Ỳ ạch chuyển cả chiếc máy nặng vài trăm kilôgram vượt qua mấy ngàn kilômét đến chợ, “bay vút” bằng máy bay với chiếc máy gọn nhẹ... là những câu chuyện về các nhà sáng chế “chân đất” được chúng tôi ghi lại ở Chợ Công nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam 2015.

Ông Trần Thanh Tuấn
Ông Trần Thanh Tuấn
3 ngày khệ nệ
57 nhà sáng chế không chuyên góp mặt tại techmart lần này thực sự đã thổi luồng gió mới vào chợ công nghệ - nơi vốn được mặc định rằng là nơi hội tụ của những nhà khoa học với những công trình nghiên cứu dày cộp. Tiếng máy xoèn xoẹt cắt sắn, tẽ ngô, phun thuốc trừ sâu, tiếng động cơ gầm gừ của chiếc máy cày, máy cấy... tạo nên sự sống động của Techmart 2015.
Nằm ở một góc khiêm tốn trong dãy hàng dành cho nhà sáng chế trình diễn, chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa của anh Trần Thanh Tuấn (ấp Trung Bình Nhì, Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang) vẫn thu hút khá nhiều sự chú ý. Nhìn chiếc máy cồng kềnh, tôi hỏi anh, vận chuyển nó ra Hà Nội, đi qua quãng đường hơn 2.000km bằng cách nào? Anh bảo, mất 3 ngày ngồi trên xe khách. Hai “thầy trò” cùng ăn, cùng ngủ suốt cả chặng đường dài. Nhiều lúc ngồi trên xe, anh cũng nơm nớp lo mỗi khi xe gặp phải “ổ trâu”, “ổ gà” trên đường. Mãi đến khi xe dừng ở cổng Techmart, anh mới thở phào nhẹ nhõm.
Với giọng nói chân chất Nam Bộ thân thương, nhà sáng chế Trần Thanh Tuấn chia sẻ, để “nhét” vừa xe khách, anh phải tháo rời tất cả các bộ phận rồi bó chúng lại. Chiếc máy nặng 130kg nên việc vận chuyển không phải là quá khó nhọc, nhưng cũng không dễ dàng như cái túi quần áo anh mang bên mình.
Trong suốt chặng đường dài, anh phải thường xuyên kiểm tra “sức khỏe” của máy. Vì nếu có vấn đề gì thì không biết lấy gì mà trình diễn. Cũng may, cả người và máy ra đến nơi đều “trơn tru”.
Tôi hỏi, anh có “chiêu tiếp thị” nào để bán hàng không, anh bảo mình là nông dân chân đất, chẳng qua trường lớp nào thì lấy đâu ra chiêu mà diễn. Ai hỏi gì thì trả lời nấy thôi. Trước đây, anh thấy người nông dân mỗi lần đi xịt thuốc trừ sâu rất cực nhọc, có những người bị nhiễm chất độc, ngất xỉu phải nhập viện, có người còn tử vong. Anh muốn nghĩ ra một chiếc máy giúp người nông dân, dù chẳng qua trường lớp nào. Năm 2013 anh sáng chế thành công chiếc máy, đến nay đã bán được 5 chiếc với giá thành 32 triệu đồng/chiếc.
Để làm ra 1 chiếc máy, anh phải làm liên tục trong khoảng 1 tháng. Anh thành thật chia sẻ, mỗi chiếc máy lãi 10 triệu đồng.
Máy nặng quá, không đem theo được
Dù cũng một mình một gian hàng, cũng với mục đích giới thiệu sáng chế, nhưng lại chẳng có chiếc máy nào để giới thiệu mà chỉ có thể truyền đạt qua một vài hình ảnh, nhà sáng chế Cao Phi Hổ (Châu Thành A, Hậu Giang) ngậm ngùi:
“Sản phẩm của tui là máy xới trục liên hợp dùng để làm đất gieo cấy lúa. Vì chiếc máy lớn quá, có trọng lượng quá nặng nên tui không thể đem theo ra ngoài này giới thiệu với bà con được. Chiếc máy xới trục liên hợp của tui nặng đến gần 1 tấn. Với chiếc máy này, cánh đồng ngay khi vừa gặt xong là có thể đưa chiếc máy này xuống ruộng, chỉ sau một lúc là đất trở nên nhuyễn để xạ lúa ngay được. 1 giờ, máy có thể chạy được 5.000 mét vuông”.
Không có máy, ông làm thế nào để giới thiệu được công nghệ? Ông buồn buồn bảo, thì mình chỉ biết ngồi đó mà thuyết trình khi có người hỏi thôi. Mà ngồi mãi, chẳng ai hỏi thì cũng buồn. Đi giao lưu làm quen mãi ở các gian hàng thì cũng hết lượt. Ông bảo: “Tui ngồi đây, cũng có những người hỏi, nhưng thời gian rảnh cũng nhiều lắm. Vì không có máy, người ta biết hỏi mình cái chi. Thế nên bạn bè mà gọi là tui lại đi, chạy qua chạy lại giữa quán càphê và gian hàng. Cô thấy đó, lúc cô gọi điện là tui phải bắt taxi từ trên Bờ Hồ về đó”.
Ông Cao Phi Hổ chia sẻ, đây là chiếc máy hoàn toàn dựa trên sáng tạo của ông, không nhái theo bất cứ công nghệ nào, các công đoạn lắp ráp đều làm thủ công. Chiếc máy có giá thành 73 triệu đồng, nếu làm hoàn thành thì ông lãi khoảng 13 triệu đồng với khoảng 20 ngày công thợ. Ông hy vọng, techmart lần sau có thể đưa được chiếc máy đến để trình diễn. Vì “qua lời nói không thôi thì khó hình dung lắm, tôi sẽ cố gắng tiếp thị nhiều hơn nữa” - ông chia sẻ.
Sáng chế... bay
Ông Hoàng Thắng
Ông Hoàng Thắng
Với hình thức khá cồng kềnh, ít ai nghĩ 2 chiếc máy được ông Hoàng Thắng (Công ty TNHH sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng, Thốt Nốt, Cần Thơ) vận chuyển ra Hà Nội bằng máy bay. Ông Thắng chia sẻ, ông bắt đầu làm thiết bị máy móc từ năm 2000 với 3 sản phẩm là thiết bị gieo hạt, xe phun xịt dung dịch và máy gặt đập liên hợp. Với 3 chiếc máy này, ông mong muốn đồng hành với bà con nông dân từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch.
Là người có kinh nghiệm đi lại nhiều, ông chọn cách vận chuyển máy móc bằng máy bay. Ông cười bảo: “Sáng chế của tôi bay ra Hà Nội đấy. Tôi đóng hàng và mua hành lý ký gửi rồi bay ra thôi, chứ không mất nhiều công sức vận chuyển. Mọi bộ phận của máy được tháo rời ra, để vào các hộp cũng rất tiện lợi”.
Luôn giữ nụ cười trên môi với phong thái như một doanh nhân sáng chế chứ không phải là nhà sáng chế “chân đất”, ông Hoàng Thắng tận tình giới thiệu sản phẩm của mình với bất cứ ai có ý định dừng chân ở gian hàng của ông.
Ông tự nhận mình đã thành “thương nhân” rồi chứ không còn là “chân đất” nữa. Với 3 sáng chế của mình, mỗi năm ông có thể đem về đến 800 triệu đồng lợi nhuận. Riêng với chiếc máy gieo hạt, ông đã bán được trên 500.000 chiếc, với giá 850.000 đồng/chiếc, tiêu thụ chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã lan tỏa được ra miền Bắc.
Nếu được bình chọn nhà sáng chế “đắt hàng” nhất thì có lẽ tôi sẽ bình chọn cho nhà sáng chế Hoàng Thắng. Trong khi các gian hàng của Techmart rậm rịch đóng cửa, tháo dỡ hàng hóa thì ở nơi dành cho việc ký kết các hợp đồng, biên bản ghi nhớ, ông Hoàng Thắng vẫn đang lúi húi ký một hợp đồng chuyển giao công nghệ với trị giá 6,5 tỷ đồng cho 3 sáng chế của mình.
Ông bảo, những chiếc máy đem trưng bày tại triển lãm đã được bán hết, giờ ký hợp đồng hợp tác, bên đối tác cũng trách móc ông mãi về việc không có máy để đem về công ty giới thiệu.
Ông hy vọng, tới đây sẽ đem được các sáng chế này phục vụ người nông dân miền Bắc.