộng bên ngoài lớp học.

3. Học tập thông qua trải nghiệm và phản hồi: Tạo cho sinh viên cơ hội vừa học vừa làm là cách duy nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất để họ vừa kiến thức, vừa có kinh nghiệm thực tế vừa giúp cho học viên sau khi ra trường sẽ biết cách vượt qua những trở ngại khó khăn trong quá trình làm việc.

Ở ĐH Aalto, học viên trao đổi với giảng viên những câu chuyện và kinh nghiệm có được khi gặp gỡ khách hàng. Đôi khi, bài tập mà học viên được giao là đến gặp doanh nghiệp, khách hàng. Đôi khi, từ những cuộc gặp gỡ, họ sẽ nảy ra các ý tưởng mới hay khi bị khách hàng chê ‘ý tưởng cũ’, họ sẽ đầu tư suy nghĩ thêm về ý tưởng mới.

Sinh viên Đại học HelsinkiHelsinki tại chung kết ICPC World (cuộc thi lập trình danh giá nhất dành cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng toàn cầu.
Nguồn: kienthucduhocphanlan.com

4. Cùng học, cùng sáng tạo với bạn bè đa ngành: Học viên nên học theo nhóm với những người bạn đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Lời khuyên được đưa ra là sinh viên không nên ngồi cùng bạn bè cùng ngành nếu muốn học hỏi và làm việc thật sự. Điều này giống như trong 1 doanh nghiệp, không thể có toàn người làm công nghệ, mà phải có các lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, marketing... Điều này có nghĩa là, tất cả các bên đều học lẫn nhau, không ai dạy ai. Đơn cử như sinh viên cùng nhà trường và doanh nghiệp tổ chức một chương trình khởi nghiệp, cả ba bên sẽ cùng học được từ cách thức tổ chức, điều phối chương trình hay cách bán hàng sao cho hiệu quả...

5. Lấy sinh viên làm trung tâm: Đây là chuyện nói thì dễ nhưng để làm được rất khó. Ở nhiều trường đại học khác, theo suy nghĩ thông thường, người làm trung tâm là giáo sư, giảng viên. Nhưng ở ĐH Aalto, sinh viên làm trung tâm và coi đây là chìa khóa mở ra những sự thay đổi mới mẻ.

Như vậy, mỗi sinh viên được coi là một cá nhân riêng biệt chứ không phải một nhóm người. Ở trường đại học, mỗi người có tư duy và cách đánh giá, nhìn nhận riêng. Đây không phải câu chuyện, cùng chui vào một cái ống thì đầu ra sẽ giống nhau.

Có thể thấy, sinh viên bắt đầu vào giảng đường hoàn toàn chưa có ý tưởng hay tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh nhưng sau khi ra trường, với tính cách, sự học hỏi và trải nghiệm khác nhau, mỗi sinh viên sẽ theo đuổi những con đường riêng, tạo ra những sản phẩm riêng biệt. Không có 1 đôi giày vừa cỡ cho mọi người, mỗi người kích cỡ khác nhau. Đây là nguyên tắc mà ngày cả ở ĐH Aalto, lãnh đạo nhà trường vẫn đang răn mình.

6. Xây dựng cho sinh viên kiến thức một cách hệ thống: Để sinh viên có đủ kiến thức và kỹ năng trở thành một doanh nhân, họ cần phải được đào tạo và phát triển một cách hệ thống, tạo cho họ năng lực và một mạng lưới các mối quan hệ để họ có thể trở thành doanh nhân.

Trong chương trình Aalto Venture do ĐH Aalto tổ chức, các giảng viên xây dựng chương trình đào tạo marketing cho sinh viên khởi nghiệp. Ngoài việc huấn luyện và tìm cách cho sinh viên tham gia các chương trình huấn luyện, thực hiện các bài giảng, họ còn phải thực hiện các bài tập thực tế. Ví dụ như thực hiện marketing sản phẩm đến các sinh viên trong trường. Các giảng viên tin rằng, việc sinh viên tiếp cận với các đối tượng có suy nghĩ giống mình sẽ giúp họ rút ra nhiều bài học và kiến thức bổ ích, bởi họ hiểu tâm lý của những người đồng trang lứa hơn.

7. Tư duy phản biện: Đây là một trong những phần mà các nhà giáo dục có thể mang tới cho sinh viên. Nhờ có tư duy này, sinh viên sẽ học được cách nhìn nhận mọi sự việc đa chiều hơn. Trường đại học được xem là hệ điều hành tập hợp nhiều yếu tố. Tuy nhiên, ĐH Aalto tin rằng, sinh viên tới đây không phải để bị ‘dội tri thức lên đầu’ mà để được cung cấp kiến thức, được học hỏi cách phân tích sự việc, tư duy phản biện, nhận diện đâu là đúng, sai và từ đó tự tìm cho mình kết quả, lối đi riêng.

7 nguyên tắc giáo dục này được xem là hữu ích và giúp ĐH Aalto thành công trong việc khơi dậy khát vọng, năng lực và mạng lưới giúp sinh viên sau khi ra trường có thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để làm được điều này, sinh viên cần được coi là trung tâm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, để thay đổi được điều này không dễ dàng. Mọi sự thay đổi cần bắt đầu từ lãnh đạo của nhà trường.