Một trong những phương pháp cấy được ứng dụng phổ biến là SRI (System of Rice Intensification - hệ thống thâm canh lúa cải tiến), ra đời từ những năm 1980 ở Madagascar.
Sự đúc kết qua nhiều thập kỷ
Tu sỹ, nhà nông học người Pháp Fr. Henri de Laulanié, S.J. ở Madagascar là “cha đẻ” của phương pháp SRI hơn 30 năm về trước. Sau 20 năm quan sát, nghiên cứu cách trồng lúa của nông dân Madagascar, trực tiếp làm việc cùng họ để tìm cách nâng cao sản lượng lúa mà không dựa vào tác nhân bên ngoài, ông rút ra vài điểm nổi bật: Trồng 1 cây mạ/chỗ có hiệu quả hơn trồng 1 khóm mạ/chỗ; trồng ở mặt ruộng ẩm nhưng không ngập nước tốt hơn là ruộng ngập nước liên tục; trồng lúa theo hình vuông tiện cho việc làm cỏ hơn là theo đường thẳng.
Thử nghiệm cấy thưa với khoảng cách 25x25cm, Henri de Laulanié thu được kết quả tốt hơn cách cấy thông thường. Nhờ tới quyết định cấy khóm mạ non chưa đủ ngày tuổi để đón mưa (mạ mới 15 ngày, trong khi bình thường cần tới 30 ngày mới cấy), ông đã phát hiện rằng cấy mạ non sẽ giúp cây sinh trưởng tốt hơn cấy mạ già.
Norman Uphoff - người có công phổ biến rộng phương thức thâm canh cải tiến SRI.
Ảnh: RSSing
Với những cải tiến đó, phương pháp trồng lúa được đánh giá là “sự sáng tạo đổi mới nổi bật nhất trong lĩnh vực nông nghiệp” ở thế kỷ 20 đã dần được định hình. Càng về sau, cùng với các thử nghiệm của Laulanié và những nông dân đã tin tưởng ông, phương pháp SRI ngày càng hoàn thiện.
Với phương pháp này, nông dân sử dụng mạ 8-15 ngày, cấy theo khoảng cách 20x20cm hoặc 20x25cm. Đây được cho là khoảng cách đủ thưa để cây lúa nhận đầy đủ ánh sáng, giúp bộ rễ phát triển chắc khỏe, hút được nhiều dinh dưỡng, tăng khả năng đẻ nhánh, tạo ra nhiều khóm và tăng kích thước khóm.
Kết quả là sau 1 tháng cấy, mỗi cây mạ có thể sinh từ 30-50 nhánh, có cây đẻ được 80-100 nhánh. Không chỉ đẻ nhánh tốt, bộ rễ lớn còn giúp cây có khả năng chống chọi tốt hơn với các điều kiện tự nhiên ngày càng khắc nghiệt như gió, bão, ngập lụt.
Vượt qua cả “vua lúa” nhờ cấy thưa
Năm 2013, tin người nông dân Sumant Kumar ở làng Darveshpura, đông bắc Ấn Độ - người áp dụng phương pháp cấy SRI cho đồng ruộng của mình - thu hoạch được 22,4 tấn thóc/ha khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Đây là một kỷ lục, vượt qua cả kỳ tích của nhà nông học Trung Quốc Yuan Longping - người được cho là “cha đẻ của lúa lai” với năng suất 19,4 tấn/ha.
Cũng nhờ áp dụng phương pháp cấy thưa, ngôi làng Darveshpura của Sumant Kumar từ chỗ nghèo xác xơ, không có điện đã trở thành ngôi làng nổi tiếng, được cấp điện, có nhà băng và một cây cầu kiên cố.
Oun Poy - một nông dân 36 tuổi người Campuchia áp dụng cấy SRI - rạng rỡ sau vụ thu hoạch. Ảnh: Oxfamamerica
“Trước kia, việc làm nông không mang lại lợi nhuận; nhưng hiện giờ tôi nhận thấy là nó có thể. Cuộc đời tôi đã thay đổi. Tôi có thể đưa con tới trường và chi tiêu nhiều hơn cho sức khỏe. Thu nhập của tôi được cải thiện đáng kể” - Nitish Kumar - một nông dân cùng làng với Sumant Kumar, người cũng phá vỡ kỷ lục về năng suất khoai tây thế giới nhờ áp dụng SRI nói.
Tương tự, một nông dân tại bang Chhattisgarh, Ấn Độ cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thường xuyên thiếu đói. Tôi có đất nhưng sản xuất ra chẳng đủ ăn cho gia đình trong một năm. Sau khi nhân viên Oxfarm (một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công - PV) dạy tôi cách canh tác bằng SRI, giờ tôi có thể trồng bất cứ loại cây hay ngũ cốc nào mà tôi muốn. Sản lượng đã tăng gấp đôi. Tôi không cần dùng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu. Giờ chúng tôi đã đủ ăn, có của ăn của để. Tôi thậm chí còn mua được cả trâu bò, mỗi năm mua một món đồ mới. Các cháu của tôi có thể tới trường học”.
Norman Uphoff - chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Nguồn lực và Kết nối quốc tế SRI, cựu Giám đốc điều hành Viện Quốc tế về lương thực, nông nghiệp và phát triển Cornell, Mỹ - kể lại rằng khi mới nghe về kỳ tích của SRI, ông đã nghi ngờ.
“Tôi nhớ mình đã nói với nhân viên của Tefy Saina - một hiệp hội do tác giả SRI tổ chức nhằm quảng bá phương pháp này - rằng đừng nói hoặc nghĩ về việc có thể nâng năng suất lên 10-15 tấn mỗi hécta mà không cần mua giống cải tiến, không dùng thuốc hóa học hay trừ sâu, bởi chẳng ai ở Cornell có thể tin điều đó. Nếu chúng tăng được năng suất từ 2 tấn lên 3-4 tấn/ha cũng đã đủ để hài lòng” - Uphoff cho biết. Tuy nhiên, sau khi bắt tay vào nghiên cứu về cấy thưa, nhà khoa học này phát hiện mình đã sai lầm.
“Những lợi ích của phương pháp này khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về phương pháp tiếp cận máy móc với nông nghiệp. Thay vì tăng sản lượng bằng cách cải thiện gene của hạt giống, dùng nhiều phân bón hóa học, chúng ta phải học cách nhìn toàn cảnh quá trình và mối quan hệ của các bộ phận trong quá trình đó. Có như vậy, chúng ta mới có khả năng tạo ra sự cải thiện ở mọi cấp độ trong canh nông, tối ưu hóa mọi thứ từ giống cây, hỗ trợ sinh vật sống trong đất tới hệ thống canh tác” - Norman Uphoff nói và cho biết, nhờ tăng hiệu quả kinh tế của việc trồng lúa, phương pháp cấy thưa có một ý nghĩa kinh tế - xã hội vô cùng to lớn: Giúp cải thiện đời sống cho người nông dân ở những nơi nghèo khó nhất hành tinh.
“Nó tạo cơ hội cho những người nông dân nghèo nhất trên thế giới - đối tượng không được hưởng lợi từ việc cơ giới hóa nông nghiệp và tăng cường sử dụng hóa chất trong nông nghiệp vào nửa cuối thế kỷ 20” - ông khẳng định.
Tại sao cấy thưa thành công?
So sánh SRI và phương pháp hiệu ứng hàng biên của kỹ sư Chu Văn Tiệp, có thể dễ dàng nhận thấy điểm tương đồng lớn nhất, cũng là yếu tố quan trọng nhất đem lại sự thành công của 2 kỹ thuật này, đó là đều cấy thưa để tận dụng lợi ích của ánh sáng và kết quả đều là tăng năng suất, giảm tiêu thụ nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống.
Các chuyên gia giải thích, nhờ cấy thưa, cây có điều kiện đón ánh nắng nhiều hơn, có thêm diện tích quang hợp, tán lớn hơn. Chính những điều này giúp cho bộ rễ của lúa phát triển nhanh chóng và bền vững hơn, hút được lượng chất dinh dưỡng lớn hơn, đa dạng hơn, từ đó cho năng suất cao hơn.
Cấy SRI tại một làng ở Ấn Độ. Ảnh: INT
Nếu nhổ những cây trồng theo phương pháp SRI, bạn sẽ thấy chúng có một hệ rễ to, khỏe và đâm sâu hơn. Một thử nghiệm về khả năng chịu lực của bộ rễ cho thấy, để nhổ những cây này, bạn cần một lực lớn gấp 5-6 lần so với lực cần để nhổ một cây trồng theo phương pháp thường. Việc có nhiều rễ giúp cây tăng khả năng đẻ nhánh và đậu hạt...
Ngoài ra, có một yếu tố không kém phần quan trọng tạo nên sự khác biệt của SRI là khả năng tăng cường sự phong phú, đa dạng của sinh vật trong đất, từ các vi sinh vật (vi khuẩn và nấm) thông qua tuyến trùng, sinh vật đơn bào tới động thực vật, đặc biệt là giun đất.
Theo tính toán của các chuyên gia, SRI giúp tăng năng suất từ 30-50% so với các phương pháp cấy trước đó trong khi giảm được 60% giống, 40-50% nước tưới, 50-100% lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Tới nay, SRI đã được khoảng 4-5 triệu nông dân tại 51 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ áp dụng. Chính phủ rất nhiều quốc gia như Campuchia, Sri Lanka, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc... đang ủng hộ phương pháp này.
Tại Việt Nam, SRI được triển khai từ những năm đầu thế kỷ 21 và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Đến nay, phương pháp này đã được nhiều tỉnh áp dụng thành công.
Điểm khác biệt của phương pháp hiệu ứng hàng biên là khoảng cách giữa các hàng lúa không đều nhau như ở SRI mà chia thành hàng rộng, hàng hẹp; trong đó hàng rộng lớn gấp rưỡi khoảng cách hàng trong SRI, còn hàng hẹp có kích thước tương đương.
Ngoài ra, nếu như SRI áp dụng một công thức cấy cho mọi giống thì trong phương pháp hiệu ứng hàng biên, mỗi giống lúa có một công thức riêng về khoảng cách hàng sông rộng, hàng sông hẹp và khoảng cách giữa các cây lúa.
Theo tác giả Chu Văn Tiệp và các chuyên gia uy tín đã gắn bó với phương pháp này như Giáo sư - tiến sỹ Trần Duy Quý, tiến sỹ Nguyễn Văn Biếu, thực tế canh tác ở các địa phương đã chứng tỏ cấy hàng biên có hiệu quả cao hơn so với khi áp dụng SRI. Tuy nhiên, để khẳng định điều này trên một quy mô canh tác lớn, rất cần có sự kiểm nghiệm, đánh giá một cách toàn diện về mặt khoa học, với sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.