Những quốc gia phát triển đi tìm sự phồn vinh của mình từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật bắt đầu từ đầu tư vào chính sách giáo dục toàn dân, xây dựng cơ sở hạ tầng tri thức, cho đến đầu tư cho con người nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu, đại học và không thể thiếu việc truyền bá khoa học cho đại chúng.

Galilei có lẽ là người đầu tiên đã làm cuộc bắt đầu ngoạn mục, khi ông phá lệ viết tác phẩm Đối thoại bằng tiếng Ý là ngôn ngữ đại chúng chứ không bằng tiếng La tinh là ngôn ngữ hàn lâm như thông lệ lúc bấy giờ. Tiếp theo đó, ngoạn mục và gương mẫu là sự truyền bá đại chúng các ý tưởng của Newton vào đất liền do Voltaire thực hiện. Tác phẩm của ông và người bạn gái Marquise de Châtelet “Éléments de la philosophie de Newton” năm 1738 trở thành bestseller và góp phần rất lớn đại chúng hóa tư tưởng khoa học của Newton.

Khoa học không còn là công việc của các viện hàn lâm hay đại học. Các salon, quán cà phê bắt đầu thảo luận những vấn đề khoa học. Các tạp chí với mục đích đại chúng hóa khoa học xuất hiện. “Encyclopédie ou Dictionaire raisonné des sciences, des arts et des metiers” của Diderot và các nhà bách khoa Pháp ở thế kỷ 18 đã tạo dấu ấn mạnh mẽ lên phong trào khai sáng.

Ở châu Âu, nước Anh là nước dẫn đầu trong việc đại chúng hóa khoa học. Michael Faraday định kỳ tổ chức nói chuyện trước công chúng về khoa học. Tác phẩm đại chúng của ông nói về (lịch sử hóa học của) chiếc đèn cầy là một thí dụ điển hình. Còn các bài giảng của Humphry Davy nổi tiếng đến nỗi các cỗ xe ngựa của thính giả đến nghe làm nghẽn cả con đường Albermarle ở London khiến cho nhà chức trách nảy ra ý tưởng biến nó thành con đường một chiều, một sáng kiến thế giới.

Einstein là một trong những nhà khoa học quan tâm đến đại chúng.
Nguồn: Houston Style Magazine

Ở châu Á chúng ta không được quên Nhật Bản là quốc gia cực kỳ nhạy bén với đại chúng hóa khoa học. Họ đã dịch sách ồ ạt như một chiến lược, sách của tất cả các lãnh vực, từ thế kỷ 19 kia. Ngày nay, các đầu sách giáo khoa nổi tiếng Anh Mỹ dù là khoa học nhân văn hay khoa học tự nhiên đều được chuyển ngữ nhanh chóng và đúng lúc cho sinh viên, chưa kể các loại sách truyện hay văn hóa phổ thông.

Năm 1922, trong dịp Einstein thăm Nhật Bản, quốc gia này đã xuất bản toàn tập các bài viết của Einstein, trong khi châu Âu chưa nơi nào có cả! Và cũng chỉ có quốc gia này, dù xa xôi về địa lý đến đâu, mới mời được Einstein đến diễn thuyết trước hàng ngàn giáo sư, sinh viên và công chúng! Dân tộc họ quá trân trọng tri thức. Một chuyến thăm của Einstein như thế sẽ kích thích tinh thần nghiên cứu khoa học của dân tộc này lên cao độ! Cái văn hóa đọc sách và mua sách dường như đã thấm vào máu thịt người Nhật Bản từ thời Tokugawa.

Trong thế kỷ 20 việc quảng bá khoa học còn dồn dập hơn nữa. Có hai người nổi bật trong công việc này: Einstein ở nửa đầu thế kỷ, và Hawking ở nửa cuối thế kỷ.

Einstein đã viết nhiều sách cho đại chúng. Cuốn sách nổi tiếng và là bestseller của ông là Thuyết tương đối hẹp và rộng được xuất bản đầu năm 1917 (tiếng Việt năm 2014). Nó vẫn còn được tái bản hôm nay không biết đã mấy chục lần dưới nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng.

Ông còn đi thuyết trình cho công chúng. Ông đã nói chuyện về thuyết tương đối tại trường phổ thông nữ Viktoria-Luisen tại Berlin năm 1919, về “Hình học và kinh nghiệm” tại giảng đường số 33 đại học Berlin, cho đến thuyết trình cho giới lao động trong khuôn khổ giáo dục đại chúng của Trường công nhân mác-xít Berlin năm 1931 của nữ văn sĩ Anna Seghers với đề tài “Những điều công nhân cần biết về thuyết tương đối”.

Sách của Stephen Hawking về lịch sử những khám phá khoa học mang tính cách mạng.

Người kế tục sự nghiệp đại chúng hóa khoa học vật lý của Einstein ở cuối thế kỷ 20 là nhà vũ trụ học Stephen Hawking. Tác phẩm đại chúng của ông “Lược sử thời gian” nằm trong danh sách bestseller năm năm liền, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, được đưa vào phim. Hawking cho rằng cuốn sách đã đến nhiều người hơn các quyển sách của Madonna về Sex.

Internet ra đời mở ra một thời đại mới của đại chúng hóa khoa học. Ngày 15 tháng 1 năm 2001 tự điển Wikipedia chính thức lên mạng. Kết quả vang dội: tốc độ phát triển theo hàm lũy thừa. Hàng trăm ngàn bài viết khoa học đã được đưa lên mạng trong vài năm.

Vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, một loạt ngày kỷ niệm đã diễn ra thật sôi nổi như “100 năm cơ học lượng tử”, “Năm vật lý 2000”, “Năm Einstein” (2005), “150 năm sinh nhật Max Planck” (2008), rồi “400 năm thiên văn (và Galilei)”, “200 năm sinh nhật Darwin và 150 năm thuyết tiến hóa” năm vừa qua. Báo chí, cơ quan truyền thông ở phương Tây tràn ngập các chương trình khoa học cho đại chúng ở mức độ chưa từng thấy, diễn ra hầu như suốt năm.

Thế kỷ 21 đang đứng trước những cuộc cách mạng theo dự đoán còn to lớn hơn nhiều so với quá khứ, sẽ có tác động mạnh mẽ và triệt để hơn vào sự biến đổi bộ mặt thế giới và nhân loại. Các cuộc cách mạng lượng tử, cách mạng sinh học phân tử, công nghệ Nano, và cách mạng máy tính đang chờ đợi có những bước tiến đột phá. Tốc độ tăng trưởng tri thức nhân loại tăng nhanh chưa từng có, mười năm nhân lên gấp đôi, trong khi năng lực của máy tính nhân lên gấp đôi cứ mười tám tháng.

Trước mặt chúng ta là một đại dương tri thức mới mở ra với vô tận những khả năng ứng dụng khoa học để phục vụ con người. Quốc gia nào nắm được, quốc gia đó sẽ phồn vinh và có vị trí ngồi ở các hàng ghế trước. Ngược lại, quốc gia sẽ tụt hậu và lạc hậu, có vị trí ở các hàng ghế cuối cùng. Xã hội hơn bao giờ hết là xã hội tri thức. Tài nguyên thiên nhiên đã rớt hạng xuống chỉ còn thứ yếu.