Một cành cây bỗng ra quả màu đỏ, đặc trưng của cây cái, trong khi phần còn lại vẫn là cây đực, cho thấy rất có thể cây đang trong quá trình chuyển giới tính.

cay-dai-thu-gia-nhat-nuoc-anh-chuyen-gioi-tinh-sau-3000-nam

Cây thanh tùng hàng nghìn năm tuổi ở làng Fortingall, Scotland. Ảnh: Alamy

Theo Telegraph, cây thanh tùng châu Âu ở làng Fortingall, hạt Perthshire, miền trung Scotland, ước tính 3.000-5.000 tuổi, được coi là già nhất châu Âu, từ lâu được coi là cây đực vì nó sản sinh ra phấn hoa - trái với những cây thanh tùng cái, ra trái mọng nhỏ, màu đỏ đặc trưng.

Các nhà thực vật học cho biết, họ vô cùng bất ngờ khi phát hiện ba quả đỏ trên một nhánh cây thanh tùng hồi tháng 10. Đây là dấu hiệu cho thấy, một phần của cây đang chuyển giới thành cái.

"Thanh tùng có thể là cây đực hoặc cái. Vào mùa thu hoặc mùa đông, cây ra quả, nên rất dễ xác định giới tính của nó", tiến sỹ Max Coleman, người phát hiện cây thanh tùng Fortingall ra trái đỏ, cho biết. Ông là chuyên gia Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn thực vật hoàng gia Edinburgh (RBGE).

"Cây đực mọc nhiều khối cầu nhỏ chứa phấn hoa, sẽ phát tán khi trưởng thành. Cây cái lại cho quả mọng màu đỏ tươi khi trời chuyển thu sang đông. Do đó, tôi vô cùng bất ngờ khi phát hiện một chùm ba quả mọng trên cây thanh tùng Fortingall hồi tháng 10, trong khi những phần khác của cây rõ ràng là đực".

Tiến sỹ Coleman cho biết, đã thu thập hạt từ ba quả trên, và đưa vào một dự án lớn về "bảo tồn đa dạng di truyền của cây thanh tùng", bằng cách trồng chúng ở vườn bách thảo.

cay-dai-thu-gia-nhat-nuoc-anh-chuyen-gioi-tinh-sau-3000-nam-1

Quả mọng màu đỏ mọc trên cây thanh tùng cái. Ảnh: Hemeida