Tôi là độc giả theo dõi thường xuyên báo Khoa học và Phát triển trên trang điện tử Isusu. Tôi ấn tượng với chuyên đề Nông nghiệp công nghệ cao và tâm đắc với quan điểm cần nội địa hóa các thiết bị, dây chuyền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Việc đầu tư một tuyến bài để làm rõ vấn đề này là điều cần thiết và nó giúp tôi có cái nhìn sâu sắc, đầy đủ về phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Tôi cho rằng đây là điều đáng quý với một tờ báo ngành, vốn bị định kiến là “cúng cụ”.

Giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT, Australia. Ảnh: Loan Lê

Tuy nhiên, sau khi theo dõi nhiều số báo, tôi thấy rằng báo Khoa học và Phát triển hầu như vẫn đang khu trú ở nội dung trong nước, chưa mở rộng được các nhân vật ở nước ngoài. Việt Nam có nhiều nhà khoa học hiện đang nghiên cứu tại nhiều trường đại học ở nhiều nước trên thế giới.

Tôi tin rằng, họ sẽ có những câu chuyện khoa học hay, hướng nghiên cứu mới mà nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới đang hướng tới. Việc có nhiều nhân vật ở nhiều nơi trên thế giới sẽ tạo ra cảm giác tờ báo lan tỏa hơn và có nhiều hiệu ứng tích cực.

Một dạng bài khác tôi cũng mong muốn được đọc nhiều hơn là bài thể hiện quan điểm về một vấn đề của xã hội dưới góc nhìn khoa học. Điển hình là bài viết của Giáo sư Phong Lê về “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải”. Những bài như vậy đối với cá nhân tôi vừa có thông tin, vừa có góc nhìn, quan điểm, đáng để đọc nhiều lần.