Với ưu điểm làm chủ nhiều mô hình tính toán chuyên dụng và tinh thần chủ động trong công việc, sau gần 20 năm hoạt động, Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD) - ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thủy động lực học môi trường.

Vào năm 1999, khi phần nhiều các trường đại học mới chỉ tập trung vào hai mảng đào tạo và nghiên cứu mà ít quan tâm đến ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu, Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD) được thành lập như một mô hình tiên phong để trường ĐH Khoa học tự nhiên thử nghiệm “công thức” nghiên cứu đi kèm với phát triển công nghệ và chuyển giao thị trường. Thuận lợi cho CEFD là thị trường đã có sẵn và rất tiềm năng khi nhu cầu về dự báo tình hình khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng phó và phòng tránh thiên tai lũ lụt… ngày càng gia tăng, tuy nhiên cái khó của CEFD là phải tự chủ.

PGS.TS Trần Ngọc Anh, giám đốc CEFD, nói vui, “Trung tâm vừa sinh ra đã phải tự bơi”. Là đơn vị tự chủ hoàn toàn, CEFD không có nguồn kinh phí thường xuyên như các đơn vị công lập khác, vì thế cán bộ của Trung tâm – phần lớn là các giảng viên thuộc ĐHKHTN kiêm nhiệm, chủ yếu sống dựa vào đồng lương giảng viên, khoản thu nhập thêm ở trung tâm đến từ việc tham gia thực hiện một số đề tài, dự án.

Với một đơn vị trực thuộc trường đại học như CEFD, tự chủ có phải là thách thức quá lớn? Trên thực tế, chính điều này mang lại hai thuận lợi cơ bản cho CEFD. Thứ nhất, với tư cách là đơn vị tự chủ, CEFD có một vị thế pháp lý đủ tốt để triển khai các hoạt động theo ý tưởng của ban giám đốc, đặc biệt là quyết định về tuyển dụng, bố trí nhân sự - CEFD có thể linh hoạt huy động chuyên gia theo nhiều hình thức khác nhau: toàn thời gian, kiêm nhiệm hay huy động theo từng dự án. Nếu là một đơn vị được Nhà nước “bao nuôi” sẽ rất khó triển khai như vậy, bởi các quy định và thủ tục phức tạp trong tuyển dụng và sử dụng cán bộ. Cũng nhờ tự chủ mà CEFD mới có thể “mạnh tay” đối ứng hơn 10% (khoảng 4 tỷ đồng) bằng tiền túi của mình để nhận được khoản tài trợ thông qua dự án đổi mới sáng tạo của FIRST vào năm 2017.

Ngược lại, là một đơn vị trong trường đại học, CEFD có thể tận dụng được nguồn lực chuyên gia dồi dào từ trường – 5/8 khoa hiện tại của trường đều có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của Trung tâm (Địa lý, Địa chất, Môi trường, Sinh học, Khí tượng thủy văn). Việc duy trì một đội ngũ chuyên gia như vậy thường là gánh nặng kinh phí với các đơn vị tư nhân nhưng với CEFD thì mọi việc lại dễ dàng hơn bởi nhiều chuyên gia đã thuộc biên chế của ĐHKHTN nên chỉ phải trả công theo dự án họ tham gia.

Nhờ tận dụng lợi thế về chuyên gia đa lĩnh vực, sau một thời gian xoay xở tìm hướng đi, đến năm 2008 CEFD đã xác định được định hướng hoạt động là về lĩnh vực thủy khí nói chung với trọng tâm là phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu – mang tính liên ngành cao, thay vì chỉ giới hạn trong địa hạt môi trường biển như ban đầu.

Do yêu cầu công việc, cán bộ của CEFD phải “đa di năng”, năng lực làm việc ở hiện trường tốt. Trong ảnh, cán bộ CEFD đang tổ chức bố trí tuyến quan trắc và đo nồng độ bùn cát tại khu vực ven biển Trà Lý, Thái Bình. Nguồn: CEFD

Không ngại “đóng vai phụ” để tích lũy kinh nghiệm

Với những thuận lợi mà không nhiều đơn vị cùng lĩnh vực có được, CEFD có thể chủ động tìm hiểu thị trường, đấu thầu và thực hiện dự án cũng như chuyển giao công nghệ cho nhiều đơn vị, địa phương. Tính đến nay, CEFD đã có hơn 60 dự án trải dài trên toàn quốc, trong đó có nhiều dự án quốc tế với chủ thầu là World Bank, Đại sứ quán Đan Mạch… với trị giá lên đến gần 3 triệu USD. Đây là một con số ấn tượng đối với một đơn vị công tuy nhiên để có được những thành công này, CEFD đã phải liên tục tích lũy năng lực trong nhiều năm.

Nhớ lại thời điểm đầu mới thành lập, chưa gây dựng được uy tín, PGS. Ngọc Anh nói: “Thông thường muốn có dự án thì cần phải có kinh nghiệm tốt, nhưng với đơn vị mới bắt đầu làm thì làm gì có kinh nghiệm”. Anh ví von một cách hình ảnh “đây là bài toán con rắn cắn đuôi mãi không có hồi kết”, và chỉ có cách giải quyết duy nhất là kiên trì tiến dần từng bước. Trong những ngày đầu, CEFD chấp nhận tất cả mọi lời đề nghị công việc tới Trung tâm, kể cả những việc mà chi phí thu được rất thấp, có khi không đủ bù chi phí thực hiện, với mong mỏi “làm để tích lũy năng lực”.

Ban đầu, CEFD chọn giải pháp liên doanh với một vài đơn vị quốc tế có uy tín để làm nhà thầu “phụ của phụ”, nhưng “chen” được vào dự án. Những phần việc tương đối nhỏ đó giúp CEFD tranh thủ cơ hội học hỏi, đào tạo chuyên gia trong nước đạt tầm quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng để Trung tâm nhích dần tỷ lệ tham gia thực hiện các dự án cùng các đơn vị quốc tế. Với cách làm như vậy, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản khi tham gia dự án quốc tế tại Việt Nam, Trung tâm đủ năng lực và kinh nghiệm đảm nhận toàn bộ phần chuyên gia trong nước. “Trước đây họ làm chính, mình phụ. Còn giờ mình làm chính, họ phụ” – PGS. Ngọc Anh tổng kết.

Không chỉ là thực hiện dự án đó cho các “nhà thầu” quốc tế, CEFD còn quan tâm phát triển các mô hình tính toán để có thể chuyển giao cho các địa phương, qua đó giúp họ chủ động áp dụng vào tình hình thực tế địa phương. Ví dụ năm 2010, khi biết GS.TS Trần Tân Tiến có đề tài nghiên cứu “Xây dựng quy trình công nghệ dự báo liên hoàn bão, sóng và nước dâng thời hạn trước ba ngày”, CEFD đã chủ động phối hợp cùng ông triển khai kết quả nghiên cứu thành công nghệ để ứng dụng cho các khu vực cụ thể ở Quảng Ngãi.

Trong trường hợp này, mô hình của nhà nghiên cứu chỉ là bộ khung, còn các nhà nghiên cứu ở Trung tâm với thực tế kinh nghiệm đã bổ sung thêm nhiều kết nối dữ liệu khác và các tham số thực địa để tạo thành mô hình phù hợp cho Quảng Ngãi. Khi đề cập đến quá trình chuyển đổi sản phẩm nghiên cứu thành công nghệ chuyên dụng, PGS. Ngọc Anh chia sẻ, cùng một mô hình tính toán nhưng mỗi địa phương có đặc thù địa lý, khí tượng thủy văn khác nhau nên sản phẩm dành cho mỗi nơi “phải được may đo, tùy chỉnh phù hợp với đúng khu vực”.

Để đáp ứng được yêu cầu này, cán bộ của CEFD đòi hỏi vừa phải thành thạo nhiều mô hình tính toán, vừa phải có am hiểu về thực tế, nghĩa là phải đi thực địa nhiều, bản thân là nhà quản lý nhưng PGS. Ngọc Anh cũng phải dành đến ¼ thời gian trong năm để đi thực địa.

Ở các dự án quốc tế, như “Dự án Phát triển hạ tầng, môi trường đô thị để ứng phó với BĐKH TP.Đồng Hới” do World Bank tài trợ, CEFD đảm nhận toàn bộ các chuyên gia tư vấn trong nước. Nguồn: CEFD

Tư duy thị trường nhạy bén

Có trong tay các mô hình tính toán chuyên dụng và có những hiểu biết căn bản về tình hình địa chất, thủy văn nhiều địa phương nhưng điều đó vẫn chưa đảm bảo một thị trường bền vững cho CEFD. Để có được điều đó, Trung tâm chủ động “bảo hành” sản phẩm của mình bằng hàng loạt hoạt động thử nghiệm và kiểm định, giữ cho công cụ và mô hình tính toán của mình đạt độ chính xác, phù hợp với yêu cầu của địa phương. Thậm chí, để tạo điều kiện cho họ áp dụng tốt mô hình, CEFD còn phải tổ chức khóa đào tạo cho cán bộ địa phương, giúp họ hiểu và sử dụng thành thạo các công cụ này – đây là những giá trị gia tăng mà CEFD hướng đến.

Theo quan điểm của PGS. Ngọc Anh, bên cạnh chất lượng sản phẩm thì mục tiêu của CEFD là phải cung cấp đúng sản phẩm mà người dùng cần. Tuy nhiên, cũng giống như Iphone – khách hàng không biết họ có nhu cầu về điện thoại cảm ứng cho đến khi nhà sản xuất chỉ ra nó, các địa phương nhiều khi cũng không biết đến việc cần một phần mềm quản lý về thủy khí có thể lập bản đồ kỹ thuật về tình hình ngập lụt theo nhiều kịch bản khác nhau khi được nhập thông số, qua đó có được những quyết định chính xác đúng thời điểm, tránh thiệt hại về của cải vật chất, thậm chí cả con người, trước những rủi ro thiên tai.

Đối với quyết định di dân khi có lũ, hiện nay đã có công nghệ nhưng ở hầu hết địa phương, các cán bộ vẫn còn dựa vào kinh nghiệm, vì họ không biết và cũng không nghĩ là có một thứ công nghệ có thể “giúp” họ. Vậy làm cách nào để họ biết đến công nghệ này? Thường xuyên đi thực địa, Trung tâm có điều kiện tiếp xúc với nhiều địa phương, kịp thời nắm bắt những yêu cầu của họ và giới thiệu những mô hình tính toán CEFD hiện có.

Ví dụ như trước đây khi đi khảo sát thủy điện sông Tranh, CEFD có trao đổi với Sở tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Nam, và biết họ đang gặp vấn đề về cấp phép khai thác nước ngầm – yếu tố gần như bắt buộc nếu muốn thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh (bởi chi phí dẫn nước từ nơi khác rất cao) nhưng khai thác ở khu vực nào và khai thác bao nhiêu là hợp lý? – đây là những điều Sở tài nguyên Quảng Nam rất băn khoăn. Vì thế CEFD đã đề xuất đề án “Khoanh vùng cấm, vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” và xây dựng phần mềm quản lý cấp phép để thay thế cho việc cấp phép bằng giấy hiện nay. UBND tỉnh cuối cùng đã đồng ý, cấp ngân sách hơn 1,3 tỷ VNĐ thực hiện đề án và sẽ kết thúc vào tháng 8/2019.

Tuy nhiên, không phải mọi nơi đều thông thuận như ở Quảng Nam, nhiều trường hợp, CEFD phải đến tận địa phương để chào hàng cho họ về công nghệ mới và không chắc sẽ nhận được cái gật đầu. Chi phí của những chuyến đi như vậy Trung tâm phải chấp nhận bỏ tiền túi bởi theo PGS. Ngọc Anh: “CEFD phải đi trước, phải khai phá thị trường. Bởi nếu như đợi mọi thứ đã hình thành [địa phương đã có ý tưởng về công nghệ để mời thầu] thì cạnh tranh sẽ khó hơn nhiều.”

FIRST đã có nhiều đổi mới về thủ tục xét duyệt tài trợ

Năm 2017, CEFD nhận được khoản tài trợ trị giá 1.860.116 USD cho dự án “Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và mô phỏng/dự báo các điều kiện khí tượng hải văn - môi trường biển và đới ven bờ độ phân giải cao phục vụ khai thác bền vững tài nguyên biển và giảm thiểu rủi ro thiên tai”. Dự án đã đi được một nửa chặng đường và sẽ kết thúc vào tháng 5/2019. Phóng viên Báo KH&PT đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Ngọc Anh, giám đốc CEFD về hiệu quả hợp tác giữa FIRST và CEFD.

Khi đề xuất FIRST tài trợ, CEFD hướng tới mục tiêu gì?

Mục tiêu của CEFD là tăng cường năng lực để có được sản phẩm chủ lực, tiến ra thị trường quốc tế, điều này cũng rất phù hợp với mục tiêu tài trợ của FIRST. Tổng mức đầu tư của FIRST cho CEFD là gần 1,9 triệu USD để mua sắm một hệ thống radar di động quan trắc sóng và dòng chảy ven bờ, hệ thống đo dòng chảy và các yếu tố môi trường biển, hệ thống tính toán hiệu năng cao.

Tuy nhiên tài trợ của FIRST chỉ giới hạn trong đầu tư trang thiết bị, còn công nghệ và nhân lực để thực hiện dự án là do CEFD tự bỏ tiền đối ứng, rơi vào khoảng 10% giá trị tài trợ. Khoản đối ứng này tương đối lớn nhưng CEFD chấp nhận vì phát triển năng lực nằm trong kế hoạch phát triển của Trung tâm.

Dự án này có điểm khác gì so với dự án thông thường mà Trung tâm vẫn thực hiện?

Điểm khác biệt là FIRST đề ra một số chỉ tiêu trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, dự án phải có sản phẩm đầu ra là bài báo công bố quốc tế, đăng ký sở hữu trí tuệ, đào tạo được nghiên cứu sinh. Về dài hạn, dự án phải thương mại hóa được và tăng được doanh thu.

Vì thời gian thực hiện chỉ có hai năm nên dự án đang chạy nước rút về thời gian. Một là có bài công bố quốc tế sẽ rất mất thời gian, vì phải có sản phẩm rồi mới viết được, sau đó trải qua quy trình phản biện, biên tập mất từ 6 tháng đến một năm. Dự án cũng phải đăng ký sở hữu trí tuệ cho giải pháp hữu ích nữa, nhưng hiện tại thậm chí CEFD mới đang ở giai đoạn mua sắm thiết bị. Đây là thách thức lớn đối với Trung tâm, tuy nhiên cũng phải thừa nhận là chỉ tiêu hoàn thành dự án là do Trung tâm và FIRST cùng thỏa thuận.

Qua quá trình thực hiện ban đầu, anh có nhận xét gì về quy trình làm việc của FIRST?

Về mặt thủ tục thì tôi thấy FIRST khá đổi mới, đã trao quyền tự quyết nhiều cho cấp dưới, dù vậy vẫn có một số khó khăn trong triển khai do yêu cầu thủ tục từ phía Bộ KH&CN, Bộ Tài chính như phê duyệt kế hoạch thường chậm, không linh động. Ví dụ như trong kế hoạch dự kiến sẽ kết thúc hợp đồng vào ngày 31/12 nhưng do yếu tố thời tiết mà máy móc về vào ngày 1/1, thì mọi thứ cần giải ngân phải để lại sang năm sau hết. Đây không phải do FIRST cố ý mà họ phải tuân thủ quy định bắt buộc. CEFD đã làm việc với nhiều dự án có quy trình bắt buộc như FIRST nên đã lường trước được, chấp nhận và chuẩn bị tinh thần. Tuy nhiên một số đơn vị khác có thể sẽ thấy “có vấn đề” với quy trình này.

Minh Thuận (thực hiện)