Tỷ phú Michael Bloomberg, người giàu thứ 8 nước Mỹ (thứ 11 thế giới) vừa tuyên bố hiến tặng Đại học John Hopkins (nơi ông lấy bằng cử nhân) khoản tiền 1,8 tỷ USD để nhà trường không còn cần phải bận tâm tới tiêu chí tài chính trong hồ sơ xét tuyển của ứng viên – câu chuyện kỳ diệu rất đáng để người Việt Nam phải suy ngẫm.

Hãy cùng nói về một vị bồ tát sống khác, đó là tỷ phú Chuck Feeney – người sáng lập chuỗi cửa hàng miễn thuế Duty Free Shop trên khắp nước Mỹ, vào năm ngoái (2017) đã hoàn toàn trở thành “trắng tay” khi quyên tặng nốt 7 triệu USD cuối cùng trong khối tài sản 8 tỷ USD của mình cho Đại học Cornell nhằm hỗ trợ sinh viên tham gia công tác cộng đồng.

Đặc biệt, ông cũng đã tiếp sức rất nhiều cho Việt Nam khi chi tổng cộng gần 220 triệu USD cho các dự án giáo dục, y tế, thư viện … khắp từ Nam ra Bắc trong giai đoạn 1998 – 2006. Chưa hết, Quỹ Atlantic Philanthropies của ông còn hỗ trợ gần một nửa kinh phí xây dựng (khoảng 33,5 triệu USD) cho Đại học Quốc tế RMIT tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Nam Sài Gòn), tạo nên một ngôi trường danh giá bậc nhất từ trên mảnh đất hoang, quanh năm ngập úng, với mục tiêu lấy một đại học hiện đại để làm “kiểu mẫu” cho giáo dục Việt Nam – thể theo tâm nguyện của cố Thủ tướng Phan Văn Khải khi còn sống.

Tại sao một người xa lạ từ bên kia Địa cầu và cũng chẳng có mấy liên hệ với Việt Nam như các cựu binh Mỹ (John McCain, John Kerry …) nhưng lại giành một tấm lòng vàng và những nghĩa cử cao đẹp như vậy trên đất nước này? Hãy nghe những lời bộc bạch của ông: “Tôi cảm thấy Việt Nam giống như ngọn đèn, còn tôi là con mối và cứ thấy đèn thì lại lao vào”.

Bàn về tính cách của dân Anh – Mỹ (người Anglo Saxon), có thể thấy họ rất cá nhân (individualism), rất tư bản, song cũng lại cực kỳ giàu lòng nhân ái. Tính vị kỷ, khi được khai sáng sẽ biến thành lòng vị tha. Như Feeney, thấm nhuần tinh thần của vua thép Andrew Carnegie trong cuốn “The Gospel of Wealth” (Phúc âm của sự giàu có), ông luôn tâm niệm “Thượng Đế không có ngân hàng, vải liệm không có túi, ai sinh ra cũng đều tay trắng, cuối cùng lại trắng tay ra đi, người đến rồi đi, chẳng ai có thể mang theo tài sản và danh tiếng mà mình cực khổ gây dựng cả”. Chính vì thế, ông đã sống, làm việc và cho đi hết, nhưng theo phương châm “Cho ai con cá, nuôi người đó một ngày; Dạy ai câu cá, nuôi người đó cả đời.”

Tỷ phú Bloomberg là người làm từ thiện nhiều nhất nước Mỹ, chỉ sau Bill Gates và Warren Buffet. Ảnh: Forbes

Nước Mỹ chính là mảnh đất màu mỡ của các hoạt động nhân ái mà hiếm nơi nào bì kịp. Hãy xem các nhà hoạt động xã hội (philanthropist) cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 như Andrew Carnegie, Leland Stanford, Ezra Cornell, Henry Ford, John Rockefeller … từ hơn 100 năm trước đã tự bỏ tiền túi ra xây dựng những đại học vĩ đại như Johns Hopkins, Cornell, Stanford, Chicago, Rockefeller … vì bản thân họ biết rằng chính mình đang phải hái những hoa trái ở tầng thấp, cho nên nếu muốn các thế hệ sau đạt được thành quả to lớn hơn thì cần phải đầu tư cho vốn con người (human capital), thông qua chăm lo y tế, giáo dục và thúc đẩy tăng trưởng tri thức của giống nòi.

Khoảng 50 năm sau, tất cả các đại học tư thục đó đều thăng hoa chưa từng thấy, phục vụ đắc lực cho nền kinh tế, xã hội và sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Truyền thống ấy, ngày hôm nay vẫn đang được vợ chồng Bill Gates, Mark Zuckerberg, Warren Buffet, Chuck Feeney, Michael Bloomberg … tiếp lửa để truyền lại cho các thế hệ sau nữa.

Có thể thấy, tầng lớp tinh anh ở phương Tây thường có tầm nhìn xa và trách nhiệm rất cao đối với xã hội – sản phẩm kết tinh của nhiều yếu tố, trong đó có nền dân chủ ăn sâu bám rễ, bản sắc văn hóa, đời sống tinh thần phong phú và đức tin tôn giáo lành mạnh.

Trong cuốn Nền đạo đức Tin lành và Tinh thần của Chủ nghĩa tư bản, nhà xã hội học Max Weber đã đưa ra một kiến giải thú vị, rằng ở những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của phong trào Kháng cách, người dân thường có xu hướng tự kêu gọi và tổ chức lại với nhau để làm những việc có ích cho cộng đồng và xã hội, chứ không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ để chờ đợi chính quyền.

Thứ nữa, các thiết chế chính trị và xã hội dân sự của những nơi này cũng thường khuyến khích việc đó, khi chính quyền ý thức được rằng, có những việc nếu để cho dân tự làm thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Cũng bởi thế mà ở phương Tây, những tài sản được quyên góp, hiến tặng cho mục đích từ thiện, phát triển y tế, giáo dục, … thì thường không bị đánh thuế như tài sản thừa kế (một số nơi như Đan Mạch còn áp thuế 100%.

Sau ba thập niên đổi mới và hội nhập, xã hội Việt Nam hôm nay đã khá lên thấy rõ, với số lượng người gia nhập tầng lớp giàu có ngày càng đông đảo, thậm chí xuất hiện cả những tỷ phú đô la như Phạm Nhật Vượng (Vin Group), Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet), Trần Đình Long (Hòa Phát) hay Trần Bá Dương (Trường Hải) – sở hữu khối tài sản kếch xù, trở thành động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, mang lại công ăn việc làm cho người lao động và còn là tấm gương đi đầu trong các hoạt động từ thiện và phát triển bền vững.

Chẳng hạn, những động thái và cam kết đầu tư mạnh mẽ cho y tế, giáo dục, khoa học công nghệ vừa qua của Tập đoàn Vin Group đã góp phần thổi bùng lên sự phấn chấn và niềm hy vọng mới trong xã hội. Mặc dù vậy, dường như chúng ta vẫn đang thiếu một điều gì đó … Bởi nếu nhìn lại, đa số các hoạt động từ thiện ở Việt Nam hôm nay vẫn đang chỉ dừng lại ở việc “cho con cá” nhằm xoa dịu nỗi khổ trước mắt, hay đổ vào tôn giáo, tâm linh như xây chùa, đúc tượng để xoa dịu nỗi khổ tinh thần, hay để tạo phúc đức cho gia tộc của người hiến tặng.

Chưa kể, đôi khi những nghĩa cử “cao đẹp ấy”, không hẳn đã xuất phát từ lòng vị tha, mà còn là để phục vụ cho những động cơ khác, trong đó có quảng bá hình ảnh. Thử hỏi mấy gia đình Việt Nam đủ khả năng chi trả cho những dịch vụ cao cấp tại các chuỗi bệnh viện và trường học mới mở của Vin Group?

Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho tình trạng này, song một phần cũng bởi cách thức làm giàu trong xã hội Việt Nam hôm nay vẫn đang phải dựa quá nhiều theo mô thức loại trừ (exclusive), khi chỉ chú trọng khai thác quan hệ, tài nguyên (như đất đai), đồng thời gián tiếp tước đoạt đi nguồn lực và cơ hội của người khác – theo cách hiểu trong cuốn Vì sao các quốc gia thất bại? (Why nations fail?) của Daron Acemoglu và James A. Robinson.

Sau cùng, mặc dù chưa thể so sánh với người dân ở các nước phương Tây về đời sống văn hóa và tinh thần, bởi xuất phát điểm của hai bên là hoàn toàn khác xa, tuy nhiên đó vẫn là một hình mẫu lý tưởng mà chúng ta cần hướng đến.

Trong thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực cải cách thể chế (kinh tế, chính trị) theo hướng lành mạnh, kiến tạo và công bằng hơn, Việt Nam cũng nên xây dựng một chiến lược dài hơi để giúp nhân rộng tinh thần nhân ái ra toàn xã hội. Hay trước mắt, cần sớm có một tổ chức được thành lập để vinh danh những cá nhân tử tế có tấm lòng vị tha nhằm phát huy tiếng gọi của trái tim, biến Việt Nam trở thành mảnh đất sinh trưởng của các hoạt động nhân ái.