Nếu gọi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một ngành công nghiệp, thì đó là một ngành vừa mới toanh, vừa thay đổi đến chóng mặt, nơi rất sẵn cơ hội tham dự, gặp gỡ và làm việc với những “siêu nhân”, chỉ cần bạn biết cách nắm bắt.

Nhiên liệu mới cho nền kinh tế

Tôi được rủ đi Israel “chơi” với nhóm đoạt giải cuộc thi Khởi nghiệp Israel vào mùa cận Tết. Tại vùng đất thiêng Jerusalem - nơi được truyền tụng là Thánh địa của cả ba tôn giáo: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo - một ông thầy đã truyền cho tôi câu thần chú kỳ lạ: “Hãy luôn hỏi: khởi nghiệp để làm gì”.

Đó là ông Jon Medved, người sáng lập và CEO của quỹ đầu tư cộng đồng OurCrowd. Ông vừa kết thúc đầu tư và thu lại một khoản lợi nhuận lớn từ một công ty nghiên cứu và sản xuất thiết bị hỗ trợ người bị bại liệt chân có thể di chuyển thông qua hệ thống nẹp chân được điều khiển bởi thần kinh phía giữa sống lưng. Và sau khi sản phẩm được ưa chuộng toàn cầu thì họ đã chào bán công ty ra thị trường chứng khoán Mỹ thành công.

Tác giả (bìa phải) cùng các chuyên gia khởi nghiệp thảo luận đề tài "Làm sao để Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển" tại hội nghị khởi nghiệp SURF.
Ảnh: DNE Media

“Cấu trúc của nền kinh tế khởi nghiệp thế giới đã được định ra từ lâu. Tiền để đầu tư mạo hiểm được tập trung chủ yếu ở vài nơi thôi. Vậy chúng ta làm gì để cạnh tranh với Silicon Valley của Mỹ? Chúng ta phải hiểu rằng khi bắt tay vào khởi nghiệp ở mảnh đất màu mỡ này, hầu hết trong số họ nghĩ nhiều về những người giàu và tìm cách phục vụ người giàu ở nước Mỹ là chủ yếu.

Chúng ta không có môi trường tốt như thế, vì vậy nên nghĩ đến một đối tượng phục vụ khác: đó là những người không giàu ở mọi nơi trên thế giới, những người mà điều kiện sống còn nhiều khó khăn, còn rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải giải quyết cho nhu cầu sống của họ. Giống như Israel, Việt Nam cũng có thể tìm ra những ý tưởng tuyệt diệu này chứ”.

Ông bảo, điều quan trọng nhất để ông lựa chọn một doanh nghiệp khởi nghiệp là lý do mà công ty đó ra đời, hay gọi cho đẹp là sứ mệnh họ tự nhận lấy. Đó có thể là tìm cách thay đổi thế giới, làm cho nó tốt đẹp hơn, hoặc đơn giản chỉ cần giúp mọi người giải quyết công việc nào đó hiệu quả hơn, nhanh hơn, tiết kiệm hơn.

“Tôi cần thấy những công ty khởi nghiệp đang tạo ra nhiên liệu mới để vận hành thế giới. Nếu muốn tham gia ngành công nghiệp này, hãy nhớ chọn đồng hành với những người đang mỗi ngày giải quyết các vấn đề của cuộc sống!”


Con đường ngắn nhất để phát triển bản thân

Nếu gọi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một ngành công nghiệp, thì đó là một ngành vừa mới toanh, vừa thay đổi đến chóng mặt. Không có cách nào khác, là tất cả những ai tham gia vô lãnh vực này phải không ngừng học hỏi. Có hai điểm quan trọng nhất trong ngành: cộng đồng và xu hướng.

Cộng đồng, được hiểu rộng ra là cả hệ sinh thái, bao gồm những nhà nghiên cứu khoa học với những phát kiến mới, những doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đó để biến nó thành một công ty với tham vọng lớn lao; những đơn vị hỗ trợ ươm tạo như vườn ươm, chương trình tăng tốc; những cố vấn đồng hành, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm; và không thể thiếu vai trò của trường học. Đông, vui và luôn phải biết nhau, kết nối với nhau để chia sẻ thông tin, làm việc chung, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ trong và ngoài nước.

Còn lại, xu hướng, đặc biệt là xu hướng công nghệ là thứ không thể cưỡng lại được. Những thứ kỳ lạ mang tên trí thông minh nhân tạo, internet của vạn vật, dữ liệu lớn hay đồng tiền kỹ thuật số, thiết bị bay không người lái, chatbot, thực tế ảo… vốn ngày xưa chỉ dành cho một nhóm rất nhỏ những người sành khoa học, thì giờ trở nên những khái niệm dành cho đại chúng, mà mỗi người trong ngành khởi nghiệp ít nhất, phải hiểu nó một cách cơ bản, đầy đủ thì mới có thể “xông pha giang hồ”.

Chẳng hạn, tôi được tài trợ đi dự hội nghị quốc tế, ở đó có một phiên trình bày thuyết phục giám khảo và nhà đầu tư của những dự án khởi nghiệp mới, nên tôi tranh thủ mang theo một dự án của nhà mình để thử cảm giác đi “pitching” trước các nhà đầu tư quốc tế.

Không ngờ, ý tưởng này kéo theo là cả tuần lễ không ngủ để học cho hiểu chút đỉnh về những thứ nằm đằng sau một ứng dụng trả lời tự động trên Facebook dựa trên dữ liệu có sẵn và một chút trí thông minh nhân tạo. Một tuần đó, vừa học, vừa thử nghiệm, vừa trao đổi thông tin, mới thấy rằng, mình đã mở rộng được một phần thể tích não bộ mà xưa giờ chưa dùng tới…

Vì khởi nghiệp vận hành theo hệ sinh thái, tức là mọi người rất quan tâm đến những kết nối với nhau nên cơ hội tham dự, gặp gỡ và làm việc với những “siêu nhân” rất sẵn, chỉ cần mình biết cách nắm bắt.

Ông tỷ phủ ngành khởi nghiệp du lịch Jeff Hoffman ngồi đó, mỉm cười hiền lành, quan trọng là mình có cái gì để trao đổi với ông ta. Ông chủ của ứng dụng Viber lừng danh đứng đó, cầm ly cà phê sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, nếu mình đã chuẩn bị kỹ và hỏi đúng câu hỏi.

CTO của Uber Thuận Phạm không ngại bày hết kinh nghiệm chinh chiến mấy mươi năm của mình cho những người Việt trẻ. Trong ảnh: Thuận Phạm cùng sáng lập viên Up Co-working Space Đỗ Hoài Nam trong buổi giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp hôm 25/7/2017 tại Hà Nội. Nguồn: Uber

Hay ông Thuận Phạm, người được báo chí định danh là người Việt thành công nhất thung lũng Silicon khi trở thành tổng giám đốc công nghệ toàn cầu của Uber, ngồi ăn trưa chung bàn, bày hết kinh nghiệm chinh chiến mấy mươi năm của mình cho những người trẻ Việt Nam…

Sau 500 ngày tham gia ngành công nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tôi không tin vào những câu chuyện hoành tráng với những con số triệu đô này, tỷ đồng nọ. Tôi không tin vào những kỳ tích có thể trong một ngày đưa Việt Nam dẫn đầu trong ngành công nghiệp mới mẻ này. Nhưng tôi tin đó là nơi ai cũng có thể tham gia, học hỏi, phát triển bản thân mình nhanh hơn, tiếp cận thế giới tốt hơn để rồi như những con kiến nhỏ cần mẫn, góp thêm những mảnh ghép vào bức tranh khởi nghiệp đang dần sáng màu của Việt Nam.