Ở Việt Nam hiện chưa có tổ chức nào được giao nhiệm vụ theo dõi, thống kê những người có tiếp xúc với amiăng (cả trong sản xuất và môi trường sống) từ khi còn trẻ đến khi nghỉ hưu và kết thúc cuối đời.

Trong bài viết “Amiăng trắng đem lại 1 đồng lợi nhuận thì làm tốn 3 đồng do bệnh tật” trên khoahocphattrien.vn ngày 7/10/2017, tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế - cho biết số mắc ung thư biểu mô do amiăng ở Việt Nam ước tính gần 12.000 người.

Tuy nhiên, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam từng đưa ra thông tin rằng chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh ác tính như ung thư phổi, phế quản và ung thư trung biểu mô do amiăng trắng. Điều này làm tôi hoang mang và rất mong được biết cụ thể hơn”. (Độc giả Trần Biên Thùy - Phú Thọ).

Tấm lợp sử dụng amiăng trắng - vật liệu xây dựng phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: INT
Tấm lợp sử dụng amiăng trắng - vật liệu xây dựng phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: INT

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Nguyễn An Lương - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam - cho biết, sở dĩ Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam đưa ra kết luận như thế vì hiện nay số đề tài nghiên cứu liên quan đến amiăng ở Việt Nam còn ít và không có sự liên kết nằm trong một hệ thống, cũng như không có sự chỉ đạo, theo dõi trong một thời gian dài về tác hại của amiăng trắng ở Việt Nam. Các đề tài mới là những lát cắt ngang chứ chưa có sự nghiên cứu dịch tễ học theo dõi dọc trong mấy chục năm về tác hại của amiăng lên con người. Thường thì người tiếp xúc với amiăng phát bệnh rất lâu sau tiếp xúc - từ 20-40 năm, thường là người lao động đã về hưu rồi mới phát bệnh.

TS Nguyễn Văn Sơn cho biết, thời gian thực hiện các đề tài nghiên cứu về tác hại của amiăng thường ngắn, dài nhất cũng chỉ 2 năm, kinh phí hạn chế và vẫn là nghiên cứu cắt ngang - nghiên cứu tại một thời điểm, tức là khi người bệnh đi khám, chụp phim, từ đó đưa ra kết quả cuối cùng. Ngoài ra, thực tế tuổi nghề của người lao động rất ngắn (khoảng dưới 15 năm), chưa đủ thời gian phát các bệnh do amiăng gây ra, đặc biệt là các bệnh ung thư.


Trong khi đó, các đề tài nghiên cứu của nước ngoài thường nghiên cứu cả một quá trình. Họ theo dõi người tiếp xúc với amiăng trong thời gian rất dài, ghi nhận sau bao nhiêu năm thì phát bệnh, nghĩa là có số liệu một cách tổng thể, hệ thống, từ đó mới đưa ra câu trả lời chính xác rằng amiăng tác động như thế nào, dùng bao nhiêu tấn amiăng thì có một trường hợp ung thư.

“Ở Việt Nam hiện chưa có tổ chức nào được giao nhiệm vụ theo dõi, thống kê những người có tiếp xúc với amiăng (cả trong sản xuất và môi trường sống) từ khi còn trẻ đến khi nghỉ hưu và kết thúc cuối đời. Vì vậy mà ta không có số liệu đầy đủ về người bị bệnh do amiăng (bụi phổi amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô...) như các nước phát triển đã theo dõi và công bố” - PGS Lương nói.

Tuy nhiên, theo TS Sơn, hiện nay chúng ta không nên đặt vấn đề nghiên cứu tác hại của amiăng vì như thế mấy chục năm sau mới có kết quả, mà nên tập trung nghiên cứu xác định gánh nặng của amiăng gây ra như thế nào và dự báo để có những giải pháp về sau.