Đó là đánh giá của PGS-TS Đỗ Bang - Đại học Khoa học Huế, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế - về công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận” của GS Phan Huy Lê.

Công trình "Lịch sử và văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận" của Giáo sư Phan Huy Lê đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2016. Ảnh: BN

Ông nói: “Tôi đã đọc nhiều nghiên cứu của thầy Lê, thấy rằng công trình này quả là xứng đáng khi được Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN”. Công trình là tập hợp nhiều bài báo và nghiên cứu từ năm 1998-2007. Việc lựa chọn vấn đề để tiếp cận giúp tác giả đưa ra cách nhìn mới về lịch sử văn hóa Việt Nam.

“Trước đây, các nhà nghiên cứu nhìn lịch sử văn hóa Việt Nam chỉ đơn thuần là lịch sử của người Việt. Người Việt đi đến đâu thì lịch sử văn hóa Việt Nam mở ra đến đó. Đây là cách tiếp cận đơn tuyến, có hạn chế lớn là các khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ chưa được đề cập đến. Từ thế kỷ 17 trở về trước, khi người Việt chưa vào thì vùng đất này ra sao? Mọi sự kiện xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam đều thuộc về lịch sử Việt Nam. Không chỉ người Việt mà tất cả các cộng đồng cư dân, dân tộc sinh sống trên lãnh thổ đã góp phần xây dựng nên từng vùng đất và tổ quốc Việt Nam” - GS Phan Huy Lê chia sẻ.

Là học trò của GS Phan Huy Lê từ năm 1977, đến nay - sau gần 40 năm, ông Bang lúc nào cũng ngưỡng mộ người thầy thủy chung trong vấn đề lựa chọn nghiên cứu: “Sau ngày thống nhất đất nước, thầy Phan Huy Lê đưa một đoàn sinh viên vào miền Nam nghiên cứu về thời kỳ Tây Sơn. Khi đó tôi được cùng tham gia đoàn với tư cách là học trò. Gần 40 năm, tôi học được rất nhiều điều ở thầy trong hoạt động chuyên môn với những vấn đề tâm đắc cần đeo đuổi đến cùng, chẳng hạn như nghiên cứu về phong trào Tây Sơn - một chủ đề được thầy đeo đuổi nhiều năm và tôi cũng tham gia, góp phần nghiên cứu về thời kỳ này. Trong các nghiên cứu, cách tiếp cận của thầy Phan Huy Lê là luôn chọn hướng đi và góc nhìn mới mẻ”.

TS Đỗ Bang cũng tâm sự: “Trong thời buổi hiện nay, nhà khoa học có phong cách như thầy Lê rất hiếm. Như trong cuộc đấu tranh bảo vệ di sản Hoàng thành Thăng Long hay việc tránh tích hợp môn lịch sử vào môn công dân với tổ quốc trong chương trình trung học phổ thông, chỉ nhà sử học uy tín lớn như thầy Lê mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn này”.