Việc nước Anh nới lỏng hoàn toàn các biện pháp kiểm soát, kể cả bỏ khẩu trang, sẽ là một phép thử về hiệu quả vaccine. Mặt khác, đây cũng là một trong những nước sớm triển khai liều tiêm vaccine thứ ba để tăng cường hiệu quả miễn dịch.

Diễn biến đại dịch trong thời gian qua cho thấy, những gì xảy ra ở Anh thường dự báo trước tình hình ở những nơi khác. Biến thể Alpha rất dễ lây lan lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, sau đó nước Anh cũng đã có báo cáo về chủng Delta dễ lây lan hơn trước khi biến thể này phát tán khắp nơi trên thế giới. Anh cũng trải qua ​​một làn sóng lây nhiễm trước đợt bùng phát tương tự đang lan rộng khắp châu Âu.

Một bức tường tưởng niệm những người đã tử vong vì COVID ở Anh. Ảnh: Alamy/Reuters.

Hơn nữa, Anh là một trong những khu vực đầu tiên ở châu Âu dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế COVID-19, sau một trong những đợt triển khai tiêm chủng vaccine COVID nhanh nhất thế giới. Anh đã dừng các yêu cầu pháp lý với giãn cách xã hội và ngay cả với việc sử dụng khẩu trang vào ngày 19/7. Xứ Wales và Scotland dỡ bỏ hầu hết các lệnh hạn chế vào ngày 7 và 9/8, tiếp theo là xứ Bắc Ireland vào ngày 31/10.

Việc nước Anh đặt niềm tin vào tỷ lệ bao phủ vaccine cao như vậy đã trở thành một “phòng thí nghiệm tự nhiên” mà các nhà khoa học trên toàn thế giới đang nghiên cứu. Tạp chí Nature đã phỏng vấn các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới về những gì họ hy vọng sẽ học được từ kinh nghiệm của Anh.

Chỉ riêng vaccine có thể ngăn ngừa lây nhiễm gia tăng không?

Nước Anh đã có ba triệu ca nhiễm chỉ từ tháng bảy đến tháng mười năm nay - tương đương với thời điểm đất nước này bị đóng cửa nghiêm ngặt vào cuối năm 2020. Nước Anh cũng có tỉ lệ tiêm chủng vaccine cao nhất thế giới, khi 79,5% người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm hai liều vaccine (tính đến 31/10).

Tỷ lệ lây nhiễm của Anh cao hơn so với các quốc gia khác cũng ở châu Âu, vì có nơi nới lỏng các lệnh hạn chế COVID-19 sau Anh hoặc vẫn đang giữ nguyên. Trong bảy ngày từ 17/10 đến 23/10, Tây Ban Nha ghi nhận 286 ca nhiễm trên một triệu người, Đức là 1.203 ca trên một triệu, còn Anh ghi nhận 4.868 ca trên một triệu.

Chính vì thế, các nhà khoa học đã kêu gọi áp dụng các biện pháp y tế công cộng ‘mềm’ để tránh lại phải có một đợt giãn cách xã hội mới do số ca nhiễm tăng quá nhiều.

Susan Butler-Wu, Giám đốc nghiên cứu y học vi trùng học tại Trung tâm Y tế LAC + USC ở Los Angeles, California cho biết, phủ vaccine thật tuyệt vời và chính xác là những gì chúng ta phải làm. “Nhưng tại sao chúng ta không muốn tạo nên điều kiện tốt nhất bằng cách kết hợp vaccine với các biện pháp y tế công cộng khác?”

Hành vi của con người làm tăng nhanh các ca nhiễm gần đây?

Các nhà khoa học cho biết rằng sự gia tăng của các ca nhiễm không phải là hệ quả của việc người dân ngừng các biện pháp hạn chế một cách đột ngột. Christopher Jarvis, nhà thống kê và là người đứng đầu Trường Vệ sinh dịch tễ và y học nhiệt đới London đã thực hiện khảo sát về tương tác xã hội, cho biết: “Chúng tôi không thấy sự gia tăng liên tục về tương tác xã hội, mà chỉ là sự gia tăng ít và sau đó là những biến động do mở cửa trường học và có bao nhiêu người đang đi làm”.

Hiện nay trung bình người lớn chỉ tiếp xúc với ba đến bốn người khác mỗi ngày, so với hơn mười người trước đại dịch. Đối với trẻ em, con số tiếp xúc của các em hiện nay cao hơn nhiều do các trường học đã mở cửa trở lại.

Tốc độ điều chỉnh hành vi dần dần có thể giải thích tại sao nước Anh đã trải qua đợt ghi nhận số ca nhiễm virus cao kéo dài hơn là tăng đột biến như các mô hình dự đoán được các nhà khoa học đưa ra vào tháng tám hoặc tháng chín. William Hanage, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard T. H. Chan ở Boston, Massachusetts, cho biết.

“Điều này cho thấy chúng ta cần thận trọng như thế nào trong việc trở lại bình thường. Vì sự tương tác giữa người với người ngày càng tăng, ngay cả khi đã có một tỷ lệ dân số rất lớn được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn có thể dẫn đến những đợt tăng mới, dẫn tới phải nhập viện và tử vong”, Radi nói. Một số nước khác, chẳng hạn như Uruguay đang lấy tình hình gia tăng các ca nhiễm ở Anh để cảnh báo người dân về nguy cơ gặp phải nếu sớm dỡ bỏ các lệnh hạn chế.

Khả năng bảo vệ của vaccine đang suy yếu?

Anh đã thực hiện một trong những chiến dịch tiêm chủng COVID-19 nhanh nhất ở châu Âu. Nhưng sức mạnh đó bây giờ dường như lại đang trở thành gót chân Achilles của nước này. Từ đợt tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên đến giờ đã là mười tháng và các kháng thể suy giảm theo thời gian.

Một nghiên cứu tại Anh đã phát hiện ra hiệu quả của vaccine chống lại nhiễm virus, nhập viện và tử vong giảm sau sáu tháng, nhất là ở những người lớn tuổi. Một nghiên cứu khác được thực hiện ở Israel - một quốc gia khác triển khai vaccine rất sớm và phủ nhanh toàn dân - cũng cho kết quả tương tự.

Các nhà khoa học nhận định một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này có thể là do lượng kháng thể giảm xuống. Số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm cao và chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra, mức độ kháng thể ở mức cao vào tháng năm và sau đó bắt đầu giảm xuống.

Tất nhiên, sự suy giảm trong việc ngăn chặn nhiễm virus, hoặc suy giảm kháng thể trung hòa cũng không hoàn toàn có nghĩa là người đó sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn, bởi vì cơ chế của vaccine còn tạo ra khả năng ghi nhớ cho tế bào miễn dịch, và trí nhớ này cũng góp phần vào bảo vệ cho người được tiêm. Nhưng các nhà khoa học vẫn lưu ý rằng mức độ kháng thể trung hòa sớm là một chỉ số tốt để đánh giá vaccine.

Vaccine vẫn giúp chống lại tử vong và tăng nặng?

Các đột biến mới của virus, nhất là biến thể Delta lại kết hợp với tình trạng kháng thể do tiêm vaccine đang suy yếu - đã gây ra ngày càng nhiều ca nhiễm virus đột phá (nhiễm virus kể cả sau tiêm vaccine). Nhưng vaccine vẫn đang là vũ khí tốt mang lại hiệu quả bảo vệ đáng kể giúp người nhiễm virus không phải nhập viện và tử vong. Một nghiên cứu tại Đại học Edinburgh, Anh cho thấy vaccine Pfizer – BioNTech và Oxford – AstraZeneca có hiệu quả tương ứng là 90% và 91% trong việc ngăn ngừa tử vong. Con số thực tế hiện nay ở nước Anh sẽ cho thấy hiệu quả vaccine trong việc giảm tải cho hệ thống y tế, có khoảng 75.000 người nhiễm COVID cần điều trị tại bệnh viện ở Anh từ đầu tháng bảy đến đầu tháng mười năm nay, so với 185.000 người cần điều trị trong khoảng thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 1/2021, khi số ca nhiễm virus ở hai khoảng thời gian trước đó thì tương đương nhưng tỉ lệ bao phủ vaccine ít hơn.

Tính theo quy mô dân số, Anh có số ca nhiễm virus cao gấp ba lần nước Mỹ, nhưng nước Anh chỉ phải chịu số ca tử vong hằng ngày bằng hai phần ba so với Mỹ. Vì thế các nhà khoa học vẫn cảnh báo tình trạng lây nhiễm đang diễn ra ở Anh mà lặp lại ở các nước khác được bao phủ vaccine kém hơn sẽ gây ra hậu quả tồi tệ.

Vai trò của mũi tiêm tăng cường?

Nước Anh đã bắt đầu tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba cho những người từ 50 tuổi trở lên và những người thuộc nhóm nguy cơ cao vào ngày 16/9. Mặc dù tác động chính xác của liều tăng cường vẫn chưa được xác định hoàn toàn nhưng đã có một số bằng chứng bước đầu cho thấy tiêm liều thứ ba làm giảm nguy cơ lây nhiễm hơn.

Một nghiên cứu tại Viện Khoa học Weizmann ở Rehovot, Israel cho thấy những người được tiêm liều vaccine mRNA thứ ba của hãng Pfizer – BioNTech có nguy cơ mắc bệnh nặng ít hơn gần 20 lần và khả năng bị nhiễm virus thấp hơn 10 lần, so với những người đã tiêm liều thứ hai ít nhất năm tháng trước đó.

Trong khi đó thì Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ trích việc triển khai liều tiêm vaccine thứ ba ở các quốc gia giàu có trong khi nhiều người dân ở các nước nghèo hơn vẫn chưa được tiêm liều đầu tiên. Tuy nhiên, việc tiêm liều tăng cương có thể giúp Anh vượt qua mùa đông lạnh giá sắp tới mà không phải áp dụng các lệnh hạn chế đi lại, Marc Baguelin, người lập mô hình nhiễm COVID-19 cho Chính phủ Anh tại Đại học Hoàng gia London cho biết. Các mô hình lạc quan nhất mà nhóm của ông đưa ra - dựa trên các giả định về hành vi và hiệu quả của miễn dịch vaccine - dự đoán số lượng ca nhiễm virus cao kéo dài trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022, vẫn dẫn đến khoảng 43.000 người nhập viện và hơn 5.000 ca tử vong.

Baguelin cho biết rằng mức độ lưu hành của virus trong cộng đồng cao, trong khi vì trời lạnh thì mọi người sẽ ở trong nhà nhiều hơn – nơi virus dễ lây lan hơn, và khi khả năng miễn dịch suy giảm sẽ có “tác động đáng kể đến tỉ lệ nhập viện và tử vong. “Bây giờ mọi thứ đều dựa vào mũi tiêm tăng cường”, Baguelin nói.

Theo Nature
doi: https://doi.org/10.1038/d41586-021-03003-6