Cha mẹ bất tài không có nghĩa là không có năng lực, đơn giản họ có tầm nhìn xa, biết lùi lại để con tiến bước và phát triển toàn diện.

Trong một show tạp kỹ gần đây của đài truyền hình Trung Quốc, nam diễn viên gạo cội Từ Cẩm Giang cùng con trai Từ Phỉ đã gây nên rất nhiều chú ý, khi người bố giống như "đứa trẻ to xác" vụng về, chậm chạp, còn cậu con trai 20 tuổi vô cùng chín chắn, biết quan tâm đến bố từng ly từng tí, lại xử lý công việc rất khéo léo. Câu chuyện về hai cha con trở thành tâm điểm tranh luận trên mạng, nhiều ý kiến cho rằng cách nuôi con của Từ Cẩm Giang rất hợp lý, bởi thế nên khi anh ở tuổi trung niên đã được nhờ cậy vào con cái.

Không ít ý kiến đồng thuận rằng, đôi khi cách giáo dục hợp lý nhất với con cái chính là biến mình thành "phụ huynh bất tài", nhờ thế trẻ càng có cơ hội học tập, khôn lớn, trưởng thành.

1. Cha mẹ "bất tài", con cái học cách tự lập

Trong việc chăm sóc con cái, nhiều cha mẹ chọn cách theo bước chân con từng ly từng tí. Thay vì để con tự thân vận động, họ can thiệp vào mọi quá trình sinh hoạt của đứa trẻ. Mọi hoạt động của trẻ gắn liền với bố mẹ. Trong mắt trẻ, bố mẹ là thật toàn năng, và rồi nó có thói quen bất kể việc gì cũng hướng về phụ huynh để có được sự trợ giúp. Đứa bé cũng dần nảy sinh suy nghĩ bất cần, vô trách nhiệm vì "đã có bố mẹ lo". Lớn lên, trẻ tuýp này không thể trở thành một người độc lập, biết lo cho bản thân lẫn những người xung quanh.

Ngược lại, nếu bố mẹ "bất tài", việc gì cũng không động tay, không can thiệp mà để trẻ tự làm, tự khám phá, dần dần trẻ sẽ cải thiện khả năng sống và bứt ra khỏi sự phụ thuộc. Đây được cho là bản năng vốn có của con người, mà trong nhiều trường hợp bị thui chột vì chính bố mẹ.

Đừng quên, khi không được cung cấp cho những điều kiện ban đầu tốt đẹp, đứa trẻ sẽ phải tự khắc lao động vất vả để đạt được thành quả chúng muốn. Đây chính là quá trình chuẩn bị, để trẻ có thể sống độc lập và trở thành người trưởng thành, bản lĩnh trong tương lai.

2. Cha mẹ "bất tài" là dạy con cách quan tâm

Nhiều bậc cha mẹ hiện nay băn khoăn tự hỏi tại sao con cái của họ dần càng trở nên ích kỷ hơn. Thực chất sự ích kỷ này được nuông dưỡng bởi chính cha mẹ. Lý do: Mọi thứ tốt đẹp đều được dành cho đứa trẻ, khiến nó nghiễm nhiên nghĩ mình vốn có những thứ đó, không hề có ý thức nghĩ đến người dành những thứ tốt đẹp cho mình.

Cha, mẹ luôn cho rằng hy sinh vô điều kiện cho con là nghĩa vụ của mình, là cách biểu đạt tình yêu thương không giới hạn với con. Họ không bao giờ "đòi" lại. Vì bố mẹ cho không điều kiện, nên trẻ cũng không có ý thức đáp lại, dần hình thành sự ích kỷ.

Trong cuộc sống, làm cha mẹ đúng đắn chính là học cách thể hiện sự "bất tài" trước mặt con, thể hiện khía cạnh "yếu đuối" của mình để có được sự giúp đỡ của con, để bé thấy rằng cha mẹ cũng cần được quan tâm. Đồng cảm là một dạng cảm xúc vô cùng quan trọng, và trẻ sẽ học về đồng cảm thông qua bố mẹ là gần gũi nhất. Trẻ biết đồng cảm khi trưởng thành sẽ dễ dàng xây dựng các mối quan hệ cá nhân trong tương lai, so với những trẻ vô tâm.

3. Cha mẹ "bất tài" là dạy con biết chịu trách nhiệm

Trong show truyền hình mà diễn viên Từ Cẩm Giàng tham gia, khán giả thấy anh là một người bố sẵn sàng ủy thác cho con việc đưa ra quyết định. Đổi lại, cậu con trai cho thấy bản thân là người chịu trách nhiệm, sẵn sàng đứng ra giải quyết mọi vấn đề. Khán giả đánh giá cậu thanh niên Từ Phỉ thật bản lĩnh và mạnh mẽ, là một người con hiếu thảo, tương lai sẽ là người chủ gia đình tốt.

Việc trao quyền cho con làm chủ cuộc sống của mình, theo các cách khác nhau, ở những độ tuổi khác nhau là để con dần biết chịu trách nhiệm trước mọi việc làm của mình. Khi trẻ còn nhỏ, bạn dạy con biết chịu trách nhiệm, thì khi con trưởng thành, nó sẽ không là gánh nặng cho xã hội, cho gia đình, ngược lại, gánh vác trách nhiệm gia đình và xã hội. Đó chính là các hạt nhân ưu tú của xã hội.

Thực chất, cha mẹ "bất tài" không có nghĩa là không có năng lực, thậm chí là những bậc cha mẹ có tầm nhìn xa, biết bước lùi lại để đứa con tiến bước và phát triển toàn diện trong tương lai.