Các nhà khoa học Mỹ sản xuất cơ bắp nhân tạo bằng sợi carbon, có khả năng chịu lực lớn và tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.

Cơ bắp nhân tạo làm từ sợi carbon được thiết kế theo dạng xoắn. Ảnh: Đại học Illinois.

Cơ bắp nhân tạo làm từ sợi carbon được thiết kế theo dạng xoắn. Ảnh: Đại học Illinois.

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Illinois, Mỹ, xuất bản nghiên cứu hôm 20/4 trên tạp chí Smart Materials and Structures mô tả khả năng chịu lực cao của cơ bắp nhân tạo làm từ sợi carbon, theo Tech Times. Những cơ bắp này có thể chịu áp suất 1.000.000 N/m2 và khả năng sinh công 758 jun/kg, lớn gấp 18 lần so với cơ bắp tự nhiên.

Theo Caterina Lamuta, thành viên nhóm nghiên cứu, chi phí thấp và vật liệu siêu nhẹ của cơ bắp nhân tạo mới có thể mang đến cải tiến trong lĩnh vực robot, chế tạo bộ phận giả, dụng cụ chỉnh hình và thiết bị hỗ trợ con người. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học thiết kế cơ bắp nhân tạo từ cao su siloxane gia cố bằng sợi carbon. Cơ bắp có dạng xoắn và không đòi hỏi nhiều điện để vận hành. Một đoạn cơ bắp dài 0,04 mm có thể nâng gần hai lít nước lên cao ba centimet với lượng điện tối thiểu.

Mục đích của nghiên cứu là chế tạo cơ bắp nhân tạo dạng xoắn mạnh hơn và có khả năng sử dụng cao hơn. Để tạo hình sợi carbon dễ hơn, nhóm nghiên cứu bổ sung cao su siloxane, sau đó xoắn thành hình. Cơ bắp có thể co lại khi dòng điện nhỏ chạy qua. Nhiệt độ từ dòng điện làm nóng cao su, đẩy sợi carbon giãn ra. Đường kính cơ bắp tăng lên khiến chiều dài của nó giảm đi, theo New Atlas.

Sản xuất cơ bắp nhân tạo là mục tiêu hàng đầu trong ngành robot. Vào tháng 11/2017, Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo và Khoa học Vi tính thuộc Viện Công nghệ Massachusetts hợp tác với Viện Wyss của Đại học Harvard chế tạo cơ bắp nhân tạo có thể nâng vật nặng hơn gấp 1.000 lần.