Chất phác, đậm chất nông dân nhưng mỗi khi nói về tiến bộ kỹ thuật áp dụng cho việc trồng chè là bà dường như trở thành con người khác. Đặc biệt, người phụ nữ học hết lớp 7 này thuộc vanh vách các tiêu chuẩn quốc tế với cây chè và cách làm sao để đạt các tiêu chuẩn ấy.

Đó là bà Nguyễn Thị Nhài - Phó Giám đốc Hợp tác xã chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).

Máu liều của cô kế toán viết thiếu số 0

Tôi gặp bà cuối năm 2016 trong hội thảo về việc nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại Mỹ. Hôm đó, tôi thấy tò mò, ấn tượng vì sự chăm chú đặc biệt của một phụ nữ trông đầy vẻ chân chất khi lắng nghe và ghi chép. Bà bảo, những thông tin về tiến bộ kỹ thuật, giá trị của nhãn hiệu này quý lắm. Nó là bằng chứng sống để bà con tin và học theo, biết cách làm cho sản phẩm chè của mình tốt hơn, thế mới bán được giá. Hỏi ra mới biết, bà là sếp của một hợp tác xã có gần 40 hộ đang tham gia sản xuất chè xuất khẩu sang các nước Canada, Nhật Bản, Hà Lan...

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi hỏi chuyện về người phụ nữ ấy: Không học cao, chẳng bằng cấp về kỹ thuật, cũng không phải cán bộ làm trong ngành khoa học hay tiêu chuẩn gì, nhưng bà Nhài nói vanh vách về các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế, về việc làm thế nào để đạt tiêu chuẩn đó.

Bà kể, xưa nhà không có điều kiện nên chỉ học hết lớp 7 rồi nghỉ. Bà sinh ra trên đất chè, từ đời ông bà, cha mẹ rồi đến bà chỉ biết trông vào cây chè để sống. Chè nuôi sống bao thế hệ gia đình bà cũng như các gia đình khác trên đất Thái Nguyên, nhưng lâu dần đất cũng cạn dinh dưỡng, chè sinh sâu bệnh, nếu cứ làm theo cách cũ thì khó mà tồn tại.

Bà Nguyễn Thị Nhài. Ảnh: Thu Hương
Bà Nguyễn Thị Nhài. Ảnh: Thu Hương

“Trước kia bà con cứ “ăn mày” đất, bón phân cho chè không theo quy luật nào, thấy có sâu là phun thuốc mà không cần biết phải cách ly ra sao. Chè làm ra cũng chỉ bán đổ đống, đong bằng ống bơ ngoài chợ, được giá nào bán giá đó. Tôi thấy tiếc và nghĩ phải làm sao để chè được giá hơn; nhưng không có thương hiệu thì chẳng ai biết đến” - bà Nguyễn Thị Nhài tâm sự.

Nghĩ vậy nên từ năm 2001, bà cùng ông Đỗ Xuân Ngũ và bà Đỗ Thị Hiệp lập nhóm sở thích những người làm chè chất lượng cao. Việc chè của 3 gia đình bán được giá cao hơn ngay sau đó đã thu hút sự quan tâm của dân trồng chè trong vùng. Sau hơn 2 tháng, nhóm sở thích phát triển thành hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến chè an toàn với 36 hộ thành viên và số vốn đóng góp 150.000 đồng/người. Cái tên HTX chè Tân Hương ra đời từ đó.

“Lúc đầu chưa biết gì về việc tổ chức, vận hành HTX, mấy chị em phải mày mò tìm hiểu. Tôi được giao nhiệm vụ làm kế toán, trong khi chỉ mới học hết lớp 7/10, lại nghỉ lâu quá nên quên kiến thức. Nhiều khi con số 10 triệu, tôi viết thành 1 triệu vì thiếu số 0. Sau đó tôi đi học, nào kế toán đơn, kế toán kép, nào hạch toán thu - chi. Bước vào học mới thấy khó, nhưng tôi đã hứa với các hội viên không làm thất thoát tiền. Tôi đã làm được điều đó” - bà Nhài nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Nhài (phải) hướng dẫn kỹ thuật cho xã viên HTX chè Tân Hương. Ảnh: Thu Hương
Bà Nguyễn Thị Nhài (phải) hướng dẫn kỹ thuật cho xã viên HTX chè Tân Hương.
Ảnh: Thu Hương

Người phụ nữ “tham lam”

Nhẩm tính lại, HTX đã đi vào hoạt động được 16 năm, trải qua bao thăng trầm. Bà Nguyễn Thị Nhài vẫn chưa quên những ngày tháng đi vận động các hộ trồng chè tham gia HTX để làm ra sản phẩm có giá trị. Người dân vốn quen với cách trồng và chăm sóc tự do, không theo quy trình và chẳng ai giám sát nên ngại thay đổi.

Bà và những người sáng lập HTX kiên nhẫn phân tích rằng nếu làm tự do thì người ta trả giá bao nhiêu cũng phải bán, còn nếu áp dụng quy trình kỹ thuật, làm ra sản phẩm tốt thì được bao tiêu; thành viên ốm đau được hỏi thăm, được cùng nhau xây dựng thương hiệu sản phẩm tiêu thụ tốt, giá cao, ổn định. Nghe vậy, nhiều bà con yên tâm hơn và tin theo.

Ban đầu tuy HTX sản xuất chè an toàn nhưng khi đưa ra thị trường, họ không chứng minh được với khách hàng. Bà lại mày mò tìm hiểu, mới biết phải áp dụng theo một quy trình tiêu chuẩn để sản phẩm được chứng nhận an toàn. Nghe cán bộ dự án VietGAP, UTZ (thực hành nông nghiệp tốt) giới thiệu các tiêu chuẩn trong một cuộc họp do bên khuyến nông tổ chức, bà hiểu vì sao chè của mình và nhiều hộ khác chỉ bán được giá thấp, rằng nếu áp dụng VietGAP thì sản phẩm được chấp nhận ở các nước châu Á, còn nếu áp dụng UTZ thì có thể xuất chè đi khắp thế giới. Nếu đơn vị nào làm theo tiêu chuẩn đó sẽ được kết nối với thị trường nước ngoài.


“Tôi thấy hay quá, về trao đổi với hội đồng quản trị của HTX. Sau đó cán bộ dự án về Tân Hương hướng dẫn triển khai. Năm 2011, chúng tôi trở thành đơn vị đầu tiên tiếp nhận tiêu chuẩn UTZ” - bà Nhài nhớ lại.

Với tham vọng lớn cùng nỗ lực không ngừng nghỉ, người phụ nữ không bao giờ đặt ra giới hạn cho bản thân này đã cùng với những nông dân khác làm nên kỳ tích cho HTX chè Tân Hương. Hồi mới thành lập, mỗi năm HTX chỉ bán được vài ba tạ chè.

Đến năm 2010, họ bán được 6 tấn và nay, con số này đã tăng thành hàng chục tấn. Lượng cổ tức hằng năm mà mỗi xã viên được chia đạt trung bình 15%, cao gấp đôi lãi suất gửi tiền ngân hàng. Mỗi năm, 1ha chè theo chuẩn UTZ của họ thu lãi 368 triệu đồng, thu nhập tăng từ 15-20% so với cách làm truyền thống trước đó. Điều quan trọng hơn là chè Tân Hương đã được xuất khẩu và đối tác nước ngoài nhập hàng đều đặn mỗi năm.

Bà Nhài tự hào chia sẻ, nhờ cây chè, bà đã nuôi dạy 2 con ăn học nên người: “Tôi có hai người con, con trai theo ngành chè, cô con gái đang làm Chánh Văn phòng UBND xã Tân Cương”. Rồi người phụ nữ “tham lam” này nhanh chóng quay lại câu chuyện về cây chè bằng việc chia sẻ mong ước: “Tôi mong thời gian tới có thể áp dụng cơ giới hóa nhiều hơn vào HTX và học hỏi được thêm nhiều tiến bộ mới để về phổ biến cho bà con”.

Bà Nguyễn Thị Nhài sinh năm 1958, từng được Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên tặng bằng Lao động sáng tạo năm 2016. Bà cũng được nhận giấy khen, bằng khen của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam năm 2015, giấy khen của UBND tỉnh Thái Nguyên năm 2014.